Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online về việc "Chỉnh sửa tên đường ở TP.HCM: Làm sao để bớt xáo trộn?".
Bạn đọc Truong Kiet cho biết: "Tên sai thì phải sửa, không thể vịn lý do là dùng lâu rồi mà chấp nhận cho cái sai thành đúng. Tên người, tên địa danh phải đúng, nếu sai mà không sửa thì sẽ xuất hiện kiểu giải nghĩa cho chính cái sai rất kỳ cục!".
Theo bạn đọc Văn Minh Luận, "chỉ đổi tên những đường bị sai chính tả, hạn chế dùng hai tên của cùng một nhân vật, như đường Quang Trung - đường Nguyễn Huệ; đường Hoàng Hoa Thám - đường Đề Thám. Bởi khi tên đường bị đổi sẽ kéo theo xáo trộn lớn về việc thay đổi trên các giấy tờ pháp lý có ghi địa chỉ của người dân".
Bạn đọc Nguyễn Cảnh đồng ý ưu tiên "chuyển về một tên đường thôi, chứ ở cùng thành phố mà đường này mang tên Đinh Bộ Lĩnh, đường kia thì Đinh Tiên Hoàng; đường Trần Quốc Tuấn, rồi lại đường Trần Hưng Đạo; đường Hoàng Việt rồi lại có đường Lê Trí Trực... mới nghe tưởng hai người nhưng thực chất chỉ một".
Trong khi đó, bạn đọc Phước Tân bày tỏ: "Việc thay đổi tên các con đường chưa chuẩn xác, cần thận trọng tính toán chi phí và lợi ích. Chỉ nên ưu tiên tập trung đặt tên cho các tuyến đường mới (hoặc điều chỉnh tên đường không có ý nghĩa)".
Với bạn đọc Tèo, những tên đường nào sai thì sửa trước, còn đường trùng tên khác quận chưa nên sửa vội. Bạn đọc Khôi thêm ý kiến: chỉ đổi bảng tên đường bị sai, giấy tờ cũ vẫn giữ nguyên, ai làm lại hoặc làm mới thì đổi theo tên đường chỉnh sửa.
Để hạn chế những xáo trộn do việc chỉnh sửa tên đường, bạn đọc COC đề nghị cần cập nhật chính xác hệ thống bản đồ trực tuyến của từng địa phương và thêm phần "chỉnh lý, bổ sung" thay vì phải thay đổi toàn bộ giấy tờ khi thay đổi tên đường.
Khi chỉnh sửa tên đường xong phải cập nhật ngay trên hệ thống dữ liệu quốc gia, nhằm tạo thuận lợi cho người dân làm thủ tục giấy tờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận