25/02/2022 06:31 GMT+7

Tại sao 7 - 23% người mắc COVID-19 có thể nhiễm lại, kể cả đã chích 3 mũi?

T.DƯƠNG - X.MAI - L.ANH
T.DƯƠNG - X.MAI - L.ANH

TTO - Nhiều người mắc COVID-19 đã khỏi thường chủ quan cho rằng mình sẽ không mắc COVID-19 lần nữa, tuy nhiên trong thực tế những người từng nhiễm vẫn có thể bị tái nhiễm COVID-19.

Tại sao 7 - 23% người mắc COVID-19 có thể nhiễm lại, kể cả đã chích 3 mũi? - Ảnh 1.

Bên trong khu điều trị bệnh nhân nặng R14 Bệnh viện COVID-19 Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Từng nhiễm COVID-19 hồi tháng 12-2021, nhưng mới đây Đ.T. (29 tuổi, ngụ TP.HCM) lại có xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau 2 - 3 ngày có biểu hiện ho, ngứa cổ họng... 

T. cho biết đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin, mũi 3 tiêm khoảng 1 tuần sau khi âm tính COVID-19 lần đầu.

Tiêm 3 mũi vẫn tái nhiễm

"Từ lúc tôi bị ho, ngứa cổ họng là tôi mua que thử về test rồi nhưng kết quả âm tính. Sau đó tôi mua thuốc ho về uống nhưng không khỏi. Đến sáng 24-2 tôi test thêm lần nữa trước khi đi làm thì kết quả dương tính. Tôi thấy nhiễm lần này xét nghiệm lâu cho kết quả mà thời gian từ lần khỏi trước đến lần nhiễm này quá nhanh", T. nói. 

Hiện T. chỉ còn ho và đang tiếp tục cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. "Tôi cứ cho mình đã có đủ hàng rào bảo vệ chống virus vì từng nhiễm COVID-19, tiêm đủ 3 mũi vắc xin nhưng giờ vẫn nhiễm lại", T. chia sẻ.

K.O. (25 tuổi, ở TP Thủ Đức) cũng tái nhiễm COVID-19 và đang phải cách ly tại nhà. O. cho biết lần đầu nhiễm vào giữa tháng 11-2021, khi vừa tiêm vắc xin mũi 2 COVID-19 được 7 ngày.

"Ngày 10-2 tôi ra Hà Nội công tác, đến 16-2 về TP.HCM thì bị đau họng, sổ mũi. Lúc đầu đoán do thời tiết Hà Nội khá lạnh nên bị vậy, nhưng cảm giác rất giống lần nhiễm COVID-19 trước. Lo lắng cho những người thân bên cạnh có thể lây bệnh từ mình nên tôi test nhanh tại nhà thì cho kết quả dương tính. 

Vẫn chưa tin tưởng vào kết quả test nhanh vì mới nhiễm COVID-19 cách đây 2 tháng, tôi ra trung tâm xét nghiệm gần nhà để xét nghiệm PCR thì vẫn ra kết quả dương tính. Lúc này tôi mới tin mình bị tái nhiễm COVID-19. Lần tái nhiễm này không bị mất mùi vị nhưng cảm giác mỏi mệt hơn" - K.O. chia sẻ.

Tâm lý chủ quan dễ dẫn đến nguy cơ

K.O. thừa nhận sau khi nhiễm COVID-19 lần đầu, tâm lý cũng chủ quan vì cho rằng mình sẽ không bị nhiễm nữa. 

Vì thế O. đi ăn uống, tụ tập với bạn bè nhiều hơn, đặc biệt không sợ COVID-19 như trước. Tuy nhiên, khi nhận được kết quả PCR, O. đã rất bất ngờ và hiểu ra rằng từng nhiễm COVID-19 rồi vẫn có thể bị tái nhiễm dù chỉ trong một thời gian ngắn.

Bác sĩ Trần Thị Tuyết Lan, chuyên khoa nội tim mạch, Viện Tim TP.HCM, cho biết đã từng gặp những bệnh nhân bị tái nhiễm COVID-19. 

Bác sĩ Lan cho biết theo y văn thế giới ai cũng có khả năng tái nhiễm COVID-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ 5K chứ không phải nhiễm COVID-19 một lần sẽ tạo miễn dịch suốt đời. Những người tái nhiễm COVID-19 tùy tình trạng nhiễm bệnh mà có thể có những di chứng hay không.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Đại học Y dược TP.HCM, khi nhiễm COVID-19 cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch, nhưng không phải miễn dịch nào cũng có tính chất bền vững vì sẽ luôn có sự suy giảm nồng độ kháng thể trong máu. Chưa kể với những biến chủng mới của COVID-19 gần đây sẽ thâm nhập vào các tế bào trong cơ thể rất nhanh mà kháng thể chưa kịp đáp ứng lại được.

"COVID-19 có hai đặc điểm. Thứ nhất COVID-19 xâm nhập vào cơ thể rất nhanh, thời gian ủ bệnh ngắn có thể chỉ 1 - 2 ngày, cơ thể chưa kịp kháng cự thì virus đã vào rồi. 

Thứ hai, COVID-19 không thâm nhập vào đường máu mà thâm nhập vào niêm mạc, trong khi niêm mạc thường ít kháng thể. Do vậy, kháng thể của cơ thể nếu có chống lại COVID-19 thường không bền vững" - PGS Dũng nhận định.

Tái nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe

Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, thành viên nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ người bệnh COVID-19, cho biết các thống kê tại Mỹ cho tỉ lệ có 7 - 23% người mắc COVID-19 bị tái nhiễm, thời gian ghi nhận tình trạng tái nhiễm trung bình thường trong 70 ngày sau khi nhiễm COVID-19 lần đầu. 

Tuy nhiên các thống kê kể trên cho biết tình trạng bệnh khi tái nhiễm thường nhẹ hơn so với đợt đầu do kháng thể sau đợt nhiễm đầu vẫn còn.

Bác sĩ Tuấn cũng cho biết ở đợt tái nhiễm, người bệnh có thể điều trị tương tự đợt đầu hoặc điều trị theo triệu chứng. Ngay ở giai đoạn đầu của dịch đã có những trường hợp virus tồn tại dai dẳng trong cơ thể, xét nghiệm một thời gian sau khi khỏi bệnh lại thấy dương tính, đây được coi là những mảnh virus còn sót lại, không phải tình trạng tái nhiễm.

Tuy nhiên hiện tình trạng tái nhiễm đã được ghi nhận khá rõ ràng. Các bác sĩ điều trị cho biết hiện đã ghi nhận một số ca bệnh đã dương tính COVID-19 trong năm 2020, 2021 và gần đây dương tính trở lại. Theo PGS Dũng, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng có những tỉ lệ tái nhiễm COVID-19 dù không nhiều.

Ông Dũng khuyên không nên để tái nhiễm COVID-19 vì tái nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người nhiễm và sức khỏe của cộng đồng. Dù đã từng nhiễm COVID-19 vẫn nên thực hiện 5K để phòng tránh bị tái nhiễm. Với những người cao tuổi, có bệnh nền nếu tái nhiễm sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh nặng hơn, người cao tuổi, có bệnh nền nên tiêm chủng vắc xin COVID-19 đầy đủ theo hướng dẫn.

Theo bác sĩ Tuấn, tại Việt Nam tỉ lệ ca dương tính tái nhiễm COVID-19 hiện chưa được thống kê, nhưng rải rác đã được ghi nhận và thời gian tái nhiễm cũng tương tự bệnh nhân ghi nhận ở nước ngoài. 

Việt Nam đã ghi nhận trên 3 triệu ca mắc COVID-19, nếu 7 - 23% tái nhiễm thì con số không nhỏ. 5K và thực hiện các biện pháp phòng hộ, cũng như tránh tập trung đông người nếu không thật cần thiết, dù đã nói rất nhiều nhưng đây vẫn là biện pháp dự phòng hiệu quả.

Ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh vì sao?

Số ca mắc COVID-19 mới đã "leo thang" từ sau Tết Nguyên đán và đã lập "đỉnh" với trên 60.000 ca. Đến 23-2 đã có tới 25 tỉnh thành có số mắc từ 1.000 ca trở lên, trong đó Hà Nội cao nhất với gần 7.500 ca.

Theo các chuyên gia, con số kể trên mới chỉ là "phần nổi của tảng băng" do còn một tỉ lệ đáng kể ca mắc không triệu chứng nên không xét nghiệm, hoặc có xét nghiệm dương tính nhưng không báo cho cơ quan chức năng.

Về lý do ca mắc mới tăng mạnh, các hoạt động đi lại, giao lưu trong và sau Tết Nguyên đán cũng khiến nguy cơ lây lan bệnh mạnh hơn, trong khi chủng virus hay gặp gần đây (chủng Omicron) có mức độ lây lan nhanh hơn so với các chủng cũ.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, bộ trưởng Bộ Y tế, chủng Omicron lây lan nhanh gấp 7 lần chủng Delta ở nhóm chưa tiêm vắc xin và nhanh gấp 3 lần ở nhóm đã tiêm.

Trong khi đó tại TP.HCM 76% mẫu được sàng lọc là nhiễm Omicron. Tại Tây Nguyên, khu vực cũng có số mắc mới tăng nhanh gần đây, do chưa có khả năng giải trình tự gene nên đang gửi mẫu đi TP.HCM. Tại Hà Nội hiện cũng đã ghi nhận ca Omicron ở cộng đồng.

Các dấu hiệu liên quan ca mắc gần đây cũng cho thấy có những thay đổi về tình trạng bệnh. Theo chuyên gia của Bộ Y tế, tỉ lệ ca mắc có dấu hiệu bệnh cao hơn trước (50 - 60%, trong khi trước chỉ trên 20%), nhưng tỉ lệ ca chuyển nặng thấp hơn rất nhiều và rất thấp so với số ca mắc mới.

TP.HCM: 6.000 trẻ mắc COVID-19 trong 7 ngày là ca nghi ngờ, Bộ Y tế không công bố TP.HCM: 6.000 trẻ mắc COVID-19 trong 7 ngày là ca nghi ngờ, Bộ Y tế không công bố

TTO - Liên quan đến con số 6.000 trẻ nhiễm COVID-19 trong 7 ngày, trong khi báo cáo của Bộ Y tế thì TP chỉ dưới 1.000 ca/ngày, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cho biết kết quả trẻ nhiễm là qua test nhanh nên không được Bộ Y tế công bố.

T.DƯƠNG - X.MAI - L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tái nhiễm COVID