12/03/2013 07:04 GMT+7

Sức trẻ trong chén tàu hũ

NGỌC KHANH(ĐH KHXH&NV TP.HCM)
NGỌC KHANH(ĐH KHXH&NV TP.HCM)

AT - Giữa tiết trời se se lạnh của Sài Gòn, chúng tôi ghé vào cửa hàng 53 Thống Nhất, quận Thủ Đức, TP.HCM thưởng thức chén tàu hũ vừa ấm áp vị ngọt vừa lan tỏa mùi thơm của gừng. Chúng tôi còn được biết một câu chuyện thú vị về những chủ nhân của cửa hàng này.

r5mw6eGl.jpgPhóng to
Anh Đinh Tuấn Ân

Anh Đinh Tuấn Ân - giám đốc chuỗi cửa hàng tàu hũ HAT - cho biết HAT được ghép từ chữ cái đầu của tên ba người sáng lập: Nguyễn Lê Hận, Đinh Tuấn Ân, Mai Thanh Tùng cùng học Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Hiện nay có thêm bạn Nguyễn Thanh Huy (ĐH Ngân hàng TP.HCM). HAT ra đời với phương châm “Phong cách mới, hương vị mới”. Khoảng hai tuần đầu tiên khách hàng đến rất đông đến nỗi không có chỗ ngồi, có lẽ bởi sự hiếu kỳ. Vì đây là cửa hàng tàu hũ đầu tiên được thiết kế khá sang trọng, có nhiều loại tàu hũ với cách ăn bằng ly thay vì bằng chén như truyền thống.

Khởi đầu bằng quán tàu hũ nhỏ trong ký túc xá Trường ĐH Nông lâm, hiện HAT có chuỗi bốn cửa hàng: hai cửa hàng tại ĐH Quốc gia TP.HCM, một cửa hàng tại ĐH Nông lâm và một cửa hàng tại quận Thủ Đức. Cửa hàng tàu hũ HAT có 22 loại tàu hũ khác nhau với bốn dòng sản phẩm: tàu hũ nóng, tàu hũ đá, tàu hũ đá lá dứa, tàu hũ đá gấc. Giá mỗi sản phẩm rất bình dân, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là sinh viên. Với mức đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng, bây giờ doanh thu của cửa hàng trung bình từ 180-200 triệu/tháng.

Khi được hỏi về bí quyết để có được thành công, anh Hận chia sẻ: “để có được thành công hôm nay, chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Nhớ lại ngày đầu khi mới khởi xướng, cả nhóm phải lặn lội đi tìm “bí kíp” nấu tàu hũ từ nhiều khách hàng cũng như từ sách vở. Nhưng điều quan trọng nhất để chúng tôi có được thành công là đã tin tưởng nhau và cùng nhau vượt qua khó khăn”.

Không chỉ kinh doanh giỏi, anh Ân và những người bạn của mình còn là các đầu bếp nấu tàu hũ lão luyện. Những thao tác và công thức dường như đã in sâu vào trong trí nhớ của họ, chỉ cần gọi tên một món tàu hũ bất kỳ, họ biết mình sẽ phải làm những gì.

Gác lại chuyện kinh doanh, từ thói quen đam mê đọc sách, Ân đã chuyển sang viết sách. Chỉ 24 tuổi nhưng những kinh nghiệm sống, học tập và làm việc của Ân lại tỉ lệ nghịch với số tuổi, nhờ đó Ân đã mạnh dạn viết cuốn sách đầu tay Giá như tôi biết những điều này... trước khi thi đại học. Để viết được cuốn sách này, Ân không nhớ mình đã đọc qua bao nhiêu cuốn sách. Anh chia sẻ cứ hai tuần anh buộc mình phải đọc xong một cuốn sách, thói quen đó được hình thành từ thời sinh viên. Cuốn sách Giá như tôi biết những điều này... trước khi thi đại học đã xuất bản 2.000 cuốn và được đông đảo bạn trẻ đón nhận, chỉ sau hai tháng phát hành đã bán gần hết và chuẩn bị tái bản lần 1. Trong cuốn sách này, Ân đã gửi gắm những tâm sự, nỗi niềm, kinh nghiệm từng trải của mình đối với những bạn trẻ sắp thi đại học. Điều Ân mong muốn các bạn trẻ sau khi đọc cuốn sách này sẽ có định hướng nghề nghiệp chính xác, không nên chạy đua theo phong trào mà phải xây dựng được cho mình một hướng đi đúng đắn.

Sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và không nản chí đó là điều có thể thấy ở những người trẻ này. Không chỉ dừng lại ở quy mô như hiện tại, nhóm bạn trẻ còn có một định hướng xa hơn cho quán tàu hũ của mình là sẽ hình thành một chuỗi cửa hàng tàu hũ HAT trên thế giới... Xin chúc cho những ước mơ của các bạn trẻ sẽ thành hiện thực, góp phần mang thương hiệu Việt đi khắp thế giới.

JRwSds60.jpgPhóng to

Áo Trắng số 4 ra ngày 01/03/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGỌC KHANH(ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên