27/06/2014 09:26 GMT+7

"Tài năng trẻ": những cuộc trả bài

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - Sau gần một tuần diễn ra (từ ngày 20 đến 26-6), cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2014 tại nhà hát Tây Đô (TP Cần Thơ) đã khép lại.

Thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịchTài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013Khi cải lương diễn chung điện ảnh

YpEbl5QM.jpgPhóng to
Diễn viên Nguyễn Thị Lý (Nhà hát cải lương VN) gây ấn tượng với tiết mục Khát vọng Đắc Kỷ - Ảnh: Nguyễn Lộc

49 diễn viên từ 15 đoàn trên cả nước đã phô diễn khả năng của mình. Đã có vài gương mặt nổi trội nhưng điều đó chưa đủ sức lấn át những nỗi lo...

Dấu ấn của... thầy!

Trao 18 huy chương cho các tài năng trẻ

Tối 26-6, tại nhà hát Tây Đô (TP Cần Thơ) đã diễn ra lễ bế mạc và trao giải cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2014.

Có 18 huy chương đã được trao cho các diễn viên, gồm 7 huy chương vàng và 11 huy chương bạc. Bảy huy chương vàng thuộc về các diễn viên: Trần Thị Thu Vân (Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang), Võ Minh Lâm (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), Nguyễn Thị Lý (Nhà hát cải lương VN), Dương Nữ Thùy Dung (Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định), Bùi Thị Dung (Nhà hát cải lương VN), Lê Thị Nhung (Nhà hát cải lương Hà Nội) và Võ Hồng Thủy (Nhà hát cải lương Tây Đô). Ngoài ra, ban giám khảo còn trao một số bằng khen cho các diễn viên nhỏ tuổi nhất, diễn viên thể hiện hình tượng người lính biển...

NSƯT Triệu Trung Kiên (Nhà hát cải lương VN) nhận định: “Các em thiếu cảm xúc với vai diễn. Người ta thấy các em đang trả bài thi cho thầy cô một cách nghiêm chỉnh. Nhiều tiết mục thấy rõ dấu ấn của thầy cô.

Đành rằng người trẻ cần có sự hướng dẫn, chỉ bảo của người đi trước, nhưng bản thân các em cũng phải tư duy để biến những gì thầy cô truyền đạt thành cái riêng của mình. Vẫn chưa thấy được nhiều em có năng lực tự thân để truyền cảm xúc của nhân vật đến với người xem”.

Bởi nhất nhất tuân theo khuôn mẫu của thầy, của đạo diễn nên không ít diễn viên tự biến mình thành cái bóng mờ nhạt. Rõ nhất là tiết mục Thái hậu Dương Vân Nga của diễn viên Hồ Thị Ngọc Trinh đến từ Đoàn nghệ thuật cải lương Long An.

Khi cô xuất hiện, khán giả ngay lập tức xì xào bởi cô diễn quá giống phong cách của NSND Bạch Tuyết từ cách lấy hơi, nhả chữ, động tác biểu diễn đến cả thần thái. Tuy nhiên, với làn hơi chưa được khỏe, phong cách biểu diễn còn lúng túng, Ngọc Trinh đã bị xem là một bản sao còn lỗi...

Một trường hợp khác là vai diễn Võ Thị Sáu của diễn viên Lâm Ngọc Hoa đến từ Đoàn cải lương Cao Văn Lầu - Bạc Liêu. Với chất giọng ngọt ngào, phong cách biểu diễn dù vẫn còn hơi non nhưng dung dị, lẽ ra Ngọc Hoa đã chiếm được cảm tình của khán giả nếu trong dàn dựng đạo diễn không cho nhân vật có những nụ cười “khó hiểu”, khiến nhân vật trở nên “lạ lùng”.

Những trường hợp như Ngọc Trinh, Lâm Ngọc Hoa không hề hiếm trong cuộc thi. Tâm sự sau tiết mục, có những diễn viên trẻ thừa nhận họ cũng thấy kỳ kỳ nhưng không dám cãi lại thầy, họ không đủ bản lĩnh để đề nghị thầy/đạo diễn cho họ một cách thể hiện khác theo cảm nhận của mình. Cũng có không ít diễn viên thật thà: “Em cũng không biết vậy là đúng hay sai, hay hay dở, thầy/đạo diễn chỉ sao em làm vậy!”.

Học thuộc bài của thầy nhưng lại không có nhiều thầy giỏi, nên nhiều “học trò” thay vì phô bày tài năng đã bộc lộ khuyết điểm. Diễn cường điệu, một màu, phong cách biểu diễn cũ kỹ, rề rà, cố gắng vận dụng kỹ thuật, gào thét, la khóc mà không thể hiện được sự tinh tế từ nội tâm. Mà các thầy/đạo diễn không ít người là lãnh đạo của đoàn hát, sự cũ kỹ trong tư duy và quan niệm làm nghề của cấp lãnh đạo chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng với người trẻ. Họ sẽ tồn tại ra sao trong thời buổi sân khấu nghệ thuật truyền thống đang đòi hỏi phải có những thay đổi nhất định để hòa nhập dòng chảy mới của cuộc sống?

“Chỉ lo thi thôi, còn sau đó thì không biết!”

49 gương mặt xuất hiện trong cuộc thi có thể nói chưa có cá nhân nào gây dấu ấn như một hiện tượng. Tuy nhiên, cũng đã có những niềm tin lấp lánh dù không nhiều như tiết mục Mê Đê của Ninh Thị Như Quỳnh, Khát vọng Đắc Kỷ của Nguyễn Thị Lý (Nhà hát cải lương VN), Mệnh đế vương của Lê Thị Hồng Nhung (Nhà hát cải lương Hà Nội), Sáng mãi niềm tin của Trần Thị Thu Vân (Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang), diễn viên Dương Nữ Thùy Dung của Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định... cũng để lại ấn tượng đẹp trong lòng người xem từ vai diễn tuồng cổ đến xã hội.

Sân khấu cải lương, ca kịch dân tộc là những bộ môn đòi hỏi người nghệ sĩ phải lao động nghệ thuật vất vả. Thế nhưng cơ hội để họ biểu diễn, cọ xát nghề nghiệp không được nhiều, catsê cũng bèo bọt (ngoại trừ một số ít ngôi sao). Diễn viên Nguyễn Minh Hải (Nhà hát cải lương VN - giải ba cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2013) bộc bạch: “Có đôi lúc tôi cũng chán nghề bởi thật sự không thể sống bằng cải lương. Tôi phải làm thêm công việc MC, tổ chức sự kiện...

Nhưng có lẽ cải lương đã là cái nghiệp, đam mê rồi nên chỉ cần nghe tiếng đàn là rạo rực muốn được hát!”. Bền lòng được với nghệ thuật dân tộc quả là nhiều khó nhọc, người nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ, bởi vậy càng cần có sự khích lệ động viên và có kế hoạch phát triển từ các cấp quản lý.

Khi được hỏi sau khi đoạt giải, các tài năng rồi sẽ đi về đâu? Một số diễn viên cười lắc đầu: “Em chỉ lo thi thôi, còn sau đó thì không biết!”. NSƯT Triệu Trung Kiên khẳng định: “Ở đơn vị tôi, các nghệ sĩ đoạt giải về thường là sự nghiệp sẽ có sự thay đổi, phát triển hơn, có người được lên đào kép chính, trở thành ngôi sao”. Nhưng cũng có trưởng đoàn bâng quơ: “Hình như đoạt huy chương ở cuộc thi này cũng được xét để đủ điều kiện công nhận NSƯT...”.

Tâm lý đi thi để tìm kiếm huy chương, để được danh hiệu này nọ trong một bộ phận nghệ sĩ là có thật. Và cũng dễ hiểu khi nhiều tiết mục chinh chiến hết cuộc thi này đến cuộc thi khác mà không hề quan tâm đến việc làm mới, sáng tạo.

Với quy chế số lượng giải thưởng, huy chương không vượt quá 35% tổng số diễn viên tham dự cuộc thi, như vậy sẽ có những “vàng ròng” xứng đáng và những vàng non. Nên quan trọng vẫn là cách tiếp nhận của người trẻ: họ có đủ bình tĩnh để nhận ra mình đứng ở đâu, họ có biết tận dụng cuộc thi như một cơ hội thật sự để nhìn lại mình và học hỏi thêm ở các đồng nghiệp. Bởi tài năng thật sự vẫn là một trong những điều quan trọng nhất để họ sống với nghề, chứ không phải là các huy chương, giải thưởng.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên