03/12/2015 11:03 GMT+7

Tại mình hay tại ai?

PHẠM VĂN CHÂU EM
PHẠM VĂN CHÂU EM

TT - Sau bài về những “tỉ phú thời gian” - Mỗi ngày qua rất dài (Tuổi Trẻ 2-12), Nhịp sống trẻ đã nhận được nhiều chia sẻ từ bạn đọc về chủ đề này.

Một quán nhậu trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM) đông đúc khách lúc 15g10 ngày 2-12, trong đó có nhiều bạn trẻ - Ảnh: Ngọc Hiển
Một quán nhậu trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM) đông đúc khách lúc 15g10 ngày 2-12, trong đó có nhiều bạn trẻ - Ảnh: Ngọc Hiển

Muộn còn hơn không…

Tôi từng học sư phạm, ra trường rồi về quê chờ xin việc theo đúng mong muốn của bản thân và gia đình. Tôi chờ một năm, hai năm rồi tới bốn năm vẫn chưa có việc làm. Lý do vì chỉ tiêu tuyển dụng của tỉnh nhà ít ỏi, phần vì tiền bạc để lo chạy việc cho tôi cứ ngày một đội lên cao mà gia đình lại không hề khá giả.

Cứ như vậy, tôi ở nhà phụ giúp ba mẹ làm ruộng, có thời gian tôi đi làm công nhân, làm thợ hồ... Sức trai trẻ, khỏe mạnh nhưng tôi không thể kham nổi việc phơi nắng cả ngày ngoài trời hay gò bó tù túng cả ngày trong nhà máy lắp ráp linh kiện. Làm công việc nào tôi cũng thấy nản bởi công việc cực nhọc, lương bổng thấp, lại mang tiếng “tốt nghiệp đại học rồi về làm lao động chân tay” khiến tôi xấu hổ, khó chịu.

Làm dăm bữa, nửa tháng hoặc khi cần tiền thì tôi mới đi làm, thời gian rảnh tôi thích đi chơi, xem đá bóng, lướt web... Đi làm trễ, nói chuyện riêng bị người quản lý nhắc nhở, nói nặng lời một chút thì tôi cũng sẵn sàng bỏ việc.

Người quen, bạn bè thường xuyên góp ý khuyên tôi nên chủ động về thành phố lớn kiếm việc, thử sức mình ở những vị trí công việc mới, gia tăng kinh nghiệm, các kỹ năng khác cho bản thân... nhưng lúc đó tôi nhất mực bảo thủ, không để ý tới những lời góp ý đó.

Tôi cho rằng cứ sống ở quê như vậy vì trước sau gì cũng phải vào biên chế. Làm thầy giáo thì cần gì “năng động”, cần gì “tháo vát” như những nghề nghiệp khác. Rồi lý do về thành phố không quen đường sá, chật vật tìm nhà trọ, sinh hoạt phí đắt đỏ..., tôi cứ ở nhà với ba mẹ như thế.

Bốn năm sau ngày ra trường, trong khi bạn bè phần nhiều đã ổn định công việc, cuộc sống thì trong tay tôi vẫn không có gì ngoài tấm bằng đại học được cất kỹ trong tủ. Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ tới ba mẹ. Tôi biết mình hiện tại 27 tuổi nhưng vẫn ở nhà ăn bám ba mẹ là hai người già, đã gần 60 tuổi.

Bây giờ tôi đọc sách, đọc Tony buổi sáng, Trên đường băng... và thấy mình thật phí phạm tuổi trẻ. Thật tiếc vì ngày trước hễ có người góp ý đến công việc, tương lai của bản thân thì tôi lại “xù lông nhím” phản ứng lại, trách móc họ chuyên đi “xía vào việc của người khác”. Nhưng có lẽ muộn còn hơn không, tôi sẽ làm lại từ đầu...Đ.D.

Bạn trẻ có cùng góc nhìn hoặc có ý kiến khác, mời gửi về Nhịp sống trẻ theo địa chỉ email dtduy@tuoitre.com.vn để cùng nhau bàn luận.

Đặc biệt Nhịp sống trẻ chờ đón thêm những chia sẻ từ quý bạn đọc đã qua “thời tuổi trẻ chỉ có một” để có thể từ những chia sẻ đó, một bộ phận giới trẻ có thể tìm lại mục tiêu của cuộc đời để mỗi ngày qua là một ngày ý nghĩa hơn.

Có nhiều lý do

Xã hội ngày nay phát triển như vũ bão, trong thời kỳ hội nhập cần lắm những thanh niên gắng công mày mò học tập để trở thành những trụ cột, những người chủ tương lai. Thế nên không khỏi suy nghĩ về những “tỉ phú thời gian”.

Tuy bài viết chỉ nêu điển hình vài cá nhân nhưng cho thấy các bạn trẻ đang đối đầu với những thứ mà ngay đối với người trưởng thành trong xã hội còn cảm thấy “đuối”.

Đó là chuyện nhiều bạn trẻ thích sự tiện lợi, đua đòi nhưng biếng nhác, lười học hỏi, ngại khó, gặp tí chuyện thì kêu ca, đam mê giá trị tư tưởng của bản thân, sống theo bản năng, không có lý tưởng và hoài bão, xem nhẹ tương lai.

Một phần không nhỏ các bạn thiếu sự quan tâm của gia đình. Phần lớn bạn trẻ bước vào giảng đường đại học năm đầu tiên gia đình còn quan tâm, dần dần sự quan tâm của gia đình giảm dần khiến các bạn có tư tưởng tự do sống nên dễ dẫn đến con đường lầm lạc. Cũng không ít trường hợp gia đình chính là nguyên nhân dẫn đến sự ỷ lại rồi buông xuôi, vì các bạn cho rằng không học cũng dễ dàng có công việc và cuộc sống sung túc.

Bên cạnh bản thân và gia đình của các bạn, một phần trách nhiệm không nhỏ thuộc về nhà trường, chương trình đào tạo khô khan, không thu hút người học, không sát với thực tế dễ dẫn đến sự chán nản từ người học.

Cũng có lý do sự bất bình đẳng trong xã hội đâu đó vẫn còn khiến cho bạn trẻ dễ dàng có suy nghĩ học làm gì khi mà ra trường không “chọi” lại với các bạn có thân thế, từ đó dễ dàng buông xuôi việc học hành, hoặc không còn ý chí phấn đấu và cố gắng học tập.

Không thể nói: Thời gian hãy đợi đấy!

Người ta nói 20 là tuổi thơ của tuổi trẻ, 40 là tuổi trẻ của tuổi già, 60 là tuổi già của tuổi lão, 80 là tuổi lão của tuổi thọ 90…

Vậy mỗi giai đoạn hãy sống và làm việc, vui chơi cho đúng nhịp điệu - năng lượng mình có. Đó là học thì cố mà học; làm việc, lập gia đình và có con thì cố gắng chu toàn; nghỉ ngơi thư giãn tuổi xế chiều thì cứ thong dong tự tại…

Vì năng lượng từ mỗi con người ở mỗi giai đoạn trên là có hạn, không phải phí phạm thời gian mà con người đã tiêu hao năng lượng (sức khỏe và năng lượng tư duy của não) cho những vấn đề vui chơi giải trí nhiều hơn những vấn đề có giá trị lâu dài như gia đình - con cái - sự nghiệp - tình bạn.

Vậy theo tôi, mỗi cá nhân sẽ tự mình lên kế hoạch sử dụng năng lượng mình có được cho thời gian mình có, hay còn gọi là quản trị cuộc đời, chứ không phải quản lý thời gian vì thời gian cứ âm thầm trôi. (lephuong7218@...)

PHẠM VĂN CHÂU EM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên