26/04/2015 12:44 GMT+7

Sử thi Ba Na “kể” giữa lòng Tây nguyên

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Hàng trăm người dân Ba Na ở các ngôi làng đã tập trung về trung tâm TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) để chứng kiến đêm trọng đại của dân tộc mình: hơmon Ba Na chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ nhân Đinh Blơnh (huyện Kông Chro, Gia Lai) diễn xướng bộ sử thi Dăm Noi trong đêm đón nhận bằng của Bộ VH-TT&DL - Ảnh: B.D.

Trước lễ đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cho sử thi Ba Na, ông Phan Xuân Vũ - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Gia Lai - than thở: “Chúng tôi đang phải làm bảo tồn trong cảnh tay trắng, không có tiền. Thế nhưng sự kiện lớn có ý nghĩa như thế này thì tất cả những người có tâm huyết đều phải cố gắng”. 

Nằm kể sử thi

Ðêm 24-4, sân khấu của lễ công bố sử thi Ba Na trở thành di sản văn hóa phi vật thể tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai cũng đơn sơ như chính cuộc đời khó nghèo của các nghệ nhân kể sử thi. Màn đêm như đặc lại khi nghệ nhân Ðinh Blơnh (làng Hơn, xã Yama, huyện Kông Chro) nằm trong ngôi nhà gỗ, bên bếp lửa truyền thống cất tiếng hát trích đoạn trong bộ sử thi Dăm Noi.

Sử thi của người Ba Na được người dân gọi là hơmon, là hình thức sinh hoạt dân gian lưu truyền theo cách hát kể truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Nội dung sử thi kể về những chiến công kỳ vĩ của các anh hùng dân tộc, liên quan đến những biến động lớn lao của cộng đồng trong lịch sử dưới hình thức những huyền thoại.

Người diễn xướng sử thi là nông dân, các già làng lớn tuổi có trí nhớ và chất giọng đặc biệt; họ có thể hát kể trong nhiều giờ, hát từ đêm này qua đêm khác với nhiều câu chuyện nối tiếp nhau trong niềm đam mê kỳ lạ.

Câu chuyện kể về cuộc chiến chống lại cái ác của chàng trai Ba Na Dăm Set với lũ ác quỷ Pơdrang Hỡ - Pơdrang Hơm.

“Ê ê... là chán, biết làm gì? Muốn có con như người ta phải làm thế nào đây, ông Set ơi? Ê ê... là chán, biết làm sao? Hai chúng ta, ngày hôm nay đi tìm thuốc uống để có con. Chúng ta cưới nhau đã mấy chục năm rồi vẫn chưa có một đứa con nào. Chúng ta phải đi xin bảy viên thuốc để uống” - Set dặn vợ. Bia Jit đến nhà ông Rok. Ông Rok đưa cho nàng năm viên thuốc và dặn không được uống giữa đường.

“Ê ê... Bia Jit vui vẻ trở về. Ði được một đoạn, quên lời dặn của bok Rok, nàng lấy thuốc ra uống. Uống xong, nàng thấy người run bần bật, đầu lâng lâng. Mệt mỏi, nàng vừa đi vừa khóc, tới cổng làng thì sinh liền một lúc bốn đứa con trai. Lát sau nàng sinh thêm một người con nữa, đặt tên là Noi. Kỳ lạ thay, mới lọt lòng mẹ, Noi đã nói được, đi được, tay cầm khiên về làng báo tin cho cha Set mình biết chuyện.”...

Lần đầu tiên được chứng kiến hình ảnh thật của sử thi Tây nguyên, diễn xướng trong một khoảng không gian chật chội bên bếp lửa nhưng chứa đựng đầy sự huyền bí, nhiều người nghe - dù không hiểu nội dung bài kể Dăm Noi của nghệ nhân Blơnh đã phải thốt lên: “Lạ quá! Khó hiểu quá nhưng... rất hay”. 

Đợi chờ từ thế hệ này qua thế hệ khác

Sử thi Ba Na có những nét rất riêng cả về nội dung lẫn cách diễn xướng so với sử thi của các bộ tộc khác ở Tây nguyên. Tiếp xúc với loại hình diễn xướng độc đáo này, nhiều nhà nghiên cứu cho biết họ đã bất ngờ khi phát hiện những “vỉa vàng” ở một dân tộc vốn lựa chọn cho cộng đồng của mình một cuộc sống khép kín này.

Ông Nguyễn Quang Tuệ - nhà nghiên cứu sử thi - cho biết vào những năm 1980, nhiều năm lùng sục ở các ngôi làng, bộ anh hùng ca Dăm Noi được phát lộ ở một ngôi làng Ba Na tại huyện Kông Chro đã gây ngỡ ngàng đối với những người làm công tác sưu tầm.

“Ðiều này là dễ hiểu, bởi sau sử thi Ðăm San của người Ê Ðê được công bố từ những năm 1920, sử thi của các dân tộc khác trên dãy Trường Sơn vẫn còn lẩn khuất trong những buôn làng xa xôi. Dăm Noi không chỉ khẳng định người Ba Na có sử thi, mà quan trọng hơn đã trở thành chất xúc tác quan trọng, ít nhất là đối với những người đam mê muốn tìm tòi về lĩnh vực này ở địa phương khi đứng trước câu hỏi: đồng bào có bao nhiêu sử thi và hình hài chúng ra sao?” - ông Tuệ nói.

Thế nhưng, một nghiên cứu cho thấy từ khi được phát hiện, sử thi Ba Na ở Gia Lai có tới hàng trăm nghệ nhân biết hát, lưu trữ trong bộ nhớ hàng chục bộ sử thi nhưng đến năm 2015 này, số nghệ nhân còn sống chỉ còn vẻn vẹn 20 người.

Tất cả đều nghèo khổ. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân - giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai - chua xót: “Những nghệ nhân sống trong những túp lều bốn bề lộng gió, bữa cơm đôi khi chỉ là cơm trắng với lá mì, muối. Sử thi được lưu trữ trong bộ nhớ của những con người đó, rất khó để truyền lại cho con cháu. Bởi vậy họ già, rồi chết đi một cách lặng lẽ mà đến nay chưa có sự vinh danh xứng đáng nào”.

Ông Nguyễn Quang Tuệ kể về người hát khan mà ông nhớ nhất trong những năm tháng rong ruổi về làng của mình: “Ở xã Yang Bắc, huyện Ðắk Pơ ai cũng kính trọng già làng Ðinh Păh. Ông là một nghệ nhân có bộ nhớ siêu phàm và mê sử thi đến kỳ lạ.

Từ bộ nhớ của ông đã có hàng ngàn trang sách được xuất bản. Rồi Păh bị bệnh, ăn uống kham khổ, vẫn hát sử thi trên giường bệnh đến những giây phút cuối đời. Păh qua đời cũng là khoảnh khắc chấm dứt một cuộc đời hát kể sử thi, đến khi chết ông vẫn không được vinh danh, không được ai biết tới. Cái chết của ông cũng là cái chết của một bộ sử thi sống”.

 

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên