13/12/2011 07:22 GMT+7

Tài năng âm nhạc ở đâu?

HOÀNG ÐIỆP
HOÀNG ÐIỆP

TT - Hội thảo Ðào tạo âm nhạc trong thế kỷ 21 (diễn ra ngày 12-12 tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN, Hà Nội) đã đặt ra nhiều vấn đề về đào tạo âm nhạc trong nước và quốc tế.

jj0EMSqe.jpgPhóng to

Những nhân tài âm nhạc Việt Nam như Đặng Thái Sơn, Bùi Công Duy, Đặng Hồng Quang đều được làm quen với âm nhạc từ sớm. Trong ảnh: NSND Đặng Thái Sơn (phải) trong một buổi giảng bài tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - Ảnh: H.Điệp

Hội thảo thu hút 20 tham luận của các vị khách đến từ Việt Nam và quốc tế: Lào, Tây Ban Nha, Nga, Hàn Quốc...

Với kinh nghiệm giảng dạy và từng nhiều lần đưa các sinh viên đi thi đấu trên đấu trường quốc tế, giáo sư Ngô Văn Thành cho rằng: “Về điều kiện vật chất, ta không quá thiếu thốn nhưng chúng ta không thể đào tạo được những nhân tài”. Lời phát biểu ấy của giáo sư Thành không gây ngạc nhiên cho những người từng đào tạo về âm nhạc của Việt Nam.

Bên lề hội thảo, NSND Trung Kiên nói: “Ý kiến giáo sư Ngô Văn Thành rất chính xác, nếu nói đến những tài năng đỉnh cao mang tầm cỡ quốc tế thì chúng ta thua xa một số nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. 55 năm qua, chúng ta đào tạo trên diện rộng, đại trà, chưa đi sâu vào một cách chi tiết cho đào tạo tài năng đỉnh cao. Tất nhiên, để đào tạo được tài năng đỉnh cao phải có một cơ chế hết sức đặc biệt: cần chọn (một cách cẩn thận và với một số lượng ít) những em có năng khiếu từ độ tuổi còn rất nhỏ, thậm chí có những trường hợp nên được đào tạo từ trong bụng mẹ. Ví như ở Học viện Tchaikovsky có hẳn một hệ đào tạo dành cho trẻ em, đó là những cá nhân rất xuất sắc và đa số đều trở thành nhân tài âm nhạc của Nga”.

Một tham luận khác cũng gây chú ý là tham luận của thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu. Theo ý kiến thạc sĩ Châu, “các tay đàn chỉ biết trung thành tuyệt đối với các bản nhạc, rời sách vở ra là lúng túng, nếu phải ứng tác thì “mất điện” và còn tự bào chữa đó là việc của dân không chuyên nghiệp”. Ðồng ý với ý kiến này, NSND Trung Kiên cho biết đối với học viên của các học viện âm nhạc nước ngoài, không chỉ đánh không rơi rụng một nốt nhạc nào thì họ còn có khả năng chơi ngẫu hứng rất tốt. Trong khi đó chúng ta đang chú trọng đào tạo “gà nòi” để tham dự các kỳ thi quốc tế. Nhưng những “gà nòi” này lại được dạy theo cách đánh thuần thục một bản nhạc chứ không có khả năng ứng tác, đó chính là khiếm khuyết rất lớn trong đào tạo âm nhạc tại Việt Nam.

Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy - phó trưởng khoa violon của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - trong một lần trao đổi về việc đào tạo tài năng cho âm nhạc cũng cho rằng: Việt Nam không thiếu tài năng, không cần tìm ở đâu xa, ngay trong môi trường đào tạo của học viện cũng có thể phát hiện rất nhiều. Tuy nhiên, dù có năng khiếu hay tài năng thiên bẩm thì Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện và đào tạo về âm nhạc cơ bản. “Nếu thật sự muốn trở thành nhân tài buộc phải có điều kiện để ra nước ngoài học tập” - Bùi Công Duy nói.

Tuy là cuộc hội thảo quốc tế có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia khác nhưng các tham luận của các nhà giáo, nhà nghiên cứu âm nhạc trong nước mới chỉ dừng lại ở các đơn vị phía Bắc: Học viện Âm nhạc quốc gia, Viện Âm nhạc VN, Trường đại học Sư phạm mẫu giáo trung ương... Vì vậy vấn đề được nêu trong hội thảo cũng chưa phải là toàn diện khi thiếu hẳn Học viện Âm nhạc Huế và Nhạc viện TP.HCM.

HOÀNG ÐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên