10/12/2006 06:17 GMT+7

Sức bật của phim cổ trang Hàn Quốc

ĐƠN DƯƠNG (Theo Tân Kinh Báo, TQ)
ĐƠN DƯƠNG (Theo Tân Kinh Báo, TQ)

TT - Sau thành công của Nàng Dae Jang Geum, Thần y Huh Joon..., phim truyền hình cổ trang Hàn Quốc đã tìm được thị trường và các nhà sản xuất không ngại đầu tư thực hiện thể loại phim hấp dẫn này.

FfUCLbSE.jpgPhóng to
Nàng kỹ nữ Hwang Jin I - bộ phim đang ăn khách tại Hàn Quốc
TT - Sau thành công của Nàng Dae Jang Geum, Thần y Huh Joon..., phim truyền hình cổ trang Hàn Quốc đã tìm được thị trường và các nhà sản xuất không ngại đầu tư thực hiện thể loại phim hấp dẫn này.

Con đường “bình dân hóa”

Thật ra từ lâu rồi Hàn Quốc đã sản xuất phim truyền hình cổ trang. Song trước áp lực của phim cổ trang Trung Hoa, những tác phẩm của họ không sao vượt ra khỏi biên giới xứ Cao Ly. Và mãi đến khi bộ phim truyền hình Nàng Dae Jang Geum ra đời, họ mới có dịp chứng tỏ cho mọi người biết rằng Hàn Quốc cũng làm phim cổ trang và có những tác phẩm hay.

Thời đại phong kiến của Trung Hoa có tuổi thọ rất dài với nhiều triều đại lớn nhỏ, nhiều biến cố lịch sử nên “kho tàng” dành cho các nhà làm phim khai thác vô cùng phong phú. Trong khi đó, Hàn Quốc không có nhiều triều đại và những triều đại vua chúa của họ cũng không nổi tiếng. Chính vì thế mà phim cổ trang Hàn Quốc đã chọn con đường “bình dân hóa” khi các nhân vật chính đều xuất thân dân dã, không phải “con vua cháu quan”.

Như trong phim Huyền thoại lữ khách, nhân vật nữ chính chỉ là một nữ bộ khoái bình dân; hay trong Nàng Dae Jang Geum, vai chính cũng xuất thân là một cung nữ... Song nhờ vậy mà cuộc sống của các nhân vật đa dạng hơn, gần gũi hơn. Theo nhận định của giới phê bình Trung Quốc, đó chính là bí quyết khiến phim cổ trang Hàn Quốc có một sức bật đáng nể, trở thành một dòng phim ăn khách bên cạnh những câu chuyện tình hiện đại lãng mạn.

Có thể nói phim cổ trang Hàn Quốc đang được mùa nở rộ. Hàng loạt bộ phim ra đời như Hải thần, Jumong... có chi phí đầu tư ngất ngưởng, với những chiến dịch quảng bá rầm rộ tạo được sức hút thị trường. Hiện tại, bộ phim đang gây sốt trên sóng KBS Nàng kỹ nữ Hwang Jin I được các nhà phát hành Trung Quốc, Thái Lan và Đài Loan tranh nhau mua bản quyền với giá mỗi tập phim cao hơn gấp đôi những tác phẩm cùng thể loại trước đây.

... Và hiệu quả “như thật”

Tuy vậy, phim cổ trang Hàn Quốc có một nhược điểm lớn là hầu hết đều... quá dài nên không tránh khỏi sự lê thê: Hải thần 51 tập, Jumong 60 tập, các phim Wang Gun đại đếHoàng hậu Minh Thành kéo dài trên 200 tập, còn Nàng kỹ nữ Hwang Jin I hiện vẫn vừa quay vừa phát, chưa biết bao giờ kết thúc... Trong chuyến sang Hong Kong cùng bộ phim Nàng Dae Jang Geum, nữ diễn viên Lee Young Ae cho biết cô rất thích đóng phim cổ trang, song cô lại ngại vì thời gian làm phim quá dài, mất hơn cả năm cho một vai diễn.

Phim cổ trang Hàn Quốc chủ yếu là những câu chuyện người thật việc thật, dù có cải biên từ một tác phẩm văn học nào đó cũng luôn trung thành với nguyên tác, trung thành với giá trị lịch sử. Bối cảnh, trang phục, đạo cụ của phim cổ trang Hàn Quốc cũng rất được các nhà làm phim đặc biệt quan tâm.

Trong khi ở Trung Quốc hay Hong Kong, người ta có thể dùng... giấy bồi để dựng cảnh, dùng vải thô để may trang phục thì trong phim cổ trang Hàn Quốc “tất cả đều được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ sao cho mọi thứ lên phim đều như thật” - nhà sản xuất của bộ phim Hải thần Kang Il Soo tiết lộ như thế. Đó là lý do vì sao chi phí sản xuất của họ luôn cao hơn phim xã hội.

Trong chuyến sang Seoul tìm hiểu cách làm phim cổ trang Hàn Quốc, cánh báo chí Trung Quốc thật sự bất ngờ khi biết để có được những hình ảnh tuyệt đẹp trong bộ phim Hoàng hậu Minh Thành, họ đã huy động đến tám máy quay đồng loạt hoạt động, ghi được trên 50 góc máy hình ảnh khác nhau. Ngoài ra, để tạo hiệu quả như thật trong cảnh hoàng hậu tiến cung, đoàn phim đã kéo quân đến quay tại Phúc Cảnh cung - nơi xảy ra câu chuyện.

Sự hiện diện của các diễn viên nổi tiếng cũng là yếu tố tạo cho phim cổ trang Hàn Quốc thu hút thêm khán giả. Có thể kể đến là Lee Young Ae trong Nàng Dae Jang Geum, Kim Hye Soo trong Trương Thủy Bình, Kim Hyun Joo trong Thương đạo, Chul Kwang Ryung trong Thần y Huh Joon, Han Jae Suk, Lee Yo Won và Jang Hyuk trong Đại vọng... Mới đây, ngôi sao sáng giá nhất Bae Yong Joon cũng đã quay về màn ảnh nhỏ bằng bộ phim truyền hình cổ trang Thái vương tứ thần ký.

Đang nắm giữ trong tay những phương tiện kỹ thuật tân tiến nhất châu Á và chế độ đặc biệt về kinh phí, phim truyền hình cổ trang Hàn Quốc đã có những bước tiến khiến giới làm phim Trung Hoa phải cảnh giác.

ĐƠN DƯƠNG (Theo Tân Kinh Báo, TQ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên