10/10/2024 15:24 GMT+7

Tai nạn giao thông cướp hàng ngàn sinh mạng trẻ em, người lớn cần phải làm gì?

Ngày 10-10, Ban An toàn giao thông TP.HCM cùng các đơn vị tổ chức hội thảo phổ biến quy định mới đảm bảo an toàn cho trẻ em trên ô tô trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Hàng nghìn vụ tai nạn giao thông với trẻ em, người lớn phải làm gì? - Ảnh 1.

Các đơn vị tham gia hội thảo thảo luận về quy định mới đảm bảo an toàn cho trẻ em trên ô tô trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ - Ảnh: THU DUNG

Tại hội thảo, đại tá Nguyễn Quang Nhật - trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông Cục Cảnh sát giao thông - nhận định tình trạng vi phạm giao thông và tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em, học sinh ngày càng tăng, diễn biến phức tạp.

Nhiều tai nạn giao thông gây chuyện "rất xót xa"

Theo thống kê, tai nạn giao thông có liên quan đến trẻ em (từ 6 đến dưới 18 tuổi) xảy ra trong năm 2023 là hơn 2.158 vụ, làm chết hơn 1.000 em. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông cũng cướp đi sinh mạng hơn 700 trẻ em rất xót xa.

Trước thực tế đó, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đang thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đảm bảo an toàn giao thông cho đối tượng trẻ em, người yếu thế cần được bảo vệ. Trong đó chú trọng xử lý vi phạm học sinh cấp 2-3 đi xe máy vi phạm, phụ huynh giao xe cũng bị phạt nghiêm để nâng cao ý thức.

"Đặc biệt, Luật Trật tự, an toàn giao thông sắp có hiệu lực (từ 1-1-2025) cũng có nhiều quy định ưu tiên bảo vệ, đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ em. Cụ thể, trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1m35 không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe; phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em...

Cũng theo đại tá Nhật, về lâu dài, các đơn vị phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông nhằm giảm tai nạn thương tâm liên quan học sinh. Thậm chí nghiên cứu đến việc đưa an toàn giao thông vào dạy như môn học cho chương trình cấp 3. Học sinh sau khi thi môn này được xem xét miễn lý thuyết khi thi hạng bằng lái xe máy...

Thiết bị an toàn là quy định bắt buộc

Hàng nghìn vụ tai nạn giao thông với trẻ em, người lớn phải làm gì? - Ảnh 2.

Thiết bị an toàn cần được trang bị trên xe ô tô để bảo vệ trẻ tối đa khi tham gia giao thông. Một số thiết bị đảm bảo quy chuẩn an toàn được giới thiệu - Ảnh: THU DUNG

Theo PGS Phạm Việt Cường - Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương Đại học Y tế công cộng, đơn vị tiến hành khảo sát trên 15.000 xe ô tô chở trẻ em. Kết quả trung bình chỉ 1,3% xe có dùng thiết bị an toàn cho trẻ. Vị trí an toàn của trẻ em trên ô tô cũng ít được người lớn quan tâm đến.

Trung tâm này khuyến cáo hiện xe ô tô ở nước ta tăng nhanh, tuy nhiên thiết bị an toàn phù hợp với trẻ em lại chưa đảm bảo ở hầu hết thành phố lớn. Các đơn vị, người lớn phải quan tâm hơn đến sử dụng thiết bị an toàn đúng cách, đúng chuẩn.

Trên thế giới, việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô đã được thực hiện từ nhiều năm qua như một quy định bắt buộc. Thiết bị đúng chuẩn giúp giảm thiểu các tai nạn, tổn thương cho trẻ em từ 25% - 90% nếu xảy ra va đập. Đối với đơn vị kinh doanh vận tải, xe đưa rước học sinh, việc trang bị thiết bị an toàn cho trẻ rất cần thiết. Ở các nước trên thế giới, họ đã đưa yêu cầu này vào quy định bắt buộc từ nhiều năm nay.

Kết lại hội thảo, ông Nguyễn Thành Lợi - phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM - khẳng định việc bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em khi tham gia giao thông là rất quan trọng.

Thời gian qua, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến đến người tham gia giao thông. Trên cơ sở Luật Trật tự, an toàn giao thông, ban nhanh chóng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, trường học... tập trung hướng dẫn học sinh, phụ huynh tăng phương pháp bảo vệ trẻ khi tham gia giao thông. Cùng với đó, người lớn có trách nhiệm hướng dẫn con cái tham gia giao thông đúng cách, an toàn.

Các nước ưu tiên bảo vệ trẻ em khi đi đường ra sao?

Một số chuyên gia tại hội thảo chia sẻ lại quá trình nghiên cứu họ nhận thấy các nước trên thế giới đặc biệt ưu tiên bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông. Trường hợp đi bằng xe cá nhân phải ngồi đúng vị trí an toàn, có thiết bị an toàn và người lớn hướng dẫn.

Trường hợp đi xe chở học sinh (mầm non và học sinh), loại xe này luôn được nhường đường. Khi xe dừng sẽ có biển stop và cô giáo đưa các bé xuống thì xe cộ khác phải nhường cho các bé về nhà an toàn. Loại hình xe chở học sinh này góp phần lớn trong giảm xe cá nhân và ùn tắc.

Những xe này phải làm xe chuyên biệt với những quy chuẩn nhất định đảm bảo tính an toàn. Trên xe được trang bị thiết bị chống bỏ quên trẻ em và bố trí người phụ xe, xe nào chở trên 27 trẻ phải có 2 người hỗ trợ.

Hàng nghìn vụ tai nạn giao thông với trẻ em, người lớn phải làm gì? - Ảnh 1.Trẻ em bao nhiêu tuổi không được ngồi ghế trước ô tô?

Quy định về độ tuổi trẻ em không được ngồi ghế trước ô tô và trẻ em phải ngồi ghế thiết kế riêng đang được đề xuất luật hóa tại Việt Nam, nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia y tế, an toàn giao thông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên