![]() |
Cờ các quốc gia ASEAN trước Văn phòng Thủ tướng Brunei, nơi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh từ ngày 24-4 - Ảnh: Reuters |
Trong bài viết đăng trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), phó giám đốc chương trình Đông Nam Á của CSIS Murray Hiebert cho rằng thách thức lớn nhất của Brunei - một trong những nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông - chính là tìm cách hạ nhiệt những tranh chấp trên biển Đông. Riêng nhiệm vụ này đã là sự nỗ lực của Brunei do nước này không phải là một nước có nhiều ảnh hưởng trong ngoại giao đa phương.
Tránh thất bại của năm trước
Trước kỳ họp ngoại trưởng ASEAN tại Brunei ngày 11-4 vừa qua đã có kỳ vọng về một tuyên bố chung về việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Thay vào đó, Brunei công bố thêm một thông cáo báo chí tổng kết hội nghị đề cập ngắn gọn tới tranh chấp biển Đông như nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và hợp tác nhằm củng cố an ninh biển”... Hoàng thân Mohamed Bolkiah, bộ trưởng ngoại giao và thương mại Brunei, đã khẳng định hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) là mục tiêu hàng đầu của Brunei trong năm nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer - thuộc Học viện Quốc phòng Úc - nhận định Brunei đã thể hiện vai trò chủ tịch rất “mẫu mực”. Bộ trưởng ngoại giao Brunei thường tham vấn nhiều vấn đề, trong đó có biển Đông, với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Philippines Benigno Aquino... Dù kinh tế Brunei phụ thuộc xuất khẩu gas - dầu khí mà Trung Quốc là một khách hàng quan trọng, nhưng giáo sư Thayer nhận định “Brunei là một nước giàu và có nhiều đối tác chiến lược. Trung Quốc không thể sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để làm dao động Brunei”.
Thạc sĩ Trương Minh Huy Vũ - nghiên cứu sinh ĐH Bonn (Đức) - cũng đánh giá Brunei khá tích cực trong vai trò chủ tịch, đặc biệt là trong hồ sơ biển Đông. “Khó có thể chờ đợi nước này giữ vai trò “đứng mũi chịu sào” như Việt Nam và Indonesia năm 2010 và 2011, nhưng Brunei có thể sẽ giữ vai trò người cầm trịch mở diễn đàn cho các bên thảo luận”.
Trong khi đó, tiến sĩ Ian J.Storey - thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) - trả lời với Tuổi Trẻ cho rằng “sự cố” kiểu như Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (tháng 7-2012) không thể ra thông cáo chung “sẽ không lặp lại”. Nhưng ông cũng phân tích: “Brunei hiểu rõ tầm quan trọng của sự thỏa hiệp, và sẽ nỗ lực để đạt được sự thỏa hiệp giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên không nên kỳ vọng đột phá nào về vấn đề biển Đông trong năm nay. Ngay cả khi ASEAN và Trung Quốc đồng ý đàm phán COC thì rất ít khả năng sẽ đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay. Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mất hai năm đàm phán, trong khi COC được cho là sẽ toàn diện và chi tiết hơn thì sẽ kéo dài thời gian hơn để đạt được sự đồng thuận giữa các bên. Đó là chưa kể Trung Quốc chưa bao giờ nhiệt tình về COC và có thể sẽ kéo dài thời gian đàm phán, trong khi tìm cách loại bỏ những điều sửa đổi mạnh mẽ”.
Một nhiệm vụ nhiều mục tiêu của Thái Lan
Từ năm 2012-2015, Thái Lan đóng vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Giới quan sát cũng thận trọng theo dõi hành động thể hiện tính trung lập của Thái Lan trên cương vị này.
Đầu tháng 4, trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Lý Khắc Cường và Thủ tướng Yingluck Shinawatra, Nhật Báo Trung Quốc cho biết Thủ tướng Lý bày tỏ kỳ vọng Thái Lan sẽ đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ của Trung Quốc với ASEAN, đồng thời nhấn mạnh giữa Trung Quốc và Thái Lan có mối quan hệ “như gia đình”.
Giáo sư Carl Thayer nhận định Thái Lan như đang theo đuổi hai mục tiêu cùng lúc. “Một mặt Thái Lan muốn duy trì quan hệ thân mật và gần gũi với Trung Quốc, mặt khác Thái Lan muốn ủng hộ sự đoàn kết giữa ASEAN hay ít nhất là tỏ ra không tạo nên sự chia rẽ. Thái Lan từng là thành viên chủ chốt của ASEAN, nhưng sự bất ổn nội bộ đã ảnh hưởng đến vị thế của nước này. Do vậy Thái Lan muốn sử dụng vai trò là nước điều phối để cải thiện vị thế trong ASEAN”. Tuy nhiên, giáo sư Thayer cho rằng Thái Lan “không thể dễ dàng đạt được cả hai mục tiêu và Thái Lan sẽ ưu tiên hơn cho mục tiêu đầu tiên”.
Hồi đầu năm nay, Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkaew từng phát biểu trên báo Bangkok Post rằng “khi tranh chấp ở biển Đông vẫn còn thì một số nước ASEAN sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của Mỹ để đối trọng với sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc nhận thức được điều này thì sẽ có đối sách linh hoạt hơn để ngăn cản ASEAN dựa vào Mỹ quá nhiều”.
Bình luận về phát biểu này, giáo sư Thayer cho rằng Thái Lan cũng đang cố cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. “Chính phủ của Thủ tướng Yingluck, cũng giống như chính phủ của Thaksin trước đây, luôn dựa vào Trung Quốc dù Thái Lan là đồng minh của Mỹ. Chính phủ Thái Lan sẽ chỉ phản ứng vừa đủ với Mỹ để khiến chính quyền Obama an lòng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận