20/03/2009 00:35 GMT+7

Sư phạm, luật, y dược: chọn ngành nào?

Q.DŨNG - H.NHUNG lược ghi
Q.DŨNG - H.NHUNG lược ghi

TT - Gần 700 câu hỏi gửi đến buổi tư vấn trực tuyến lần thứ sáu do Tuổi Trẻ Online tổ chức sáng 19-3 liên quan đến ngành học thuộc nhóm ngành sư phạm, luật, văn hóa, y dược đã được đại diện các trường nhóm ngành này trả lời trực tiếp.

xTv7SyOx.jpgPhóng to
Bạn Nguyễn Phương Thảo - học sinh lớp 12D2 Trường THPT Lộc Ninh, Bình Phước - đặt câu hỏi về ngành dự thi tại chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2009 do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức - Ảnh: T.T.D.

* Tôi muốn thi vào ngành xét nghiệm của Trường ĐH Y dược TP.HCM nhưng gia đình muốn tôi học dược để nối nghiệp. Tôi không biết nên làm thế nào? Trường có hệ trung cấp không? Học trung cấp có được học lên ĐH?

(iamtiredwithourstory@..., Nguyễn Thanh Thúy)

- TS Huỳnh Văn Hóa (phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM): Bạn nên cân nhắc học lực trước khi chọn ngành vì điểm chuẩn ngành dược rất cao, năm ngoái là 26,5 điểm. Điểm chuẩn ngành xét nghiệm thấp hơn, chỉ 22 điểm. Nếu học xét nghiệm thì không học tiếp ngành dược được. Vì vậy cần chọn ngành học tùy vào nguyện vọng của bản thân mới có kết quả tốt.

Vào khoảng đầu tháng 9, trường sẽ có thông báo riêng về tuyển sinh hệ trung cấp. Xét tuyển từ kết quả điểm thi ĐH khối B hai môn toán và sinh. Sau này ra trường công tác 2-3 năm (tùy theo nơi công tác) sẽ thi tiếp lên để học cử nhân ĐH (học tập trung bốn năm).

* Tôi nghe nói học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ được miễn học phí và khi ra trường sẽ đi dạy ở vùng sâu, vùng xa phải không? Ngành sư phạm và cử nhân ngoài sư phạm khác nhau như thế nào?

(party_boys1990@..., Nguyễn Thị Thanh Thy)

- ThS Tạ Quang Lâm (phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Theo chính sách hiện hành, sinh viên trúng tuyển ngành sư phạm có làm cam kết phục vụ trong ngành GD-ĐT và được miễn đóng học phí, còn việc phân công ở đâu tùy thuộc sự phân công của địa phương. Nguyên tắc phân công: theo kết quả học tập của sinh viên, nếu tốt nghiệp loại khá giỏi sẽ được ưu tiên chọn nơi công tác, chứ không phải mới ra trường là phải về vùng sâu, vùng xa.

Ngành sư phạm đào tạo giáo viên, ngành ngoài sư phạm đào tạo cử nhân. Chương trình đào tạo phần cơ bản giống nhau về kiến thức đại cương, khác nhau về phần đào tạo khoa học giáo dục, phương pháp giảng dạy đối với ngành sư phạm và các phần chuyên sâu đối với ngành cử nhân.

* Tôi dự định thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM nhưng đang phân vân về việc chọn ngành. Ngành nào của Trường ĐH Luật TP.HCM thu hút thí sinh nhất và ngành nào dễ tìm việc nhất? Học phí của trường bao nhiêu? Tốt nghiệp có thể làm ở đâu? Muốn thành luật sư thì phải như thế nào?

(phithienholy_fox@..., Nguyễn Anh Kha, Đặng Thị Mỹ Hạnh, Phạm Minh Thành)

- ThS Lê Văn Hiển (phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM): Sinh viên theo học ngành luật của trường gồm thương mại, dân sự, hình sự, hành chính, quốc tế đều học chung một chương trình đào tạo, thời gian đào tạo là bốn năm. Sau khi tốt nghiệp, người học được cấp bằng cử nhân luật và có thể làm việc trong các sở, ban ngành cơ quan nhà nước, công an, thi hành án, ngân hàng, hải quan... hoặc có thể làm tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài nước.

Nếu muốn làm luật sư thì bạn phải thực tập tại một văn phòng luật sư và phải tham gia một khóa học do Học viện Tư pháp tổ chức. Học phí của trường hiện nay là 1,8 triệu đồng/năm. Trừ ngành quản trị luật không thi khối C, tất cả các ngành của trường đều tuyển khối A, C, D1, D3.

Q.DŨNG - H.NHUNG lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên