13/01/2011 06:05 GMT+7

Sức sống mới ở môn thể thao cổ động

DŨNG TUẤN - LAN PHƯƠNG
DŨNG TUẤN - LAN PHƯƠNG

TT - Sau năm mùa giải ở TP.HCM, bộ môn cheerleading (thể thao cổ động) lần đầu tiên xuất hiện ở Giải sinh viên văn thể mỹ toàn quốc U-League 2010.

TT - Sau năm mùa giải ở TP.HCM, bộ môn cheerleading (thể thao cổ động) lần đầu tiên xuất hiện ở Giải sinh viên văn thể mỹ toàn quốc U-League 2010.

Những pha lên tháp độc đáo lần lượt đưa từng gương mặt rất trẻ của đội cheerleading ĐH Sư phạm TP.HCM lên cao dần. Những cơn sóng nhào lộn liên tục diễn ra khi các thành viên nam của đội cứ búng mình lên cao. Nhà thi đấu Tân Bình sôi sục bởi tiếng nhạc và những động tác tung mình đầy hứng khởi lên cao khỏi tháp người.

Sáng 8-1 trong buổi tập của các đội cheerleading vào bán kết, một thành viên của Đại học Hồng Bàng phải rời sân vì bị thương do bạn diễn rơi mình xuống không chính xác. Chỉ trong khoảng 20 phút đã có hai người được đưa ra khỏi thảm. Nằm bên cạnh thảm tập với đầu gối sưng to do tiếp thảm không tốt, Nguyễn Văn Bảo - ĐH Sư phạm TP.HCM - nói: “Em không biết chiều có thi được không nữa”.

Để đi đến hai ngày chung kết đẹp mắt, những đội tham dự đã bắt đầu đam mê của mình với bộ môn cheerleading bằng rất nhiều “không” như: không huấn luyện viên, không chuyên gia, không người làm nhạc. Với đội ĐH Sư phạm TP.HCM, người hướng dẫn vũ đạo là một sinh viên tại chức có chuyên môn và tình nguyện giúp các bạn.

Đội ĐH Ngoại thương (Hà Nội) phải sử dụng sân bêtông trong trường cho những buổi tập luyện trước ngày thi đấu. Hầu hết thành viên của đội đều đã bị trầy xước và chấn thương nhẹ vì không có thảm tập đúng quy cách. Nhưng chính ở những thiếu thốn ấy, vẻ đẹp của cheerleading ánh lên sắc cạnh ngay trong những giờ tập cam go mà các đội tận dụng ngay khoảnh sân trước và sau nhà thi đấu để học nhuần nhuyễn bài.

Nguyễn Hà Mi - sinh viên năm 4, thành viên của đội ĐH Ngoại thương - nói về đam mê của mình: “Môn này thể hiện được tính đồng đội. Sự tin tưởng lẫn nhau là quan trọng nhất. Khi tập chỉ cần không tin tưởng vào bản thân hay bạn diễn dưới tháp, bạn sẽ không bao giờ dựng tháp được. Ở môn này, vì ngôn ngữ là cổ động nên nó có sự khuấy động, tươi trẻ... Và vũ đạo chính là tinh thần để khuấy động đội bóng mà bạn cổ động”.

Suốt hai tháng thi đấu và tập luyện tại địa phương, các đội đã được hai chuyên gia Thái Lan hướng dẫn lại các động tác quan trọng và phòng tránh chấn thương trong thi đấu. Cũng từ những buổi này, các VĐV non trẻ đã dần nắm được tinh thần cơ bản và sự đặc sắc khác biệt của môn cheerleading.

Nguyễn Lê Thanh Long, đội trưởng của đội ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Ban đầu chỉ xem video trên YouTube rồi tập lại nên những động tác lên tháp, đỡ bạn diễn tụi mình chỉ tập cảm tính thôi. Anh chuyên gia đã hướng dẫn tụi mình sắp xếp tay, thế đỡ... để không gây chấn thương nghiêm trọng”. Sự tư vấn của hai chuyên gia Thái Lan ở giải đã giúp thay đổi rất nhiều suy nghĩ của các bạn trẻ về môn thể thao này.

Chiều 8 và 9-1, bốn đội vào chung kết của cuộc thi là Cao đẳng Đức Trí Đà Nẵng, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Ngoại thương, ĐH Hồng Bàng đã có những bài biểu diễn rất sôi động. Những màn tung hứng người lên cao, đưa khẩu hiệu, những động tác nhảy sôi động đã cho thấy một mùa giải rất khác so với những cuộc thi cheerleading trước đây của TP.HCM.

Nói cách khác, đây là mùa giải định hình sự khác biệt của cheerleading với aerobic hay dance sport.

DŨNG TUẤN - LAN PHƯƠNG

Cheerleading xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 tại Mỹ, khởi phát từ Trường đại học Princeton. Với sức hấp dẫn mạnh mẽ, cheerleading đã len lỏi vào hầu khắp các trường ĐH ở Mỹ, từ đó trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động thể thao (chủ yếu là bóng đá, bóng bầu dục và bóng rổ).

Ở Việt Nam, cheerleading vẫn còn mới mẻ và còn bị nhầm lẫn với aerobic. Cổ vũ thể thao phô diễn những động tác nhanh, mạnh trên nền nhạc sôi động. Vũ đạo nhuần nhuyễn cùng với phần xếp tường người lên cao đặc sắc là điểm khác biệt với aerobic vốn thiên về vũ đạo biểu diễn đồng đội.

Ở Giải sinh viên văn thể mỹ toàn quốc 2010 do Bộ Giáo dục - đào tạo, Tổng cục TDTT tổ chức vừa qua, ĐH Sư phạm TP.HCM đã đoạt chức vô địch bộ môn cheerleading.

_____________

Bà Trần Thị Minh Hiền - trưởng bộ môn thể dục Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM - cho biết: “Lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức trên quy mô toàn quốc, sự khác biệt về chuyên môn rất rõ nét. Cụ thể ở các cuộc thi tại TP.HCM, chúng tôi vẫn thiên theo hướng thể dục nhịp điệu và chưa dám có tung hứng... Nhờ có sự hướng dẫn của chuyên gia Thái Lan, chúng tôi mạnh dạn hơn trong quá trình tung hứng bạn diễn để tiếp cận gần hơn với cheerleading thế giới.Giải này sẽ là sân chơi có sức lan tỏa, bởi các trường có thể sử dụng những đội này để cổ động rất nhiều hoạt động”.

DŨNG TUẤN - LAN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên