Cư dân bên bờ sông Nhuệ, đoạn qua xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội vẫn đang ngày ngày sống chung với bầu không khí hôi thối bốc lên từ dòng sông chứa nước tù và đầy rác thải đen ngòm - Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, việc quản lý vẫn còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Văn Thùy, Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường), cho biết Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài 10km trở lên, với tổng lượng nước mặt khoảng 830 tỷ mét khối, tập trung ở 8 lưu vực sông lớn như sông Hồng - Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nam và sông Mê Kông, trong đó có 63% có nguồn gốc ngoài biên giới.
Do đặc trưng dòng chảy, phân bố lượng nước không đều theo mùa và sự suy giảm chất lượng nước do ô nhiễm khiến nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngày càng hiện hữu.
"80% nước cấp đầu vào cho sinh hoạt trở thành nước thải sinh hoạt, đồng bằng sông Hồng là một trong những vùng có lượng nước thải sinh hoạt lớn nhất cả nước với nhiều thành phần ô nhiễm. Cùng với đó, ô nhiễm từ nước thải công nghiệp của làng nghề, khu công nghiệp, nước thải nông nghiệp, y tế… đang là vấn đề thách thức", ông Thùy cho biết.
Theo "Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường đô thị" do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2017, cùng với ô nhiễm nguồn nước mặt, tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước ngầm đang là vấn đề đáng lo ngại, nhất là đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Một số khu vực đô thị đã và đang xảy ra hiện tượng ô nhiễm cục bộ nước dưới đất với một số thông số TDS, Amoni, kim loại nặng như chì, Asen, mangan vượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và ghi nhận hiện tượng xâm nhập mặn nước dưới đất. Một số đô thị ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có hàm lượng Asen trong nước dưới đất cao do cấu tạo địa chất của vùng, điển hình là Hà Nam đã ghi nhận hàm lượng Asen vượt quy chuẩn tới 4,7 lần.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng nước nhiễm các chất ô nhiễm dài ngày sẽ dẫn đến nhiều bệnh, trong đó, Asen là tác nhân gây ra nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó đặc biệt là bệnh ung thư da và ung thư phổi. Cùng với đó, sử dụng nguồn nước bị nhiễm Mangan quá hàm lượng trong thời gian dài có thể dẫn đến triệu chứng thần kinh không bình thường như dáng đi và ngôn ngữ bất thường.
Ngoài ra, các yếu tố như sắt, vi sinh, amoni trong nước có hàm lượng cao, dễ làm cho thực phẩm biến chất, thay đổi màu sắc, mùi vị, làm giảm việc tiêu hóa và hấp thu các loại thực phẩm, gây khó tiêu, gây ung thư…
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết, hiện có nhiều quy định quản lý về tài nguyên nước như Luật Bảo vệ Môi trường (2014), Luật Tài nguyên nước (2012) cùng các Nghị định… thế nhưng hệ thống pháp luật quản lý mang nặng tính hành chính, nhiều tầng lớp. Các công cụ thực thi chưa dựa vào nền tảng khoa học công nghệ, khó thực thi, giám sát và quản lý, đặc biệt rất khó xác định trách nhiệm trong quản lý.
"Hệ thống pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước hiện nay thiếu tính thực thi, có quá nhiều văn bản luật liên quan nhưng khoảng cách từ văn bản đến công cụ thực thi rất xa, gần như bị vô hiệu hóa và ô nhiễm nước vượt tầm kiểm soát", bà Lý nhấn mạnh.
Bà Lý cũng chỉ ra, đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh, lượng chất gây ô nhiễm độc hại vào nước ngày càng lớn và xảy ra hàng ngày. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Bà Lý cho biết, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm nước rất lớn, trong gần 10 năm qua (2008 – 2017), theo sơ bộ tính là trên 11.600 tỷ đồng. Chi phí để khôi phục ô nhiễm nước là vô cùng lớn như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chỉ có 8 km nhưng thời gian cải tạo kéo dài 24 năm (từ năm 1993 đến nay vẫn đang cải tạo), tiêu tốn 685 triệu USD (tương đương gần 16.000 tỷ đồng).
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần xây dựng và hoàn thiện luật về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước để bảo vệ nguồn nước sạch, kiểm soát tốt nguồn gây ô nhiễm nước. Cụ thể, cần xây dựng luật mới về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước trên cơ sở giữ các quy định phù hợp của luật hiện hành và bổ sung những quy định mới có tính kịp thời nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm soát ô nhiễm nguồn nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận