Sự cố các cuộn thép trên các xe tải, rơmooc bị đứt xích như trên tại TP.HCM thời gian gần đây không phải là hiếm, thậm chí đã có vụ xảy ra thương vong.
Xích sắt cũng chẳng ăn thua
Gần nhất, ngày 5-3 một người đàn ông bán vé số trên đường Nguyễn Văn Linh, xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) bị hai cuộn thép từ container rơi xuống trúng người, bị thương nặng, phải nhập viện cấp cứu...
Hình ảnh những xe tải, xe container, xe kéo sơmirơmooc... chở những cuộn thép chằng buộc sơ sài hằng ngày vẫn thường xuất hiện ở các trục đường lớn trên địa bàn TP.HCM. Tại khu vực cảng Tân Thuận, Bến Nghé ở phường Tân Thuận Đông (quận 7), hằng ngày có hàng trăm lượt xe đầu kéo chở những cuộn thép trên những rơmooc chằng buộc bằng những sợi xích và dây cáp mỏng manh.
Những cuộn thép lớn (20 - 40 tấn) ngoài việc được buộc bằng dây xích thường được chèn thêm hai thanh gỗ cân bằng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng khi xe chạy tốc độ chừng 40-50km/h, nếu tài xế phanh gấp, theo quán tính, cuộc thép lao đi kéo đứt xích, lăn khỏi các thanh gỗ chèn gây ra những hệ lụy khôn lường.
Nhiều tài xế có kinh nghiệm cũng thừa nhận việc chằng buộc cuộn thép bấy lâu nay khi chở cũng chưa đảm bảo 100% về sự an toàn. Thực tế đã có vụ việc đứt xích, cuộn thép lăn đè cabin làm chết tài xế. Hành nghề lái xe đầu kéo hơn 10 năm, ông Tiến (57 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) thừa nhận sự an toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm "đường trường" của người cầm vô lăng, còn việc xích cuộn thép cũng "hên, xui".
Không dùng xe chuyên dụng vì tốn kém!
Theo ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiện đã có thông tư 35 của Bộ GTVT quy định, hướng dẫn về xếp hàng hóa trên ôtô trong đó có xe đầu kéo.
Cho nên việc neo, chằng buộc phải đúng quy định của thông tư. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn phụ thuộc thêm vào kỹ năng lái xe của tài xế. "Tài xế lái xe chở hàng cồng kềnh, hàng nặng như chở cuộn thép, thùng container... phải tuân thủ đúng Luật giao thông, phải có kỹ năng lái những xe này", ông Hùng nói.
Hiện nay rơmooc mà các doanh nghiệp đang sử dụng là đa năng, có thể chở cuộn thép, thùng container, thép lá... và các hàng hóa khác. Vì thế, các doanh nghiệp vận tải không sử dụng loại rơmooc "đặc chủng" (rơmooc chuyên dụng - PV) dành riêng để chở cuộn thép.
"Trừ khi nó là loại hàng hóa như hàng lạnh thì mới sản xuất container chuyên dụng để sử dụng. Nếu bây giờ Bộ GTVT ban hành quy định chở thép cuộn phải có rơmooc chuyên dụng thì các doanh nghiệp vận tải sẽ thắc mắc ngay vì phải làm thêm rơmooc tốn thêm chi phí và phức tạp", ông Hùng nói thêm.
Ông L.H.T. (chủ doanh nghiệp vận tải container ở TP.HCM) nêu sáng kiến phải thiết kế rơmooc lõm ở giữa khi chở thép cuộn. Khi xe xuất cảng, cơ quan chức năng phải kiểm tra khả năng chằng buộc an toàn, tránh tình trạng các vật dụng chằng buộc qua loa để tiết kiệm thời gian và chi phí nhưng lại gây rủi ro lớn mà không tầm soát rủi ro.
"Thật sự khi chở cuộn thép 20 - 40 tấn thì phải có rơmooc được thiết kế lõm xuống nhằm cố định cuộn thép và thiết kế độ cao thấp hơn nữa sẽ an toàn hơn rất nhiều, không sợ lăn nữa", ông T. nói.
Một số doanh nghiệp cũng nhìn nhận đầu tư xe chuyên dụng sẽ tốn kém hơn nên họ chỉ làm khi Nhà nước có quy định bắt buộc để đảm bảo an toàn cho cả những người khác lưu thông trên đường.
Chằng buộc chắc chắn là thế nào?
Hiện nay, các xe đầu kéo chở thép cuộn được coi là vận chuyển hàng hóa thông thường. Theo quy định, hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe.
Như vậy, các tài xế xe đầu kéo chỉ cần xếp cuộn thép gọn gàng, chằng buộc bằng dây xích, chở đúng tải trọng là có thể chạy trên đường mà không vi phạm. Điều 24 nghị định 100 quy định xe vận chuyển hàng không chằng buộc hoặc chằng buộc không chắc chắn bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.
Theo một chuyên gia lĩnh vực giao thông, các quy định hiện hành chỉ nêu chung chung là "chủ phương tiện chằng buộc chắc chắn" mà không nêu cụ thể "chắc chắn" là thế nào, vì vậy rất khó cho lực lượng thực thi nhiệm vụ xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận