Năm 2008 và 2013, UBND huyện Hải Lăng (Quảng Trị) thực hiện 3 dự án giao thông nên giải phóng mặt bằng và di dời 12 hộ dân.
Do thiếu sót về thủ tục hành chính nên các hộ dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Việc cấp sổ phải nộp tiền thuế phí sử dụng đất theo khung giá mới, cao hơn nhiều lần khiến người dân chịu thiệt hại.
Bỏ dở kế hoạch phát triển kinh tế vì thiếu sổ đỏ
Năm 2009, vợ chồng ông Nguyễn Hướng, 58 tuổi, trú đội 4, thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, nhường 300m2 đất mặt tiền để mở rộng đường Phú Lệ B. Toàn bộ đất, nhà ở và nhà máy xay xát lúa của hai vợ chồng bị giải tỏa. Ông được cấp lại 300m2 đất ở khu vực La Vang Cồn Thành, cách nhà cũ khoảng 1km cùng 215 triệu tiền đền bù tài sản trên đất.
Từ đó đến nay, ông Hướng nhiều lần đề nghị cấp sổ đỏ nhưng vẫn không được giải quyết.
"Không được cấp sổ đỏ, không đủ tiền xây dựng nhà mới nên vợ chồng vẫn ở nhờ trong nhà em vợ. Mảnh đất được cấp mới bỏ hoang", ông Hướng nói.
Khoảng năm 2017-2018, ông dự định mở trang trại lớn nhưng không có tài sản nên bó tay. "Ngân hàng định giá nếu có sổ đỏ, tôi có thể vay 200-300 triệu đồng để làm ăn kinh tế", ông Hướng thông tin.
Đến năm 2021, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hải Lăng trả lời có thể cấp sổ đỏ nhưng số tiền thuế phí tính theo thời điểm hiện tại lên đến 260 triệu đồng.
"Số tiền này chênh lệch quá lớn so với thời điểm được cấp đất năm 2009, và gia đình tôi cũng không đủ tiền. Tiền đền bù có 215 triệu mà tiền thuế phí cấp sổ đỏ lên 260 triệu. Huyện Hải Lăng nhiều lần hứa mà vẫn không giải quyết cho dân nên gia đình rất thất vọng", ông Hướng bộc bạch.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Thạnh, 56 tuổi, trú cùng thôn Phú Hưng, có 1.826m2 đất bị giải tỏa trong công trình nhà thờ La Vang. Thời điểm đó, nhà bà Thạnh đang kinh doanh ổn định với 15 nhà trọ khép kín, dãy nhà ở 2 tầng và quán ăn.
Sau giải tỏa, bà được cấp lại 450m2 đất ngay cạnh nhà thờ La Vang. Do không được cấp sổ đỏ, bà phải mượn sổ đỏ của em trai cầm cố ngân hàng để xây dựng lại khu nhà nghỉ.
"Chính quyền nói có thể cấp sổ đỏ nếu chấp nhận mức thuế phí ở thời điểm hiện hành là 1,3 triệu đồng/m2. Mức này cao quá và không thể chấp nhận được vì thời điểm chúng tôi nhận đất là 14 năm trước", bà Thạnh cho hay.
Chính quyền nhận sai nhưng dân vẫn chịu thiệt hại
Trong các năm 2008 và 2013, huyện Hải Lăng thực hiện 3 dự án, gồm mở rộng đường Phú Lệ B, công trình nhà thờ La Vang và mở rộng quốc lộ 1 khiến 12 hộ dân phải tái định cư.
Ông Lê Đức Thịnh - chủ tịch UBND huyện Hải Lăng - cho hay do tiến độ công trình gấp rút, 12 hộ dân trên nhận đất và vào nơi ở mới dù chưa có quyết định giao đất của UBND huyện Hải Lăng và phương án bố trí tái định cư. Do thiếu 2 thủ tục hành chính trên nên đến nay vẫn không thể cấp sổ đỏ.
"Lỗi của chính quyền ở thời điểm đó. Trước sai giờ tôi phải nhận, nhưng chúng tôi không thể cấp sổ đỏ cho dân với khung giá thời điểm trước kia", ông Thịnh nói.
UBND huyện Hải Lăng tổ chức nhiều cuộc họp, với sự tham dự của Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị… nhưng quy định không thể áp dụng hồi tố khung giá đất cho người dân.
Phương án được huyện Hải Lăng và các ngành thống nhất là áp dụng khung giá đất giai đoạn 2019-2024 với hệ số điều chỉnh giá đất K=1, là mức thấp nhất để tính thuế phí cho người dân.
Ông Thịnh cho hay phương án này là tối ưu, có lợi nhất cho bà con, đồng thời đảm bảo tính pháp lý để có thể cấp được sổ đỏ. "Một số hộ dân có khung giá cao hơn chút so với trước đây", ông Thịnh thừa nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận