Phóng to |
Kỳ 1: “Tôi muốn những sản phẩm tuyệt vời”
Có một lần ông đã kể sơ lược về cuộc đời mình, đó là lúc ông lên phát biểu tại lễ phát bằng tốt nghiệp ở ĐH Stanford năm 2005. Steve Jobs sinh tháng 2-1955 tại San Francisco, bang California. Mẹ ông là bà Joanne Schieble, một sinh viên mới tốt nghiệp, còn cha là Abdulfattah John Jandali, một người Hồi giáo nhập cư từ Syria.
Đứa trẻ bị từ chối
Ông Jandali kể lúc bà Schieble có thai, gia đình bà cương quyết không cho bà kết hôn với một người nhập cư Syria. Do đó bà đã chuyển đến San Francisco. Một thân một mình, bà Schieble gặp rất nhiều khó khăn và quyết định sẽ đem cho đứa con còn đang trong bụng làm con nuôi. “Tôi rất muốn giữ lại con mình nhưng không thể” - ông Jandali kể. Điều kiện quan trọng nhất mà bà Schieble đặt ra là bố mẹ nuôi phải là người từng tốt nghiệp đại học. Bởi bà mong muốn sau này con mình được hưởng một chế độ giáo dục tốt nhất.
Một cặp vợ chồng là luật sư nhận nuôi đứa trẻ chưa chào đời. Nhưng khi cậu bé Steve ra đời, cặp vợ chồng này bất ngờ từ chối và nói họ chỉ muốn một đứa con gái. Và vợ chồng Paul và Clara Jobs sống ở thành phố Mountain View, bang California, cũng đang đi xin con nuôi, đã nhận được một cú điện thoại: “Chúng tôi có một cậu bé ngoài mong đợi. Ông bà có muốn không?”. Họ trả lời: “Tất nhiên là có rồi”. Nhưng mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ. Bà Schieble cương quyết từ chối nhà Jobs bởi ông Paul bỏ học ngang cấp III, còn bà Clara thì bỏ học đại học.
Ở trường học, Steven, được đặt theo tên bố nuôi - một người thợ máy, ngấp nghé ở ranh giới trở thành tội phạm. Jobs kể rằng thầy giáo lớp 4 đã giúp cậu bé Jobs tiếp tục đi học bằng cách cho cậu tiền và kẹo. “Cuộc đời tôi đáng lẽ đã kết thúc trong tù”, Jobs nói. Một người hàng xóm cuối phố có công đưa cậu tiếp cận những điều kỳ diệu của kỹ thuật điện tử khi cho Jobs bộ Healthkits (bộ dụng cụ điện tử cho những người yêu thích nghiệp dư), nó đã góp phần dạy cho Jobs về cơ chế hoạt động bên trong của các sản phẩm điện tử. Thậm chí những đồ vật phức tạp như tivi cũng không còn khó hiểu với cậu. “Những đồ vật này không còn là điều bí ẩn nữa - Jobs nói - Rõ ràng những sản phẩm này là kết quả sự sáng tạo của con người chứ không phải những điều thần kỳ.” Trích từ cuốn Steve Jobs - Thiên tài gàn dở và câu chuyện thần kỳ về quả táo của Nhà xuất bản Thời Đại |
Nhưng nhà Jobs quyết tâm xin bằng được cậu bé Steve về làm con nuôi. Và sau vài tháng, bà Schieble cuối cùng cũng gật đầu đồng ý khi hai vợ chồng Jobs cam kết chắc chắn sẽ cho Steve đi học đại học khi cậu trưởng thành. Cuộc đời của người sáng lập Tập đoàn Apple đã khởi đầu một cách đầy kịch tính như thế.
Sau đó, ông Jandali - về sau trở thành giáo sư chính trị ĐH Nevada - và bà Schieble cuối cùng cũng lấy được nhau và sinh thêm một cô con gái tên Mona. Steve Jobs không hề biết đến sự tồn tại của cô em gái. Nhưng đến năm 1962, ông Jandali và bà Schieble ly dị, bà tái hôn với một người đàn ông họ Simpson. Và em gái Steve Jobs đã lấy tên là Mona Simpson.
Mãi đến năm 1986, Steve Jobs mới gặp em gái Mona Simpson lần đầu tiên và cả hai duy trì một mối quan hệ gần gũi. Steve Jobs thường xuyên đến thăm em gái ở Manhattan, New York.
Thông qua cô, Steve Jobs tìm hiểu được nhiều điều hơn về cha mẹ ruột và đã gặp bà Schieble. Nhưng ông không bao giờ gặp cha ruột của mình. Ông Jandali kể mãi đến vài năm trước, ông mới biết được rằng con trai của mình là tổng giám đốc Tập đoàn Apple. Ông vài lần gửi thư điện tử cho Steve Jobs với hi vọng sẽ gặp lại con trai. “Tôi không gọi điện vì sợ Steve sẽ nghĩ người cha đã bỏ rơi nó giờ muốn tài sản của nó” - ông Jandali nói.
Nhưng Steve Jobs không trả lời các bức thư điện tử của cha ruột mình. Ông Jandali, giờ đã 80 tuổi, kể ông rất muốn một lần được ngồi uống cà phê với cậu con trai trước khi quá muộn. Thông tin về bệnh ung thư tuyến tụy của Steve Jobs và ca phẫu thuật thay gan đã rộ lên từ nhiều năm trước. Và họ không bao giờ được gặp nhau.
Quyết định sáng suốt
Khi còn học trung học, Steve Jobs thường xuyên có mặt trong các lớp giảng dạy ở Công ty Hewlett - Packard tại Palo Alto, California. Sau đó, ông được tuyển vào làm ở công ty này và làm quen với người bạn Steve Wozniak. Đúng như cam kết với bà Schieble, gia đình Jobs đã cho Steve đi học đại học vào năm 1972, sau khi ông tốt nghiệp trung học. Steve Jobs đã quyết định chọn Trường ĐH Reed ở Portland, Oregon. Nhưng chỉ sau sáu tháng, ông quyết định bỏ học.
“Tôi đã quá ngây thơ khi chọn một trường rất đắt đỏ và toàn bộ số tiền tiết kiệm của cha mẹ tôi phải đổ vào học phí - Steve Jobs kể - Sau sáu tháng, tôi thấy sự đầu tư đó không có giá trị. Tôi chẳng biết phải làm gì với cuộc đời mình và không hiểu việc học đại học sẽ giúp tôi như thế nào, trong khi đó lại tiêu hết số tiền mà cha mẹ (nuôi) đã dành dụm cả đời”. Do đó, ông bỏ học và hi vọng “mọi thứ sẽ ổn”. Steve Jobs tâm sự việc bỏ học “khá là đáng sợ”, nhưng hóa ra lại là một trong những quyết định sáng suốt nhất mà ông thực hiện.
Steve Jobs bỏ học nhưng không phải để đoạn tuyệt với giáo dục, mà để ngừng học những lớp mà ông không thích và “học ké” những môn mà ông thấy thú vị. Việc “học ké” không có gì là lãng mạn, như Steve Jobs thú nhận. Không còn là sinh viên, ông không được ở ký túc xá của trường. Do đó hằng đêm ông phải ngủ nhờ trên sàn nhà của bạn bè. Để có tiền mua thức ăn, ông thu lượm vỏ chai coca. Mỗi chủ nhật, ông đi bộ hơn 11km đến một ngôi đền để “ăn ké” thức ăn miễn phí. “Nhưng tôi yêu thích cuộc sống đó”.
Những kinh nghiệm mà Steve Jobs trải qua thời sinh viên đã đem lại vốn sống quý báu cho ông sau này. “Những gì tôi tình cờ khám phá khi làm theo sự tò mò và trực giác hóa ra lại là những kinh nghiệm vô giá sau này” - Steve Jobs kể. Sau khi bỏ học, ông có thời gian rảnh hơn nên đã theo học lớp thư pháp ở trường. Khi đó, môn học này chẳng có ứng dụng gì cụ thể đối với Steve Jobs. Nhưng 10 năm sau, khi ông thiết kế máy tính Macintosh đầu tiên, ông đã áp dụng những kiến thức từ môn học đó để đem lại vẻ đẹp cho các bộ chữ máy tính.
“Nếu tôi không bỏ học thì đã chẳng đi học lớp thư pháp và máy vi tính sẽ không có các bộ chữ đẹp” - Steve Jobs tự hào. Điều ông rút ra từ trải nghiệm đó là con người ta không thể sắp xếp được cuộc đời của mình cho tương lai. Điều quan trọng là cần phải có niềm tin vào trực giác của chính mình. “Cách tiếp cận đó chưa bao giờ làm tôi thất vọng và đã tạo ra mọi sự khác biệt trong cuộc đời tôi” - Steve Jobs khẳng định.
_________________
Với câu chuyện xây dựng được Apple từ con số không trở thành tập đoàn công nghệ số 1 thế giới, Steve Jobs cho thấy tính cách có thể quyết định số phận và thay đổi thế giới.
Kỳ tới: Tính cách thay đổi số phận
Hồ sơ về Steve Jobs trên Tuổi Trẻ Online |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận