16/09/2016 09:38 GMT+7

Tạ Chí Đại Trường, mở thêm những cánh cửa cho việc tiếp cận sử học

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Buổi toạ đàm Sử của Tạ Chí Đại Trường do Nhã Nam tổ chức tối 15-9 tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, sử học... mang đến cho công chúng thủ đô thêm nhiều góc nhìn về nhà sử học Tạ Chí Đại Trường.

Các diễn giả tham dự toạ đàm Sử Tạ Chí Đại Trường - Ảnh: V.V.TUÂN
Các diễn giả tham dự tọa đàm Sử Tạ Chí Đại Trường - Ảnh: V.V.TUÂN

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng Tạ Chí Đại Trường là nhà sử học xuất sắc, chuyên nghiệp, đồng thời là nhà sử học yêu nước, yêu văn hóa của dân tộc. 

Nhận xét về cuốn Thần, người và đất Việt, ông Hùng Vỹ nói: “Đây là cuốn sử học rất đáng đọc, muốn đặt ra chúng ta là ai, chúng ta có tư duy gì, tư duy đó khiến chúng ta có thể phát triển trong tương lai hay không. Đó là điều  Tạ Chí Đại Trường muốn nói nhất qua cuốn Thần, người và đất Việt”.

TS Trần Trọng Dương (Viện Hán - Nôm) cho rằng cuốn sách còn có thể đặt tên là Lịch sử tôn giáo tín ngưỡng VN trong 2.000 năm. “Nhưng tên Thần, người và đất Việt tôi nghe nó như một tác phẩm văn học. Chính điều đó kéo gần các bạn đến với cuốn sách của ông hơn… Đây là cuốn sách về lịch sử tôn giáo tín ngưỡng VN hay nhất đến thời điểm hiện tại.

Cuốn Thần, người và đất Việt của Tạ Chí Đại Trường
Cuốn Thần, người và đất Việt của Tạ Chí Đại Trường

Mọi người thường nói ông là sử gia, nhưng qua cuốn này ông là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Dù vốn sử liệu ông tiếp cận là tối thiếu nhưng lối viết của ông mở ra vô tận. Qua phương pháp viết sử như thế chúng ta học được rất nhiều. Lịch sử VN không chỉ là lịch sử của chiến tranh, chính trị mà còn là lịch sử của văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và của những diễn ngôn thúc đẩy các sử gia nhiều đời viết sử”.

Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn gợi mở một số kết luận của Tạ Chí Đại Trường đưa ra phi chính thống, việc chấp nhận một tiếng nói khác chính thống cũng là cách chúng ta hiểu sâu về lịch sử, về văn hóa VN hơn.

Trong khi đó, TS văn học Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng chính cách viết sử phi chính thống ấy là điều thú vị. TS Tiến cũng đưa ra nhiều dẫn chứng cho cách viết sử phi chính thống của Tạ Chí Đại Trường.

Trong khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn được định chuẩn là đại diện cho tập đoàn khởi nghĩa nông dân thì Tạ Chí Đại Trường cho rằng anh em nhà Nguyễn Huệ là những thương gia giàu có và cuộc khởi nghĩa bao gồm nhiều tộc người, chứ không chỉ có nông dân.

“Tạ Chí Đại Trường đưa lại cho chúng ta thứ sử học phức tạp. Ông có thể đúng và có thể sai nhưng là người khiến chúng ta phải nghĩ rất nhiều để buộc phải thay đổi tư duy. Điều này làm trí thức và sử học tiến lên. Nó trái ngược với thứ sử học mà khi đọc qua người ta đã biết kết luận của nó là gì” - TS Tiến đánh giá.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên