03/11/2023 07:37 GMT+7

Sửa Luật Đất đai: Liệt kê rõ các trường hợp thu hồi đất để tránh lạm dụng

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp lần này quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để khống chế các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm chỉ thu hồi đất trong các trường hợp luật định, không thu hồi đất tràn lan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 28-9-2023 - Ảnh: GIA HÂN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 28-9-2023 - Ảnh: GIA HÂN

Sáng nay (3-11), kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trước đó một ngày (2-11), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi các đại biểu báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Quy định thu hồi đất phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng

Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo lần này đã bỏ 4 điều, bổ sung 6 điều và sửa đổi 229 điều. Trong đó, nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện.

Đáng chú ý, quy định về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tại kỳ họp trước, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm, nội hàm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo đó, đại biểu cho rằng cần xác lập rõ những tiêu chí, tách biệt rõ ràng giữa dự án phát triển kinh tế với dự án công cộng vì lợi ích quốc gia. Nếu dự án vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư nhiều hơn, bắt buộc áp dụng cơ chế thị trường để đạt được sự đồng thuận giữa người dân và chủ đầu tư, cũng như bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Giải trình điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là quy định thể chế hóa nghị quyết 18 của Trung ương và Hiến pháp năm 2013, vì vậy cần hết sức cẩn trọng, tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để có quy định phù hợp.

Theo đó, dự thảo luật quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất có ưu điểm rõ ràng cho việc áp dụng thực hiện, đồng thời khống chế các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm chỉ thu hồi đất trong các trường hợp luật định, không thu hồi đất tràn lan.

Bên cạnh đó, dự án, công trình thuộc trường hợp quy định tại điều 79 không đồng nghĩa với việc đương nhiên Nhà nước được thu hồi, mà phải đáp ứng điều kiện cần và đủ quy định tại điều 80 dự thảo luật.

Cùng với cơ chế chuyển dịch đất đai thông qua việc Nhà nước thu hồi đất, dự thảo luật tiếp tục quy định về cơ chế chuyển dịch đất đai thông qua việc thỏa thuận giữa những người sử dụng đất về nhận quyền sử dụng đất.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về việc Quốc hội sẽ sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn khi thực hiện các dự án, công trình vì mục đích lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định.

Quy định này nhằm dự phòng trường hợp thực sự cần thiết thu hồi đất phát sinh nhưng chưa có trong quy định của luật.

Cần thêm nhiều thời gian để hoàn thiện dự thảo luật

Qua báo cáo dày 400 trang, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và chất lượng dự thảo luật đã từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.

Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất. Vì vậy việc hoàn thiện các quy định đòi hỏi hết sức kỹ lưỡng, thận trọng.

Về quy định chuyển tiếp, sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan, các nội dung đang được quy định tại chương XVI dự thảo luật do Chính phủ trình đã được rà soát, chỉnh lý. Tuy nhiên, chưa có điều kiện rà soát kỹ lưỡng các trường hợp cần có quy định chuyển tiếp cũng như nội dung khác của các luật có liên quan.

Quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo luật sẽ cần nhiều thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án luật.

Một số nội dung đất đai đang xin ý kiến chỉ đạo

Tại kỳ họp trước, một số đại biểu cho rằng so với nghị quyết 18, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn một số nội dung chưa thể chế hóa, một số nội dung đã thể chế hóa nhưng vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh sửa, bổ sung quy định cụ thể một số nội dung có nêu trong nghị quyết 18. Những nội dung thể chế hóa nghị quyết số 18, những nội dung chưa rõ, chưa được đề cập tại nghị quyết 18 đang được xin ý kiến cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo.

Về ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm tính khả thi của luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các văn bản dưới luật theo đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể hóa theo đúng nội dung, tinh thần chính sách đã được thể hiện thành các quy định của luật và theo đúng tinh thần của nghị quyết 18. Chỉ đạo việc chuẩn bị các điều kiện thực tế để bảo đảm cho các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự đi vào cuộc sống.

Thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng sẽ được quy định theo hướng nào?Thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng sẽ được quy định theo hướng nào?

Chiều 28-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên