![]() |
Hiệp ước Bali Concord II - một sự kiện bước ngoặt trong lịch sử ASEAN |
Hiệp ước là bước đi quan trọng nhằm hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2020 theo mô hình liên kết của châu Âu trong các thập niên 1960, 1970 (tức trước khi Liên minh châu Âu ra đời).
Đó sẽ là một cộng đồng kinh tế của hơn 500 triệu dân, với tổng buôn bán hằng năm lên đến 720 tỉ USD, và tốc độ phát triển đứng hàng đầu trong các khối và liên minh trên thế giới. Xét về khách quan lịch sử, Bali Concord II là một phản ứng tất yếu của các nước ASEAN trước những diễn biến hiện nay trên qui mô toàn cầu và khu vực.
- Thứ nhất là thất bại của Hội nghị WTO ở Cancun mới đây đã cho thấy việc tăng cường sức mạnh hợp nhất là con đường duy nhất để các nước ASEAN duy trì tính cạnh tranh khi đối mặt với những áp lực thương mại toàn cầu.
- Thứ hai là trong một thế giới còn nhiều chia rẽ và bất ổn hiện nay, mối liên kết chặt chẽ giữa các nước ASEAN sẽ tạo ra một vị thế chính trị mà từng nước một không thể có và không một siêu cường nào có thể làm ngơ.
- Thứ ba là, ngay trong khu vực châu Á, ASEAN cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ, vốn đang thu hút rất mạnh đầu tư và thương mại của ASEAN (theo số liệu của Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN, cách đây một thập niên, 75% đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Đông Á đổ vào các nước ASEAN. Hiện nay, chỉ 10% đầu tư này rót vào ASEAN, 80% dồn cho Trung Quốc).
- Thứ tư là các nước ASEAN thường phải đối phó chung những cụm vấn đề, là các nước cùng bị ảnh hưởng dây chuyền của cuộc khủng hoảng tài chính 1997. Dịch SARS mới đây và nguy cơ khủng bố ở một số nước đã gây những ảnh hưởng chung về kinh tế, du lịch. Một sự hợp lực mới sẽ tạo thêm sức mạnh để từng nước và cả khối vượt qua những giai đọan khó khăn chung.
Bali Concord II rõ ràng đã nâng tầm vóc ASEAN lên một đỉnh cao mới. Một thành công rõ rệt ở Bali lần này là hai hiệp ước không xâm hại lẫn nhau ký kết giữa ASEAN với hai nước Trung Quốc và Ấn Độ, củng cố những nền tảng an ninh ở khu vực. Không dừng ở đó, triển vọng một cộng đồng kinh tế ASEAN và xa hơn nữa là một cộng đồng kinh tế Đông Á cũng là sự đảm bảo cho thịnh vượng và hòa bình ở khu vực.
Hôm qua, ASEAN đã có những thảo luận về hoàn tất các thỏa thuận mậu dịch tự do với Trung Quốc vào năm 2010, với Ấn Độ vào năm 2011, với Nhật vào năm 2012. Trong cuộc họp ASEAN +3 (ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc) hôm qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh các triển vọng của một khu vực tự do buôn bán ASEAN - Trung Quốc với gần 1,7 tỉ dân và GDP đạt gần 2.000 tỉ USD vào năm 2010. Ông kêu gọi tăng cường quan hệ trên bốn lĩnh vực: lập khu vực mậu dịch tự do Đông Á; hợp tác tài chính Đông Á; tăng cường đối thoại an ninh và chính trị; hợp tác văn hóa xã hội và khoa học kỹ thuật. Một bản ghi nhớ về hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong công nghệ viễn thông và thông tin đã được ký kết song song với cuộc họp.
Cũng trong hôm qua, Thủ tướng Ấn Độ Atal Behari Vajpayee đã đưa ra cam kết về khu vực tự do mậu dịch ASEAN - Ấn Độ trong một thập niên nữa, và ước tính lợi nhuận kinh doanh với các nước ASEAN sẽ lên đến 30 tỉ USD vào năm 2007. Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun hôm qua tuyên bố: "Nếu cùng hợp sức, Hàn Quốc cùng các nước ASEAN và mở rộng hơn nữa là toàn bộ Đông Á, sẽ là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, và thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Đông Á"...
Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu không đề cập những khó khăn mà ASEAN sẽ đối mặt trên con đường dẫn đến một cộng đồng chung. Tại hội nghị, Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đã kêu gọi các thành viên ASEAN phải tuân thủ chặt chẽ các kỷ luật đề ra trong Bali Concord II, xem đó như bản kế hoạch chi tiết cho kế hoạch hành động của mình. Ông nói: "Đạt được mục tiêu xây dựng một cộng đồng kinh tế ASEAN cũng giống như leo núi. Để lên đến đỉnh, chúng ta cần kỷ luật, cần một đội ngũ làm việc ăn khớp với nhau".
Để xóa đi hình ảnh một ASEAN "bàn bạc nhiều hơn là hành động", để giấc mơ cộng đồng ASEAN thành hiện thực, từng nước thành viên và cả khối cần có những lộ trình riêng và chung thật cụ thể. Chính vì vậy mà trong bài phát biểu của mình hôm qua, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh: "Cần có những nội dung, biện pháp, lộ trình cụ thể..., cần tích cực, chủ động hơn để đạt sự đồng thuận trên tinh thần nhân nhượng lẫn nhau...".
Thủ tướng Phan Văn Khải kêu gọi sớm đưa hội đồng tối cao Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) vào hoạt động để tiến tới hình thành cộng đồng an ninh ASEAN, sớm hình thành Bộ qui tắc ứng xử, tạo cơ sở lâu dài cho các tranh chấp trên biển Đông... Do trên thực tế vẫn tồn tại các dị biệt giữa các nước ASEAN, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh: "Trụ cột chính của cộng đồng ASEAN là hợp tác kinh tế phải tiếp tục được coi là trụ cột nền tảng cần được thúc đẩy manh mẽ"...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận