15g chiều thứ hai (16-11), quán café U (đường Trường Sơn, Q.10) đông nghẹt khách là thanh niên - Ảnh: Ngọc Hiển |
Khi tìm hiểu câu chuyện này, một lần nữa chúng tôi có thêm cơ sở để hiểu thêm về những “tỉ phú thời gian” vì việc nhớ nằm lòng lịch sinh hoạt của từng nhân vật dễ tựa trở bàn tay, bởi chúng như những xấp giấy trắng mà mỗi trang chỉ nguệch ngoạc đôi ba dòng...
Một chân dung, nhiều lý do
Chúng tôi nhận được tin nhắn “đến trễ” từ T.N.T. (23 tuổi, quê Đồng Nai) lúc 9g30 sáng một ngày giữa tuần khi đã có hẹn từ lúc 9g. 10g15, T. xuất hiện trong chiếc áo pull nhàu nhĩ, quần soọc và dép hai quai lẹt xẹt. Gọi một ly cà phê đá và một phần ăn sáng, T. nói: “Tranh thủ ăn để tí nữa khỏi mất công ra đường lần nữa, nắng nôi oải lắm”.
T. đang ở trọ tại khu vực vòng xoay Hàng Xanh (TP.HCM). “Phòng trọ có ba người, cả ba đứa đều không có công việc ổn định. Ngoài thời gian có gì làm nấy thì chúng tôi thường coi đá banh, chơi game và đi cà phê, lai rai bất kể trưa hay tối. Bọn tôi ngủ mỗi ngày trung bình 10 giờ, mấy hôm trắng đêm coi Cúp C1 (Champions League) thì có thể ngủ bù tới 5g chiều hôm sau” - T. giới thiệu sơ về sở thích chung giữa bạn và các “chiến hữu”.
Học đến năm 3 khoa công nghệ thông tin (CNTT) Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thì T. bỏ dở vì “càng học càng khó nên nản”. Có chút kiến thức về CNTT, T. nhận sửa máy cho bạn bè, người quen.
“Giai đoạn đầu thu nhập nói chung cũng ổn. Nhưng do phần lớn là chỗ quen biết nên tôi ỷ lại, thường trả hàng trễ hẹn, đôi lúc làm quấy quá mỗi khi thấy trong người mệt mệt hoặc đêm trước lỡ quá chén với mấy đứa bạn nên mất khách dần” - T. giải thích về việc sau đó chuyển qua làm nhân viên cửa hàng điện tử rồi phục vụ quán cà phê...
Dẫu vậy T. không trụ được lâu với những công việc mới. “Khách hàng nhiều người “trời ơi” (!?) quá trong khi tôi khá nóng tính, công việc thì áp lực mà lương lại bèo bọt” - T. nêu lý do khiến mình thường xuyên nghỉ việc.
Một năm qua T. quay lại làm việc tại nhà, chủ yếu nhận hỗ trợ việc lặt vặt cho các dự án CNTT mà mấy đàn anh “bớt” lại. Ngoài ra T. cũng tranh thủ “cày” một số game để kiếm thêm thu nhập. T. cho biết chẳng học thêm gì nữa vì không có nhiều tiền. “Học phí mấy trung tâm tiếng Anh giờ đắt lắm. Đi lai rai lề đường thì đâu tốn bao nhiêu. Với lại quen rồi giờ bỏ khó lắm” - T. chống chế.
“Nỗi lòng” con nhà có điều kiện
K. (24 tuổi, Q.1, TP.HCM) lại là một câu chuyện khác. Thông minh, xuất thân gia đình khá giả... K. lớn lên trong sự bao bọc gần như tuyệt đối từ gia đình. “Tôi luôn được cha mẹ lo cho học ở những ngôi trường tốt nhất từ tiểu học đến ĐH. Gia đình tôi có công ty riêng, ai cũng quen biết rộng”. K. nói điểm số, bằng cấp này nọ chưa bao giờ là mối bận tâm.
Lịch sinh hoạt của K. thời sinh viên lẫn lúc đi làm không khác nhau là mấy. “17g30 về đến nhà, tắm rửa rồi dùng cơm nhà dọn sẵn, sau đó chiến đấu game, lướt Facebook, Zalo... hoặc đi cà phê, xem phim với bạn gái. Tôi ngại tham gia hoạt động xã hội vì không giỏi giao tiếp. Mỗi ngày tôi online trên mạng xã hội khoảng 10 giờ” - K. cho biết.
“Công ty là do người nhà giới thiệu vào, bản thân không bị áp lực về chuyện tiền bạc nên tôi làm việc khá thoải mái” - K. nói.
Mỗi khi buồn vẩn vơ, K. lại chểnh mảng công việc hoặc thậm chí xin nghỉ việc để đi du lịch hay ở nhà... ngẫm sự đời, lên mạng “chém gió”. Không chịu đựng nổi tính khí thất thường này của K., các công ty dần tìm cách từ chối khéo dù gia đình K. ai nấy đều quan hệ rộng.
“Tôi có một người bạn rất giống K.. Thời đi học anh chỉ cắm đầu vào chơi game, gái gú, chỉ thích đi chơi và cho rằng chỉ cần tốt nghiệp cấp III là đủ (do gia đình khá giả và anh là con trai duy nhất). Đến 30 tuổi, khi nhìn lại thấy bạn bè ai nấy đều có vị trí nhất định trong xã hội, còn bản thân chỉ là một nhân viên giao hàng bình thường, lại thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm biên chế thì mới hối hận. Nhưng để đến lúc này thì mọi chuyện đã muộn” - bà Huỳnh Thị Đoan Thùy (trưởng phòng thị trường Trung tâm Xúc tiến du lịch TP.HCM) chia sẻ.
ThS luật Lưu Minh Sang (giảng viên ĐH Kinh tế - luật TP.HCM) cho biết không quá ngạc nhiên trước những câu chuyện trên. “Tôi hiện giảng dạy tại bốn trường ĐH và phải thừa nhận rằng một bộ phận không nhỏ sinh viên các trường... quá lười. Không đề cập đến chuyện thi đạt điểm tốt hay chuẩn bị bài trước, chỉ việc họ đi học, chép bài đầy đủ đã là điều khó. Mà như vậy thì liệu họ có thể trông chờ gì vào tương lai của mình?” - ThS Sang nói.
P. (25 tuổi, quê Mỹ Tho, Tiền Giang) cũng chấp nhận cuộc sống mà chính P. thừa nhận “sao mà đằng đẵng”. Tốt nghiệp ĐH Công nghiệp TP.HCM, P. nộp đơn ứng tuyển và đậu vào một số công ty nhỏ. Chê lương “ba cọc ba đồng” không tương xứng với mình nên P. thường nghỉ ngang, sau đó “sống sót” qua ngày từ khoản tiền trợ cấp hằng tháng do người nhà dưới quê gửi lên. P. giao tiếp tiếng Anh lõm bõm, học lực trung bình và không có kinh nghiệm làm việc, hoạt động xã hội nhưng lại thở dài: “Cuộc sống lận đận do mình không phải là “con ông cháu cha”, tốt nhất đừng nên hi vọng nhiều”. Hai năm qua, lịch sinh hoạt của P. trong một ngày có thể gói gọn: ăn, ngủ, đi làm phục vụ quán cà phê hoặc đi giao hàng giùm một người thân kinh doanh quần áo online. |
Bạn trẻ đang trải qua những ngày “thời tuổi trẻ chỉ có một” của mình như thế nào? Ở đâu - nơi giảng đường, công sở hay quán cà phê, quán nhậu, bida, game online? Bạn đang dùng thời gian rảnh của mình để sống chan hòa với cộng đồng, thiên nhiên hay ủ rũ trong góc phòng với những lời trách cứ số phận? Hãy chia sẻ cùng Nhịp sống trẻ (dtduy@tuoitre.com.vn). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận