22/04/2022 13:35 GMT+7

Sử dụng vốn vay ODA chậm ngày nào TP.HCM chịu thiệt ngày đó

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TTO - Việc sử dụng vốn vay ODA để đầu tư các dự án hạ tầng cho TP.HCM được đánh giá cần thiết, giúp phát triển TP.HCM vượt bậc. Nhưng sử dụng nguồn vốn này được ví như 'dao hai lưỡi', vì nếu chậm dù bất cứ lý do nào thì TP.HCM vẫn chịu thiệt.

Sử dụng vốn vay ODA chậm ngày nào TP.HCM chịu thiệt ngày đó - Ảnh 1.

Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là một trong các dự án sử dụng vốn ODA tại TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Sáng 22-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức buổi giám sát, nghe báo cáo về việc quản lý, sử dụng hợp lý nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài trong lĩnh vực giao thông. Qua trao đổi cho thấy các dự án sử dụng vốn vay ODA vẫn còn chậm, kéo dài qua nhiều năm.

Các đơn vị được mời đến báo cáo tại buổi giám sát gồm: Ban quản lý đường sắt đô thị, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV Sawaco, Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng đô thị.

Các đơn vị này đang là chủ đầu tư các dự án lớn sử dụng vốn ODA như công trình metro, dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2, dự án cải thiện môi trường nước TP lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 2, dự án phát triển giao thông xanh, dự án giảm thất thoát nước, tăng cường mở rộng mạng lưới cấp nước giai đoạn 2011 - 2015.

Qua báo cáo, điểm chung của các dự án đều cho thấy khó khăn khi sử dụng vốn ODA, có thể kể đến việc phải thông qua nhiều cơ quan sở ngành, thời gian kéo dài, việc giải ngân vốn cũng lâu. Ngoài ra xung đột giữa quy định pháp luật hiện hành của nước ta và của nhà tài trợ cũng là một điểm nghẽn lớn.

Ông Huỳnh Hồng Thanh - phó Ban đô thị HĐND TP - đã có những phân tích cho thấy việc sử dụng vốn vay ODA nếu không cẩn thận thì nguy hiểm như "dao hai lưỡi", và TP sẽ phải chịu thiệt.

Theo ông Thanh, khác với các dự án đầu tư công, dự án sử dụng ODA trước khi trình cho TP phê duyệt thì phải trình cho nhà tài trợ xem xét, điều này dẫn tới thời gian kéo dài. 

"Mà dự án đi vào hoạt động chậm thì TP phải chịu lãi vay dù việc chậm không phải do chúng ta, mà do chuyên gia, nhà tài trợ.

Một dự án sử dụng vốn ODA có thể phải vay nhiều nhà tài trợ, các nhà tài trợ có thể mâu thuẫn tranh cãi về dự án. Chưa ký hợp đồng vay thì thôi, chứ đã ký rồi thì họ ngồi cãi nhau gây chậm, chúng ta lại chịu thiệt", ông Thanh ví dụ.

Ông Thanh nói thêm hai ví dụ khác mà TP phải lưu ý đó là khi triển khai dự án, nếu chậm giao mặt bằng thì nhà thầu cứ làm nhưng họ vẫn tính lãi phần chậm mặt bằng, dù mặt bằng đó chưa ảnh hưởng đến việc thi công của họ. Đầu tư công thì cứ có mặt bằng đâu thì làm đó, còn đầu tư bằng ODA thì phải giao 100% mặt bằng cho họ.

Ngoài ra việc điều chỉnh, thay đổi quy định pháp luật liên tục cũng khiến TP mất tiền. Khi thay đổi đồng nghĩa với việc phải thay đổi các biểu mẫu. Họ vẫn đồng ý thay đổi nhưng tính tiền, có những thay đổi rất nhỏ nhưng tốn hàng trăm triệu.

Ông Thanh cho rằng cần có một cơ quan quản lý, nhạc trưởng cho các dự án đặc biệt quan trọng để xử lý các vướng mắc, khó khăn.

Là đơn vị quản lý nguồn vốn ODA trước khi phân bổ cho các chủ đầu tư, ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM - nhận định việc sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2016 - 2020 còn nhiều khó khăn, trong đó có 2 điểm đáng lưu ý.

Thứ nhất, các dự án đang triển khai thực hiện đầu tư chậm tiến độ phải gia hạn thời gian thực hiện, điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Thứ hai, việc chuẩn bị đầu tư chưa đạt kết quả như dự kiến, dẫn đến nhiều dự án còn chậm trong việc phê duyệt đề xuất dự án hoặc đề xuất chủ trương đầu tư.

Về vấn đề này, bà Văn Thị Bạch Tuyết - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - nhận định các dự án ODA hoàn thành sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội của TP, nhất là khi nguồn vốn đầu tư phát triển của TP cũng hạn chế.

Do đó cần có những giải pháp để sử dụng hiệu quả nguồn lực này, không để lãng phí. Cử tri rất quan tâm đến chuyện sử dụng vốn vay của TP: hiệu quả kinh tế xã hội và phục vụ người dân, đồng thời số nợ sẽ tăng đến như thế nào trong tương lai. Việc điều chỉnh dự án nhiều lần, tăng tổng mức đầu tư, người dân cũng rất quan tâm, bày tỏ sự lo ngại.

Bà Tuyết kiến nghị Ủy ban Pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có nghiên cứu hỗ trợ cho TP.HCM và các địa phương khác trong sử dụng vốn ODA. Chỉ trong 5 năm mà có 4 nghị định điều chỉnh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chủ đầu tư.

Ngoài ra các bước, các quy trình hiện nay quá nhiều cơ quan tham mưu, nên mỗi bước mất rất nhiều thời gian.

"Số lượng dự án ODA không nhiều nhưng vốn lớn, liên quan đến nước ngoài thì quy định pháp luật rất cần chú ý đến các dự án này", bà Tuyết nói.

2 đoàn tàu metro cuối về TP.HCM đầu tháng 5

Ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - cho biết ngày 26-4, hai đoàn tàu cuối của tuyến metro 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ rời cảng tại Nhật Bản. Theo kế hoạch vào ngày 5-5, hai đoàn tàu này sẽ đến TP.HCM.

Giải ngân nguồn vốn ODA ở các dự án ở TP.HCM năm 2020 tương đối tốt Giải ngân nguồn vốn ODA ở các dự án ở TP.HCM năm 2020 tương đối tốt

TTO - UBND TP.HCM vừa báo cáo về tình hình giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong năm 2020 và kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư vận động các nguồn vốn cho một số dự án trọng điểm tiếp theo của TP.HCM


LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên