19/10/2011 09:49 GMT+7

Tai nạn giao thông - cái nhìn của người trong cuộc

TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG(Giáo viên Trung tâm sát hạch lái xe Trường TCN VINASME Tây Nguyên)
TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG(Giáo viên Trung tâm sát hạch lái xe Trường TCN VINASME Tây Nguyên)

TTO - Một giáo viên trường dạy lái xe cho rằng chủ quan là bệnh của những lái xe giàu kinh nghiệm đường trường, bởi đa số tai nạn nghiêm trọng liên tiếp xảy ra gần đây đều rơi vào xe khách.

3SiPPWA0.jpgPhóng to
Công an khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn giao thông ngày 26-9 dưới chân cầu Tham Lương (đường Trường Chinh, quận 12, TP.HCM) - Ảnh: Sơn Bình

Lấn đường

"Triệu chứng" kinh niên thường gặp nhất và hay gây tai họa nhất là "lấn len", ngôn ngữ của các bác tài chỉ việc lấn làn, lấn tuyến, lấn qua vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, lấn qua vạch giới hạn đường bộ…

Đặc thù đường ở Tây nguyên nói riêng, đường Việt Nam nói chung là đường đèo dốc, quanh co uốn lượn, tầm nhìn hạn chế. Ngoài các biển báo nguy hiểm, người ta thường đặt các biển cấm, biển báo hạn chế tốc độ.

Bên cạnh đó, trên tất cả các quốc lộ hay tỉnh lộ, khi chưa có điều kiện đặt dải phân cách giới hạn hai chiều xe chạy riêng biệt, người ta dùng vạch liền nét để chia đường. Gặp vạch này người lái không được cho xe lấn qua, đặc biệt là những nơi có khúc cua liên tiếp.

Luật là vậy nhưng có mấy ai để ý. Xe vào đường quanh co mà chân cứ đạp hết ga. Lực li tâm và lực quán tính, lực đẩy khiến chiếc xe luôn có chiều hướng bay ra ngoài lề đường, buộc các lái xe chỉ còn cách duy nhất là lấn đường. Tốc độ càng lớn thì phần đường ngược lại nguy cơ bị lấn càng cao.

Từ chỗ này, nếu ai thường xuyên qua đường mòn Hồ Chí Minh sẽ thấy các bác tài nảy ra một sáng kiến hãi hùng. Khi vào khúc quanh, cửa trước bên phụ sẽ được mở ra, một lơ xe sẽ treo người nơi đây để quan sát, báo hiệu xe ngược chiều hoặc chướng ngại vật phía trước để tài xế xử lý. Bao tai nạn vẫn xảy ra bởi những nơi khuất tầm nhìn thường tiềm ẩn những mối hiểm họa khôn lường không thể dự báo.

Cẩu thả trong khâu chuẩn bị xe cộ

Cao điểm đông khách vào những dịp lễ tết, nghỉ mát, thi cử, thu hoạch… nhà xe thường tranh thủ thời gian quay đầu liên tục nên việc chăm sóc, bảo dưỡng xe bị xem nhẹ. Ngoài việc thăm dầu, mỡ, nhớt, nước… thì khâu kiểm tra siết chặt phải làm thường xuyên hằng ngày. Xe chạy văng bánh ra ngoài, mất lái bất ngờ, gãy, vặn xoắn, rớt cạc đăng, gãy láp… phần lớn đều do bất cẩn, thiếu kiểm tra, sửa chữa kịp thời.

Một căn bệnh chủ quan nữa là tận dụng lốp mòn, lốp không đúng kích cỡ, lốp đắp, đây là một hiện tượng khá phổ biến ở các nhà xe hiện nay, kể cả xe chất lượng cao, thường rơi vào các xe chợ, xe dù, xe thu nhập kém. Không ai có thể biết chính xác nó nổ lúc nào và không ai dám nghĩ đến hậu quả.

Nói chuyện và nghe điện thoại khi cầm lái

Vào khu đông dân cư, nơi có nhà cửa gần đường thường có trẻ con, súc vật băng qua đường, nhiều tài xế vẫn quay ngược, quay xuôi nói chuyện, nghe điện thoại, “tám” cao hứng tới nỗi phồng mang trợn mắt, khoa chân múa tay, cười tít mắt, bỏ cả hai tay khỏi vôlăng.

Mặt đường thay đổi đột ngột, ổ gà, ổ voi lầy lội, đất đá trôi dạt… Đường gần những lô cao su, gần những cánh rừng, quá trình thay lá và phát tán hạt bị dòng xe cộ đè nát lâu ngày tạo lớp rêu, nhiều loại quả, hạt có chất tinh dầu, khi xe qua những đoạn đường này trời nắng cũng trơn, trời mưa càng dễ trượt. Lái xe chỉ cần sao nhãng, không để ý, không phán đoán, lường trước thì xe mất lái và tai nạn là điều khó tránh khỏi.

TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG(Giáo viên Trung tâm sát hạch lái xe Trường TCN VINASME Tây Nguyên)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên