Đặc biệt, nguồn kinh phí để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lên đến 55.000- 65.000 tỉ đồng.
Phóng to |
Điện sẽ vẫn là một trong những lĩnh vực DNNN giữ vai trò then chốt trong thời gian tới - Ảnh: T.T.D. |
Theo ông Vương Đình Huệ, sức cạnh tranh của DNNN quá hạn chế. Để tạo ra 1 đồng doanh thu trong năm 2009, DNNN phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn, trong khi đó doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng. Tỉ suất lợi nhuận trên tổng vốn trong mười năm qua, khu vực DNNN chưa năm nào vượt quá 6%, trong khi đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn duy trì ở mức khoảng 10%. Đây chính là lý do phải tái cơ cấu DNNN và ông Huệ cho rằng không có lý do gì không thể nâng cao hơn hiệu quả của DNNN.
Sẽ có Tổng cục quản lý và giám sát vốn nhà nước
VN sẽ có 12-15 ngân hàng lớn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tham gia tọa đàm khẳng định các ngân hàng thời gian qua đã liên tục tự tái cơ cấu nhưng lần tái cơ cấu này nội dung bước đi sẽ khác, thời điểm này phải có thay đổi về chất. Ông Bình thông tin dư nợ của nền kinh tế tại ngân hàng bằng 116% GDP, tổng tài sản ngân hàng đã bằng 244% GDP. Tuy nhiên nếu cứ như hiện nay, VN sẽ không bao giờ có thị trường vốn phát triển vì ngân hàng đã làm hết vai trò của thị trường vốn. Quan điểm tái cấu trúc, ông Bình cho biết do hệ thống đã tồn tại 25 năm qua, không thể giải quyết một sớm một chiều. Theo lộ trình, trong năm 2012 Ngân hàng Nhà nước phải xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém, từ nay đến tháng 3 sẽ giải quyết thanh khoản các tổ chức tín dụng có nợ xấu. Đích của tái cơ cấu, theo ông Bình, tới năm 2014-2015 VN có ít nhất một đến hai ngân hàng có tầm khu vực, tài sản cỡ 50 tỉ USD. Hệ thống ngân hàng VN không thể nói sẽ còn bao nhiêu ngân hàng nhưng ông Bình khẳng định tiến tới 80% thị phần sẽ nằm ở 12-15 ngân hàng. Các ngân hàng quy mô nhỏ sẽ phải theo quy chế riêng. |
Ông Huệ nêu quan điểm tái cấu trúc DNNN là phải làm DNNN mạnh lên, xứng đáng với vai trò và sẽ là công cụ điều tiết của Nhà nước. Việc tái cơ cấu, ông Huệ khẳng định sẽ được thực hiện trên cả phương diện vĩ mô, tức điều chỉnh lại chính sách, phân bổ lại nguồn lực, quản lý DNNN và cả vi mô như điều chỉnh cơ chế hoạt động tại các DNNN. Việc tái cấu trúc cũng sẽ theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng của DNNN. Mục tiêu, Bộ Tài chính tính toán đến năm 2020 VN phải có 1-2 tập đoàn đẳng cấp Đông Á, 10-15 tập đoàn, tổng công ty có vai trò hàng đầu, dẫn dắt nền kinh tế.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng công bố năm nhóm giải pháp trong đề án của Bộ Tài chính tái cơ cấu DNNN, nhấn mạnh sẽ phân nhóm các DNNN thành ba nhóm, trong đó có nhóm nhà nước sẽ chỉ giữ 65-75% vốn, có nhóm nhà nước sẽ không giữ vốn chi phối. Tuy nhiên, ông Huệ cho biết sẽ tập trung phát trỉển DNNN trong các lĩnh vực khá rộng được coi có vai trò then chốt như điện, giao thông, viễn thông, dầu khí, khai thác tài nguyên khoáng sản, xây lắp, xăng dầu...
Một giải pháp đột phá nữa về quản lý, ông Vương Đình Huệ cho biết Bộ Tài chính sẽ thành lập Tổng cục quản lý và giám sát vốn nhà nước tại Bộ Tài chính. Sẽ ban hành các quy chế giám sát DNNN. Lộ trình, ông Huệ khẳng định việc triển khai tái cơ cấu sẽ bắt đầu từ năm 2012, đến năm 2015 phải cơ bản hoàn thành cổ phần hóa, hoàn thiện thể chế quản lý, giám sát DNNN...
Phải tạo sân chơi bình đẳng
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn khẳng định việc tái cơ cấu DNNN “sẽ làm theo kiểu hành động. Ta đã nói quá nhiều rồi, giờ phải làm”. Cả ông Muôn và ông Vương Đình Huệ đều ngỏ lời mong báo chí tạo sức ép chính đáng để người có trách nhiệm, các tập đoàn, DNNN phải thực hiện tái cơ cấu.
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN, nêu điều tra ý kiến doanh nghiệp về tái cấu trúc DNNN. Kết quả, 87% ý kiến cho rằng phải đẩy mạnh cổ phần hóa; 87% cho rằng cần cải thiện tính minh bạch của các DNNN; 65% ý kiến cho rằng cần cắt giảm ưu đãi DNNN từ Chính phủ... Kết luận, ông Lộc cho rằng cần tăng cường sự bình đẳng và phải tăng sức ép cạnh tranh trong khu vực nhà nước.
Đánh giá cao quyết tâm của các bộ, nhưng tại phần thảo luận, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh không đồng tình mãi coi DNNN là công cụ điều tiết của Nhà nước. Theo ông Ánh, công cụ của Nhà nước là cơ chế, chính sách chứ không phải là các doanh nghiệp. Nếu DNNN cứ được coi là công cụ thì sẽ buộc phải phân biệt đối xử, khó có hai từ “bình đẳng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận