19/05/2013 08:26 GMT+7

Sửa Luật đất đai để giảm bớt khiếu kiện

QUỐC THANH - HOÀNG ĐIỆP ghi
QUỐC THANH - HOÀNG ĐIỆP ghi

TT - Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sẽ khai mạc ngày 20-5. Cử tri mong muốn gì ở kỳ họp này cũng như muốn gửi gắm gì đến các đại biểu Quốc hội?

nVSY4DkB.jpgPhóng to
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Q.Tây Hồ, Hà Nội ngày 14-5 - Ảnh: V.Dũng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói:

- Trước mỗi kỳ họp Quốc hội tôi đều rất quan tâm, nhất là kỳ họp giữa năm nay có quyết định về hai đạo luật lớn của đất nước là sửa đổi Hiến pháp và Luật đất đai. Về Luật đất đai, các đại biểu quyết định như thế nào để giảm bớt những thiệt thòi cho nhân dân và giảm bớt khiếu kiện kéo dài, gây mất thời gian, tiền bạc của cả Nhà nước và nhân dân.

Vấn đề nữa tôi rất quan tâm đó là tình hình kinh tế của đất nước, nói chung kinh tế thế giới suy thoái nên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước. Tôi lo nhất là nợ công lên tới 50% GDP nhưng Chính phủ vẫn nói an toàn. Tuy nhiên ngưỡng thế nào là an toàn thì chưa từng có nghị quyết nào quy định cả.

Tôi cũng mong rằng trong kỳ họp Quốc hội lần này Chính phủ sẽ nói thật với các đại biểu Quốc hội về những khó khăn của nền kinh tế hiện nay để tìm ra nguyên nhân, cùng bàn cách giải quyết và tháo gỡ. Đối với các doanh nghiệp nhà nước cũng cần phải thật thà hơn trong việc sản xuất và phát triển. Câu chuyện dùng vốn nhà nước nhưng sản xuất khi nói lỗ, khi lại nói lời là thiếu trung thực và mất lòng tin ở cử tri.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các lãnh đạo thì chủ trương này đã có từ lâu nhưng chưa thực hiện được, bây giờ được “bật đèn xanh” thì phải làm. Tôi không kỳ vọng vào việc loại bỏ ai, nhưng bỏ phiếu tín nhiệm là đo lường được tính mẫn cán của cán bộ, lãnh đạo của nhân dân. Việc bỏ phiếu tín nhiệm tùy thuộc nhiều vào các đại biểu Quốc hội và chưa chắc các đại biểu đã hiểu hết công việc của các cán bộ nên khó đánh giá được chính xác.

Tuy nhiên, việc bỏ phiếu ít nhất cũng để người bị đánh giá biết được cử tri quan tâm đến mình như thế nào. Tôi không hi vọng thay đổi nhiều bởi một đất nước bị xáo trộn nhiều thì chỉ có hại cho nhân dân. Bởi vậy, cố gắng giữ được sự ổn định để vừa lo vực dậy nền kinh tế vừa lo chăm chút cho đời sống nhân dân là điều tôi kỳ vọng.

* Tiến sĩ Đỗ Minh Khôi (khoa luật hành chính Trường đại học Luật TP.HCM):

Bỏ phiếu tín nhiệm khởi đầu cho tiến trình thay đổi

Diễn biến của nền kinh tế nói chung xấu trong thời gian gần đây, nhưng không nên gắn với tiến trình lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ. Bởi việc lấy phiếu tín nhiệm đã được nêu ra từ lâu. Tôi mong rằng nó sẽ khởi đầu một tiến trình thay đổi và có lộ trình dù tôi thấy lộ trình này chưa được rõ ràng lắm.

Về vấn đề kinh tế, nếu có sự hợp tác giữa Chính phủ và Quốc hội thì rất tốt. Nhưng về lâu dài là Quốc hội kiểm soát Chính phủ và các thành viên Chính phủ chứ không phải là hợp tác.

* Bà Võ Thị Thanh Liên (khu phố 6, P.10, Q.5, TP.HCM):

Tai nạn giao thông còn quá nhiều

Tôi có hai bức xúc lớn, mong muốn đại biểu Quốc hội và Quốc hội quan tâm nhiều hơn, đúng mức hơn nữa.

Trước hết là vấn đề giáo dục - đào tạo, cứ nói cải cách nhưng nói hoài vẫn đâu vào đó. Tôi rất lo lắng chất lượng dạy học hiện nay. Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều tiến sĩ trong khu vực, nhưng rất buồn với thực tế là tiến sĩ nhiều trong khi một số trường đại học không đủ giảng viên. Ngoài ra, đừng cho con cháu mình thi vào lớp 1 nữa. Ở tuổi đó, con cháu mình đã biết cái gì mà tổ chức thi đầu vào. Sao khai thác chất xám con cháu mình sớm quá vậy? Đó là một trong những nguyên nhân của tình trạng chạy trường, chạy lớp.

Kế đến là vấn đề giao thông, nhiều người bất bình, trong đó tai nạn giao thông còn quá cao và tiêu cực, mãi lộ trong lĩnh vực này gây bức xúc kéo dài cho người dân. Tôi đề nghị cần kiện toàn lại, giáo dục lại trong lực lượng cảnh sát giao thông để giảm phiền hà, nhũng nhiễu và tình trạng mãi lộ mà nhiều người dân ai cũng đã thấy rõ hằng ngày. Có như vậy mới lấy lại được uy tín...

* Ông NGUYỄN XUÂN ĐÁN (P.Tân Định, Q.1, TP.HCM):

Đừng để lợi ích nhóm chi phối

Lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn, cử tri rất quan tâm. Tuy nhiên, việc này cần làm đúng theo ý nguyện của người dân. Hiện nay ai, cán bộ nào... như thế nào thì dân đã biết hết rồi. Làm sao để việc lấy phiếu, bỏ phiếu phản ánh được chính xác thực tế đối với mỗi cán bộ. Đặc biệt, nếu để lợi ích nhóm chi phối khi thực hiện vấn đề đang được mong đợi này thì cử tri sẽ chán lắm. Hay nói cách khác, đừng để lợi ích nhóm chi phối vấn đề này.

Ngoài ra, vấn đề khai thác bôxit ở Tây nguyên tôi thấy nhiều người dân rất lo lắng. Lỗ - lãi cũng chỉ là một phần của vấn đề. Vấn đề lớn hơn và lo lắng hơn là an ninh quốc gia, trong đó việc cần quan tâm hàng đầu là sử dụng người lao động Trung Quốc tại các dự án. Đồng thời cần trở lại vấn đề môi trường và trả lời thỏa đáng câu hỏi nếu bùn đỏ tràn ra môi trường thì khu vực Tây nguyên nói chung, TP.HCM nói riêng liệu có chịu nổi không?

QUỐC THANH - HOÀNG ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên