15/11/2013 06:30 GMT+7

SSEAYP, những miền ký ức khó quên

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Được Chính phủ Nhật cho ra đời vào năm 1973, chương trình thường niên Tàu thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP) đã trở thành cầu nối giao lưu văn hóa giữa người trẻ trong khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản.

“Còn đối với cựu thành viên chúng tôi, đó là những trải nghiệm đẹp, ý nghĩa nhất và sẽ khó thể quên được”, Nguyễn Tuấn Nghĩa (cựu thành viên SSEAYP 2011) chia sẻ cảm xúc về SSEAYP nhân dịp tàu Nippon Maru cập bến cảng Sài Gòn ngày 14-11.

Cơ hội hoàn thiện bản thân

Hiện là chuyên viên phòng hợp tác quốc tế (ĐH KHXH&NV TP.HCM), Tuấn Nghĩa khẳng định việc tham gia SSEAYP đã hỗ trợ anh rất nhiều trong công tác chuyên môn. “Thông qua các hoạt động đa dạng trên tàu, SSEAYP luôn tìm cách hun đúc tình yêu đất nước ở mỗi thành viên và tạo điều kiện thắt chặt quan hệ, kết nối cảm xúc giữa những người trẻ quốc tế”, Nghĩa nhớ lại. Cụ thể, Nghĩa cho biết khoảng thời gian gần hai tháng đồng hành với rất nhiều hoạt động như nghiên cứu, thảo luận nhóm, biểu diễn văn nghệ và tham gia chương trình homestay (ở tại nhà dân)... đã giúp các đại biểu có cơ hội hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử quê hương cũng như các quốc gia trong khu vực.

Nhắc về SSEAYP, Nguyễn Hoàng Kim Khánh (SSEAYP 2011) vỡ òa cảm xúc: “Đó là những gì thiêng liêng, thú vị nhất nhưng không thể diễn đạt được bằng lời!”. Từ một cô bạn vô lo và tự nhận từng tìm hiểu thông tin về chương trình “chỉ vì muốn được đi du lịch khắp nơi”, Kim Khánh chẳng ngờ SSEAYP sau này trở thành một trong những “người bạn”, “người thầy” đặt dấu ấn sâu đậm nhất trong đời bạn.

Ngày trở về từ chương trình, Kim Khánh cho biết đã nhận ra rõ hơn những ưu khuyết điểm của bản thân, bạn cũng được rèn giũa các kiến thức về ngoại giao, cách thức làm việc chuyên nghiệp. “Nhờ những áp lực khi gánh trên vai hình ảnh “sứ giả” của quốc gia, theo đó tôi tự tin, trưởng thành rõ rệt và nhất là biết nhìn nhận mọi thứ khách quan hơn” - Kim Khánh nói.

Đã năm năm trôi qua nhưng những hình ảnh, hoạt động của SSEAYP vẫn chưa phai nhạt trong tâm trí bạn Vũ Phạm Minh Tuấn (SSEAYP 2008, hiện đang theo học ĐH Melbourne, Úc). “Ngoài vốn tiếng Anh được cải thiện đáng kể, chúng tôi còn được học cách lắng nghe và tranh biện thế nào là phù hợp. Đây là những điểm hạn chế phổ biến ở giới trẻ Việt”, Tuấn chia sẻ. Hiện tại Minh Tuấn vẫn thường xuyên cập nhật, tích cực quảng bá thông tin về các hoạt động của SSEAYP cũng như giữ mối quan hệ tốt với các cựu thành viên tàu. Năm 2012, Minh Tuấn cũng được chọn làm đại diện cựu thành viên VN lên tàu lần hai.

Những trải nghiệm khó quên

Có tiếng là một chương trình rất kỷ luật và tất cả đại biểu được chọn đều là lãnh đạo trẻ tiềm năng (hằng năm chỉ có 29 đại biểu/nước được chọn thông qua những kỳ thi tuyển gắt gao ở địa phương) nhưng SSEAYP cũng là một sân chơi đậm chất nghịch ngợm của người trẻ.

“Còn nhớ lần nhóm mình phải thực hiện lời chúc ngủ ngon cho cả tàu vào cuối ngày, chúng tôi đã giả giọng điều phối viên thông báo rằng tối hôm đó sẽ có “tiệc mì gói” (noodle party). Tất cả thành viên tàu sau đó đều tưởng thật và nháo nhào cầm tô chạy vòng quanh tàu để xin mì, xin nước... nhưng cuối cùng đều tẽn tò vì phát hiện bị chúng tôi lừa. Mọi người ai nấy đều cười vang và quên hết mệt mỏi sau một ngày dài với quá nhiều hoạt động. Những tưởng cả nhóm sẽ bị lãnh đạo tàu nhắc nhở nhưng chẳng ngờ họ lại... rất ủng hộ chúng tôi” - Tuấn Nghĩa nhớ lại. “Thú tiêu khiển” trên sau đó trở thành một hoạt động phổ biến ở những kỳ SSEAYP tiếp theo.

Kỷ niệm khó quên với SSEAYP đôi khi xảy ra... trước khi thành viên chính thức lên tàu. Đó là câu chuyện của bạn Bùi Nguyễn Hoàng Phương (SSEAYP 2010, binh chủng thông tin liên lạc - Quân đội nhân dân Việt Nam). “Tất cả chúng tôi đều phải trải qua các vòng thi kiến thức, năng khiếu để có được “vé” lên tàu. Và trong vòng thi năng khiếu, tôi đã chọn thi hát. Nào ngờ do nói quá nhiều trong phần thuyết trình nên tới phần thi năng khiếu thì tôi khát khô cổ. Hậu quả là tiếng hát lên cao... bỗng tắt giữa chừng! Phải nói là lúc đấy tôi chỉ muốn tìm lỗ chui xuống đất“, Hoàng Phương rùng mình nhớ lại. Khoảng thời gian vài tuần đợi chờ kết quả cuối cùng với Phương dài như cả thế kỷ. “Thế nên khi nhận được tin báo đậu tôi nhảy cẫng lên, la hét ầm ĩ cả khu ký túc xá mà quên béng điều đó có thể khiến tôi bị khiển trách, kỷ luật, bởi mấy chú chỉ huy phụ trách trong trường quân sự thường rất nghiêm” - Phương kể.

Với Kim Khánh, kỷ niệm đáng nhớ nhất với SSEAYP là lần đoàn của bạn diễn chương trình quảng bá văn hóa Việt trên tàu, bởi: “Do lúc đó tàu mới đi qua vùng biển xấu nên hầu hết thành viên đoàn VN đều bị say sóng nặng, thậm chí không ăn được trong suốt quá trình luyện tập. Mọi người không ngừng động viên nhau và đêm diễn cuối cùng cũng hoàn thành tốt đẹp, dù ngay khi ra sau sân khấu thì ai nấy đều nôn”. Theo Kim Khánh, từ những điều tưởng chừng rất bình thường như vậy nhưng các thành viên tàu đã nhích lại gần nhau hơn và hiểu rõ hơn thế nào là tinh thần làm việc nhóm thật sự.

Có những đêm không ngủ

Ngoài lịch trình hoạt động chung của cả tàu vốn rất dày đặc, các đại biểu phải tham gia những chương trình riêng theo quốc gia, vì thế mọi người hiếm có thời gian rỗi. “Thế nhưng chúng tôi vẫn có được những khoảnh khắc ngồi cùng nhau theo từng nhóm nhỏ trên boong tàu đến tận 3g sáng, chỉ để chia sẻ câu chuyện về văn hóa mỗi quốc gia, những băn khoăn trong cuộc sống hay những mơ ước trong tương lai... Thông qua các câu chuyện nhỏ đó, vòng tay của chúng tôi như siết chặt hơn và ranh giới giữa các quốc gia như không còn...” - Kim Khánh kể.

Tuy không còn được tham gia SSEAYP nhưng hầu hết cựu thành viên chương trình đều cho biết bản thân bỗng dưng trằn trọc khi biết gần đến ngày tàu cập bến cảng Sài Gòn.

“Bởi ở đó tôi nhận ra rằng dù bản thân có giỏi thì cũng chỉ là giọt nước giữa biển Đông, ngoài kia có vô số người giỏi mà mình cần học hỏi. Bởi SSEAYP giúp tôi nhận ra nếu cố gắng hết khả năng thì chúng ta sẽ bản lĩnh hơn mình từng nghĩ. Và bởi SSEAYP đã cho tôi cơ hội được một lần nhìn lại bản thân và biết cách sống hết mình với tuổi trẻ” - Hoàng Phương nói.

SSEAYP 2013: “Xin chào Việt Nam”

qaoDbxtS.jpgPhóng to
Các đại biểu tàu SSEAYP nhận nón lá và khăn rằn của các bạn trẻ Việt Nam tặng trong buổi lễ đón tàu chiều 14-11 tại cảng Sài Gòn Ảnh: Quang Định

329 đại biểu các nước ASEAN, Nhật Bản trên Tàu thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP) 2013 vừa đến TP.HCM chiều 14-11 bắt đầu cho những hoạt động trong bốn ngày tại TP.HCM.

14g30, trong tiếng quân nhạc, hàng ngàn thanh niên TP đã cầm quốc kỳ các nước ASEAN, Nhật Bản ra đón đoàn. Lần lượt đại biểu các nước Thái Lan, Singapore, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nhật Bản... xếp hàng thẳng tắp, vẫy cờ đất nước mình và hô vang: “Xin chào Việt Nam”.

Chiều cùng ngày, đại biểu Tàu thanh niên Đông Nam Á đã đến chào xã giao lãnh đạo TP, dự tiệc chiêu đãi và biểu diễn văn nghệ, giao lưu văn hóa giữa đại biểu trên tàu và thanh niên TP. Năm nay có khoảng 160 gia đình ở TP.HCM đón các thành viên tàu SSEAYP về ở cùng.

Chương trình tàu SSEAYP diễn ra từ ngày 28-10 đến 17-12 qua sáu trạm dừng chân ở các quốc gia Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines và đảo Naha (Nhật Bản). Đây là lần thứ 18 đoàn Việt Nam tham gia chương trình này.

Hôm nay 15-11, đại biểu của SSEAYP sẽ giao lưu tại tám đơn vị trên địa bàn TP, trong đó có báo Tuổi Trẻ với chủ đề “Thông tin và truyền thông”. Tàu sẽ rời cảng Sài Gòn chiều 17-11 để tiếp tục hành trình đến Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia...

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên