24/09/2020 08:11 GMT+7

Tái chế bao cao su đã sử dụng: công an sẽ truy nguồn gốc

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TTO - Theo Đội quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, sau khi lô bao cao su được phát hiện, cơ quan chức năng đang xác minh danh tính người đàn ông đã thu gom bao cao su rồi thuê người tái chế.

Tái chế bao cao su đã sử dụng: công an sẽ truy nguồn gốc - Ảnh 1.

Các bao cao su đã qua sử dụng bị bắt quả tang khi đang tái chế - Ảnh: Đội QLTT số 4 tỉnh Bình Dương

Bước đầu, thông tin được bà Phạm Thị Thanh Ngọc (33 tuổi, quê Nghệ An, là người được thuê) cho biết người đàn ông thuê bà Ngọc tên là T., ngụ tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng gọi điện vào số điện thoại của ông T. nói trên thì không liên lạc được.

Hiện nay, bà Ngọc cũng đã không còn ở trọ tại khu nhà trọ phát hiện vụ việc. Vì vậy, lãnh đạo Đội quản lý thị trường số 4 cho biết sẽ báo cáo cấp trên và có thể phải nhờ tới sự vào cuộc của công an để xác định danh tính những người liên quan và nguồn gốc lô bao cao su đã qua sử dụng nói trên. Trước mắt, các lô bao cao su này đã được niêm phong để chờ xử lý theo quy định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 23-9, đại diện Công an thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cho biết cũng mới biết sự việc thông qua báo chí. Trường hợp nhận thấy có dấu hiệu hình sự hoặc được đề nghị phối hợp từ cơ quan quản lý thị trường, công an sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Trong khi đó, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết cũng chưa nhận được thông tin nào từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đề nghị phối hợp xử lý đối với vụ việc hàng trăm ngàn bao cao su đã qua sử dụng bị tái chế nói trên.

Ông Trần Văn Tùng - cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay chưa chuyển hồ sơ sang công an do cơ quan quản lý thị trường vẫn đang tiếp tục làm rõ xem vụ việc ở mức xử lý hành chính hay có dấu hiệu vi phạm hình sự. Đây là lần đầu tiên phát hiện trường hợp tái chế bao cao su đã qua sử dụng nên cơ quan chức năng cũng cần xác định rõ quy định pháp luật đối với trường hợp này. Ngoài việc xử lý về lô hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ, còn cần phải xem xét tới việc tái chế bao cao su như vậy có nguy cơ truyền nhiễm bệnh tật như thế nào.

Về thông tin bà Ngọc (người bị phát hiện đang tái chế lô hàng) và ông T. (được bà Ngọc khai là người mang bao cao su tới thuê bà tái chế) hiện đã không có mặt tại nơi phát hiện vụ việc, ông Tùng cho biết cơ quan quản lý thị trường sẽ tiếp tục có biện pháp để làm rõ và xử lý.

Trước đó vào ngày 19-9, tại khu nhà trọ thuộc phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, Đội quản lý thị trường số 4 phát hiện bà Phạm Thị Thanh Ngọc đang gia công tái chế bao cao su đã qua sử dụng. Các lô hàng đều không có bao bì, không ghi nhãn. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều dụng cụ để tái chế bao cao su. Việc tái chế bằng cách: bao cao su được súc rửa, phơi khô và phân loại. Sau đó dùng dương vật giả để vuốt lại, tạo hình như mới.

Bao cao su tái chế nguy hiểm ra sao? Bao cao su tái chế nguy hiểm ra sao?

TTO - Việc dùng phải bao cao su tái chế có thể làm tăng lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục, dị ứng, tăng nguy cơ mang thai ngoài ý muốn…

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên