Phóng to |
Binh sĩ Mỹ từng nhiều lần hứng chịu đạn pháo của đồng đội - Ảnh: AFP |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Theo AFP, bản báo cáo được công bố bởi Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), chịu trách nhiệm phần lớn cho việc giải mã và nghe trộm ở Mỹ.
Báo cáo dày 500 trang, mang tên Spartans in darkness (tạm dịch là Chiến binh trong bóng tối), là câu chuyện về cuộc chiến Việt Nam từ khía cạnh "tình báo tín hiệu", từ bức điện tín đầu tiên - thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi chủ tịch Liên Xô Joseph Stalin - cho tới lần di tản cuối cùng các điệp viên Mỹ khỏi Sài Gòn.
Báo cáo cho biết trong một số trường hợp, quân đội VN "có thể liên lạc trên sóng radio của quân đội đồng minh để kêu gọi bắn pháo hoặc không kích vào đúng vị trí của quân đội Mỹ”. Steven Aftergood, giám đốc Dự án về các bí mật của chính phủ thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS), chua chát: "Đó (việc quân đội Mỹ bị chính không quân mình tấn công) là điều tôi chưa từng biết đến". Ông đánh giá "đây là một sự lật lại quan trọng trên khía cạnh lịch sử. Mọi người đã từng nói đến điều này trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu hoàn chỉnh".
Tuy nhiên, thông tin lịch sử quan trọng nhất của tài liệu này, theo ông, là "việc đảo ngược hoàn toàn các chi tiết lịch sử" của sự kiện vịnh Bắc bộ.
Nói về sự kiện vịnh Bắc bộ mà chính quyền Mỹ từng cáo buộc Việt Nam gây ra vụ tấn công chiến hạm Mỹ đêm 4-8-1964, FAS viết: "Thông tin giải mật cho thấy không những nó không đúng, như Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara từng nói với quốc hội, mà trái lại các thông tin tình báo tín hiệu chứng minh rằng không có vụ tấn công nào trong đêm đó”. Chính từ việc vu cáo quân đội miền Bắc VN tấn công chiến hạm Mỹ này, Tổng thống Johnson đã leo thang đưa quân đội Mỹ vào VN. Hơn 58.000 lính Mỹ sau đó đã thiệt mạng và cuộc chiến kéo dài tới năm 1973 khi Mỹ buộc rút quân theo hiệp định Paris.
Bình luận sự kiện này, BBC viết: "Sự kiện vịnh Bắc bộ và hồ sơ về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq gần đây đã khiến có nhiều lời kêu gọi các nhà báo Mỹ đặt nhiều câu hỏi hơn với những thông tin của các quan chức chính phủ”.
"Không hề có cuộc tấn công nào..."
Để bảo vệ "phiên bản" chính thức của vụ tấn công, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) chỉ sử dụng vỏn vẹn 15 báo cáo từ bộ phận tình báo tín hiệu (SIGINT). Nghiên cứu mới này (của tôi) dựa trên việc khai thác một khối lượng lớn tài liệu SIGINT chưa từng được sử dụng trước đó. Dòng lũ thông tin mới này đã thay đổi hoàn toàn câu chuyện xảy ra vào đêm 4-8-1964. Yếu tố quan trọng nhất là đã xác định rõ động thái của hải quân Bắc Việt Nam vào đêm đó.
Nghiên cứu đã đem lại hai phát hiện gây chấn động. Thứ nhất, sự thật là không hề có một cuộc tấn công nào diễn ra trong đêm đó (4-8). Do hàng loạt sai lầm trong phân tích cộng với thái độ khăng khăng không chịu xem xét các bằng chứng trái ngược, các bộ phận SIGINT của Mỹ trong khu vực và tổng hành dinh NSA đã tuyên bố Hà Nội có kế hoạch tấn công hai con tàu của hạm đội Desoto. Những sai lầm trong phân tích tiếp theo và việc ỉm đi các thông tin khác đã dẫn đến thêm các "bằng chứng" khác. Trên thực tế, hải quân Hà Nội không hề có bất cứ hành động gì khác ngoài việc cứu hộ hai con tàu bị hư hại từ ngày 2-8.
Phát hiện thứ hai là về cách xử lý tài liệu SIGINT liên quan đến sự kiện vịnh Bắc bộ của một số cá nhân tại NSA. Kể từ khi cuộc khủng hoảng diễn ra vào đầu tháng tám cho đến những ngày ngay sau đó, kéo dài sang tháng 10-1964, thông tin SIGINT đã được trình bày theo cái cách ngăn cản những người đưa ra quyết định có một cái nhìn khách quan và tổng thể về sự kiện ngày 4-8-1964. Thay vào đó, chỉ có những tài liệu SIGINT nói rằng phía cộng sản cố tình tấn công hai tàu khu trục Mỹ là được đưa ra cho các quan chức chính quyền Mỹ xem xét.
Việc xử lý sai lầm tài liệu SIGINT được thực hiện theo cách mà người ta kết luận là đầy bí ẩn, với những bằng chứng ngụy tạo và sự thông đồng với nhau ở tất cả các cấp. Mục tiêu rõ ràng của các cá nhân trong NSA là ủng hộ lời cáo buộc của hải quân (Mỹ) là hải quân Bắc Việt Nam đã cố ý tấn công hạm đội Desoto. Để chứng minh cho lời cáo buộc trên, mọi tài liệu có liên quan của SIGINT đều không được cung cấp cho Nhà Trắng, cũng như quan chức tình báo và Bộ Quốc phòng. Nếu toàn bộ bằng chứng của SIGINT được xem xét, kết luận được đưa ra sẽ là phía Bắc Việt Nam không hề tấn công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận