16/05/2015 08:21 GMT+7

Tai nạn giao thông giết chết tuổi hai mươi

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Cú va quẹt giữa ôtô 7 chỗ và xe máy đã gây ra vụ tai nạn thảm khốc. Trong tích tắc, vụ tai nạn ấy đã làm hai anh em sinh đôi một người chết, một người bị thương nặng.

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc để lại mất mát quá lớn đối với gia đình ông Lê Văn Nha - Ảnh: T.L.
Vụ tai nạn giao thông thảm khốc để lại mất mát quá lớn đối với gia đình ông Lê Văn Nha - Ảnh: T.L.

Phiên tòa xét xử phúc thẩm lần 2 đối với bị cáo Phạm Văn Đức (52 tuổi, ngụ quận Đống Đa) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được TAND TP Hà Nội mở sáng 24-3-2015.

Một phiên tòa căng thẳng bởi gia đình bị hại quá bức xúc, còn bị cáo đứng rúm ró trước vành móng ngựa.

Trong tích tắc

Buổi tối định mệnh ấy xảy ra ngày 4-10-2011. Phạm Văn Đức lái ôtô 7 chỗ hiệu Toyota từ TP Hòa Bình về Hà Nội. Khi đến gần ngã ba thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) do trời tối, mưa to và tầm nhìn bị hạn chế nên Đức va vào môtô của Lê Tuấn Anh chở anh trai Lê Việt Anh (21 tuổi) đi chiều ngược lại.

Cú va chạm làm xe của Lê Tuấn Anh va vào một ôtô khác đậu trên lề đường. Hai anh em Lê Tuấn Anh văng khỏi xe và bị thương nặng. Ôtô của Đức cũng mất lái, nổ lốp trước và lao sang mép đường.

Ngày 5-10-2011, Lê Tuấn Anh tử vong do bị thương quá nặng. Anh trai song sinh Lê Việt Anh bị chấn thương sọ não, tổn hại 66,8% sức khỏe.

Mất mát ấy không ai muốn nhắc đến nhưng vẫn trở đi trở lại khi vụ án đã kéo dài bốn năm với ba bản án, năm phiên tòa. Cách đây hai năm, khi TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm lần 1, chúng tôi gặp ông Lê Văn Nha, cha của hai bị hại, ở phòng xử.

Khi vợ đi gặp thư ký để làm thủ tục thì ông Nha ngồi đờ đẫn ôm di ảnh con trên ghế dự khán. Thấy có vài phóng viên trong phòng xử, một người bạn nói với ông: “Đây là các nhà báo, vụ án này có nhiều khuất tất, ông hãy nói ra cho mọi người cùng biết”.

Người cha nước mắt ngắn dài. Vẫn ôm chặt di ảnh con trên tay, ông lắc đầu: “Lúc này tôi không biết phải nói gì cả. Tôi không biết nói gì”...

Phiên tòa phúc thẩm lần 2 sáng 24-3, ông Nha không đến dự vì phải chăm sóc Việt Anh đang nhập viện. “Gia đình người ta một người chết, một người bị thương, bị cáo phải quan tâm khắc phục hậu quả. Bị cáo đã lớn tuổi rồi, đó là điều nên làm” - cả hội đồng xét xử lẫn đại diện viện kiểm sát đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu nói ấy với bị cáo.

Bởi gia đình bị hại bảo từ ngày xảy ra vụ tai nạn, bị cáo đền bù 200 triệu đồng rồi không đến hỏi han gì nữa. Lý giải hành động của mình, bị cáo bảo: “Mỗi lần đối diện với gia đình bị hại, bị cáo rất ngại nên không đến”.

Chiếc ôtô 7 chỗ mà bị cáo lái và gây tai nạn là xe có biển số đăng ký ở Lào nhưng đeo biển số giả của Việt Nam. Bị cáo khai mua của một người Lào không quen biết và đã lưu thông trái phép từ năm 2009.

“Tai nạn xảy ra chỉ trong tích tắc và ngoài ý muốn của bị cáo. Bị cáo bảo sẽ bồi thường 300 triệu đồng nhưng nhà bị hại không chịu”.

Trước lời khai ấy của bị cáo, mẹ bị hại gay gắt: “Tôi gần như mất trắng cả hai đứa con. Khi một đứa nằm viện thì đưa tang một đứa. Bị cáo sang nhà tôi bảo chỉ có 300 triệu đồng, hãy nhận rồi xin bãi nại để bị cáo không bị đi tù, còn không nhận thì thôi. Từ đó đến nay tôi mong bị cáo đến nhà tôi một lần để xin lỗi mà cũng không thấy mặt...”.

Gia đình bị hại từng làm đơn bãi nại cho bị cáo. Rồi mâu thuẫn nhau, gia đình bị hại lại rút đơn. Khi đại diện viện kiểm sát đề nghị y án 3 năm tù đối với bị cáo Phạm Văn Đức thì phòng xử trở nên náo loạn. Người nhà bị cáo bắt đầu chửi mắng vì bức xúc.

Vụ án kéo dài, đau khổ và mệt mỏi dồn nén khiến bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (mẹ bị hại) không giữ được bình tĩnh. Bà đề nghị tòa phải tăng nặng hình phạt đối với bị cáo.

“Các anh các chị có sinh con không, có nuôi con ngày nào không mà không hiểu lòng cha mẹ? Tôi nuôi anh em nó hai mươi năm nay. Hai mươi năm mà bây giờ nỡ cướp mất con tôi. Các anh chị thử đặt mình vào hoàn cảnh của tôi xem có đau xót không?”- giọng bà Thủy lạc đi.

Mất mát không đong đếm...

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nằm sâu trong con ngõ trên đường Đê La Thành (Q.Ba Đình). Từ ngày vụ tai nạn xảy ra, nơi đó trở thành một ngôi nhà u ám, buồn bã và ít tiếng cười. Bàn thờ Tuấn Anh được đặt trong một góc nhà. Khi chúng tôi đến, Việt Anh đang nằm ngủ li bì, bà ngoại lay gọi mãi cũng không dậy.

Buổi tối định mệnh ấy, Tuấn Anh và Việt Anh xin mẹ sang nhà bạn chơi. Con ra khỏi nhà khoảng hai tiếng đồng hồ thì bà Thủy nhận được điện thoại báo con bà bị tai nạn giao thông. Bà dẫn xe đi mà trong lòng vẫn nghĩ “chắc có sự nhầm lẫn nào đó”. Đi được nửa đường, người ta lại gọi cho bà nói: “Chị ơi con chị bị nặng lắm rồi, chị nhanh lên!”.

Bà đến bệnh viện và nhìn thấy Việt Anh đang nằm trên vũng máu. Bà đưa Việt Anh lên tầng 2 cấp cứu rồi lại chạy xuống tầng 1 lo cho Tuấn Anh. Khi bà vừa rời tầng 1 chạy lên tầng 2 xem Việt Anh thế nào thì em trai bà gọi điện bảo: “Chị quay lại đi, cháu không qua khỏi rồi”. Trong tích tắc, người mẹ ấy chân sấp chân ngửa quay lại tầng 1 thì Tuấn Anh đã ra đi.

“Tôi hối hận quá, tôi thấy Việt Anh bị thương nặng, còn Tuấn Anh không thấy chảy máu, nghĩ chắc con không sao nên cứ mãi lo cho Việt Anh. Nào ngờ vào viện chỉ mấy tiếng thì Tuấn Anh bỏ tôi mà đi” - giọng nghẹn ngào nhưng bà Thủy không còn nước mắt để khóc.

Tuấn Anh tổ chức sinh nhật tuổi 20 được ba tháng thì ra đi. Bản giám định thương tích của Việt Anh dài bốn trang, không thể kể hết những lần vào ra viện chữa trị vết thương. Em bị chấn thương sọ não, trí nhớ giảm, khó nhớ được ký ức, khó thể hiện được điều muốn nói, đầu đau âm ỉ, kéo dài nhiều ngày, rối loạn giấc ngủ...

Từ ngày ra viện, mỗi tháng Việt Anh vẫn phải theo mẹ vào bệnh viện điều trị mấy lần. Em sợ tiêm, sợ bệnh viện đến nỗi phải khóc xin mẹ đừng bắt đi bệnh viện nữa. Bây giờ, Việt Anh không thể nhớ mặt những người trong gia đình.

Sau khi hội đồng xét xử phân tích, bị cáo đồng ý mỗi tháng chu cấp cho Việt Anh 5 triệu đồng. Cúi đầu trước tòa, bị cáo xin hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo để việc chu cấp cho bị hại mỗi tháng không chỉ là lời hứa trên bản án. Bị cáo đã hai lần kết hôn và ly hôn, giờ một mình nuôi hai con nhỏ.

Trong một phút bất cẩn của bị cáo, tuổi 20 tươi đẹp của hai anh em Tuấn Anh và Việt Anh đã mãi mãi không còn nữa. Để lại đằng sau đó là những mệt mỏi, mất mát không thể nào đong đếm cho cả gia đình bị cáo lẫn bị hại...

Cuộc đời con tôi không còn gì!

“Tôi không biết tại sao tôi tồn tại được đến ngày nay. Cuộc đời con tôi không còn gì, cuộc đời tôi những ngày tới cũng không dám nghĩ sẽ ra sao” - bà Thủy nói. Khi còn sống, Tuấn Anh vẫn giúp mẹ đi chở nước gạo, chở mùn cưa về để mẹ chăn nuôi.

Nhà khó khăn nên hai anh em phải nghỉ học sớm để phụ mẹ. Trong ký ức của bà, con ngách 612/77 Đê La Thành thì Nho và Nhe (tên gọi ở nhà của Tuấn Anh và Việt Anh) vẫn là hai anh em sinh đôi hiền lành, cao to, khỏe mạnh.

Bây giờ, bà Thủy quẩn quanh với nợ nần, với đơn từ khiếu nại, với những lần đưa con vào ra bệnh viện như cơm bữa. Việt Anh thường xin ra ngoài và quên đường về nhà làm cả nhà náo loạn đi tìm.

Bác sĩ bảo cả nhà phải cẩn thận giữ gìn cho Việt Anh, chỉ một cú sốc tinh thần nhỏ cũng khiến em bị tổn thương thần kinh mà không cách nào cứu vãn nổi. 

 

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên