13/09/2022 08:10 GMT+7

Sửa chữa sai sót, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh mất quyền xét tuyển

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Tuyển sinh năm 2022 là một trong những nội dung được đề cập tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai năm học mới 2022 - 2023 của Bộ GD-ĐT tổ chức vào chiều 12-9.

Sửa chữa sai sót, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh mất quyền xét tuyển - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị chiều 12-9 - Ảnh: MOET

Tại hội nghị, đại diện một số trường đại học lo ngại những thay đổi kỹ thuật năm nay khiến thí sinh gặp khó khăn dẫn tới tuyển sinh kéo dài. 

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - nói trong số gần 400.000 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển trên hệ thống có 51% đăng ký nguyện vọng 1 theo phương thức trúng tuyển sớm, khoảng 30% xếp vào các nguyện vọng khác, nhiều thí sinh không đăng ký lên hệ thống nguyện vọng xét tuyển sớm nào. Có một số đăng ký nguyện vọng 1 với phương thức trúng tuyển sớm nhưng không đủ điều kiện về điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tổng số nguyện vọng đăng ký của thí sinh năm nay là 3.068.538, trung bình mỗi thí sinh có 2-3 nguyện vọng. Tuy vậy, bà Thủy thừa nhận năm 2022 các trường có quá nhiều phương án tuyển sinh phức tạp, phân bố chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và cả hệ thống xét tuyển.

Theo chia sẻ của các trường, với các phương thức xét tuyển sớm, các trường không dự báo được thí sinh ảo nên bị động. Về việc này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định những điều chỉnh kỹ thuật và đưa về một mối trong việc lọc ảo xét tuyển là giải pháp có nhiều ưu điểm. Bộ GD-ĐT và các trường sẽ gặp những khó khăn trong năm đầu thực hiện, nhưng về cơ bản thí sinh được trao quyền tối đa trong việc lựa chọn nguyện vọng mình mong muốn nhất. Đây cũng là cách đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Ông Sơn phân tích tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển (so với số đăng ký dự thi) thấp hơn năm ngoái nhưng có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do số thí sinh đi du học sau dịch COVID-19 tăng hơn. Ông Sơn cũng cho rằng phân cực trong tuyển sinh rõ rệt hơn. Những trường có sức hút tốt thì tuyển sinh thuận lợi, những trường sức hút kém thì khó khăn hơn.

Trước hội nghị, nhiều phụ huynh và thí sinh đã phản ảnh về việc không nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến được. Cũng có thí sinh đã trúng tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ, nhưng giờ phát hiện không có tên trên hệ thống... 

Bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng do năm đầu thực hiện nên Bộ GD-ĐT đã gia hạn thời gian đăng ký nguyện vọng để sửa chữa sai sót, gia hạn thời gian nộp lệ phí xét tuyển. Nhưng nhìn vào con số thí sinh đăng ký nguyện vọng bổ sung và nộp lệ phí bổ sung thì không có nhiều. Điều đó chứng tỏ những thí sinh chậm trong việc đăng ký, nộp lệ phí do không nắm thông tin, không thạo công nghệ không nhiều. Có thể các em này có lựa chọn khác như đi du học.

Tuy vậy, bà Thủy cũng đề nghị lãnh đạo bộ cho phép những trường hợp quá hạn chưa nộp lệ phí xét tuyển vẫn được đưa vào diện xét tuyển. Sau đó các em có thể nộp bổ sung sau nhưng cũng bằng hình thức trực tuyến. 

Về đề xuất này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ủng hộ vì năm nay thí sinh bỡ ngỡ thì nên tạo điều kiện tối đa để tránh cho thí sinh mất quyền xét tuyển. 

Ông Sơn cho biết bộ sẽ có hướng dẫn về những tình huống sai sót và cách khắc phục để thí sinh không mất cơ hội xét tuyển.

* Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn:

Các trường đại học công bố sớm phương án tuyển sinh từ 2025

Cùng với việc Bộ GD-ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với những học sinh đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường cần sớm công bố phương án tuyển sinh của mình từ năm 2025. Về việc này, bộ sẽ có văn bản chỉ đạo, thông tin sớm để học sinh yên tâm có kế hoạch học tập để chuẩn bị cho kỳ thi và tuyển sinh.

Xét tuyển đại học trực tuyến, nhóm Xét tuyển đại học trực tuyến, nhóm 'đỗ rồi thành chưa đỗ' cần hướng giải quyết

TTO - Nhiều thí sinh và phụ huynh phản ảnh việc gặp khó khăn khi nộp lệ phí tuyển sinh đại học trực tuyến, đăng ký nhầm, thậm chí không có tên trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên