Phóng to |
Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, Phó Khoa Hiếm muộn - BV Từ Dũ TP.HCM, đang tiến hành chọc hút trứng - một khâu trong điều trị hiếm muộn do suy buồng trứng sớm |
Chị B.T.L.H, 40 tuổi, lập gia đình khoảng 20 năm nhưng không có con vì một lần mang thai nhưng bị chết lưu khi thai 3 tháng tuổi.
Sau mổ, chị bắt đầu có những triệu chứng vô kinh. Tại Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện (BV) Từ Dũ TP.HCM, chị được chẩn đoán là suy buồng trứng sớm và được chỉ định điều trị hiếm muộn bằng thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) với trứng từ người khác.
Chất lượng cuộc sống suy giảm
Bác sĩ Đặng Quang Vinh, Khoa Hiếm muộn - BV Từ Dũ, cho biết suy buồng trứng sớm là nguyên nhân chủ yếu gây vô sinh ở phụ nữ. Đó là tình trạng 2 buồng trứng ngừng hoạt động bình thường khi người phụ nữ chưa đến 40 tuổi, kéo theo giảm khả năng sinh sản và bất thường về chu kỳ kinh.
Phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh tự nhiên hiếm khi còn thấy kinh trở lại, nhưng người phụ nữ bị suy buồng trứng sớm có thể hành kinh trở lại dù không đều. Người mãn kinh tự nhiên không thể có thai nhưng trong một vài trường hợp suy buồng trứng sớm vẫn có thể mang thai.
Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là kinh nguyệt không đều. Đôi khi thầy thuốc không chú ý đến hiện tượng này và cho rằng đó là do stress. Một số phụ nữ bị suy buồng trứng sớm có những triệu chứng khác tương tự mãn kinh tự nhiên, bao gồm cơn bốc nóng, vã mồ hôi về đêm, dễ kích động, khó tập trung tư tưởng, ít quan tâm đến tình dục, đau khi quan hệ tình dục, âm đạo khô, mất khả năng sinh sản, rối loạn tiết niệu (tiểu nhiều lần, són tiểu...).
Bệnh suy buồng trứng sớm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe chung. Do nồng độ hoóc môn giảm nên bệnh nhân có nhiều nguy cơ phát triển các bệnh như loãng xương, suy tuyến giáp, bệnh tim, stress... Bệnh nhân chán ăn, sút cân, chóng mặt khi đứng và mỏi mệt. Vào giai đoạn muộn, họ thèm ăn mặn, hạ huyết áp và sạm da. Nếu không phát hiện bệnh, khi xảy ra sự cố cần phẫu thuật, bệnh nhân dễ gặp tình trạng “khủng hoảng thượng thận”, có thể dẫn đến sốc và tử vong.
Giải pháp nội tiết và thụ tinh trong ống nghiệm
Nếu phụ nữ dưới 40 tuổi và chu kỳ kinh không đều hoặc bị mất kinh từ 3 tháng trở lên, phải đo nồng độ FSH trong máu để phát hiện suy buồng trứng sớm. Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Trưởng Khoa Hiếm muộn - BV Từ Dũ, hiện nay không có cách nào phục hồi hoạt động bình thường của buồng trứng mà chỉ có thể điều trị một số triệu chứng bệnh.
Giải pháp thường dùng nhất là bổ sung oestrogen và nhiều hoóc môn khác mà buồng trứng không tạo ra được. Phương pháp này giúp bệnh nhân giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và duy trì khối lượng xương. Người bệnh có thể dùng liệu pháp này đến suốt đời hoặc ngưng sử dụng ở độ tuổi mãn kinh tự nhiên. Tuy nhiên, việc dùng liệu pháp nội tiết thay thế có những phản ứng phụ nhất định.
Đối với những phụ nữ bị suy buồng trứng nhưng muốn có thai, đến nay, chưa có phương pháp điều trị để cải thiện khả năng sinh sản của họ. Tuy nhiên, cũng có khoảng 5-10% số bệnh nhân mang thai mà không cần điều trị. Những người khác phải áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như TTTON: Lấy trứng của phụ nữ khác cho thụ tinh với tinh trùng của chồng rồi đặt vào tử cung bệnh nhân.
Theo bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, Khoa Hiếm muộn - BV Từ Dũ, kỹ thuật cho trứng được áp dụng cho nhiều kỹ thuật khác nhau nhưng tỉ lệ thành công cao hơn nếu bệnh nhân được xác định rõ là do suy buồng trứng sớm. Tuy nhiên, tỉ lệ thành công thường giảm ở những người bị suy buồng trứng sớm có tiền căn điều trị hóa trị hay xạ trị hoặc những người lấy trứng từ chị em ruột.
Người cho và nhận trứng phải thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện Theo Nghị định 12 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học ngày 12-2-2003 và thông tư 07 của Bộ Y tế ngày 28-5-2003, người cho và nhận trứng phải thực hiện các cam kết trên nguyên tắc tự nguyện cho và nhận trứng. Cần thực hiện đầy đủ các hợp đồng sau có công chứng: hợp đồng giữa vợ chồng người xin trứng; giữa vợ chồng người cho trứng; giữa vợ chồng người xin trứng và vợ chồng người cho trứng và đơn xin bệnh viện thực hiện kỹ thuật TTTON với trứng người cho của vợ chồng người xin trứng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận