![]() |
Tránh ủ ấm khi trẻ sốt |
Sốt cao đã uống thuốc mà không hạ sốt: có nhiều trường hợp trẻ bị sốt cao và đã được cho uống thuốc hoặc nhét thuốc hạ sốt vào hậu môn nhưng trẻ vẫn không hạ sốt. Một số nguyên nhân cũng thường gặp:
- Trẻ chưa dùng đủ liều thuốc cần thiết: liều lượng thuốc ở trẻ em chủ yếu được cho dựa trên cân nặng. Các gia đình thường để dành thuốc hạ sốt sẵn ở nhà, đây là một việc đúng nên làm. Tuy nhiên do trẻ em lên cân nhanh, nhất là vào các tháng đầu tiên, nên khi trẻ sốt được cho uống thuốc theo liều mà bác sĩ đã cho trẻ trước đó vài tháng có thể sẽ không đủ liều và như vậy trẻ không hết sốt.
Hoặc ở các loại thuốc dạng si rô, nếu không dùng dụng cụ đong thuốc thích hợp (thường được để kèm trong hộp thuốc si rô), chỉ lường thuốc bằng muỗng cà phê thông thường có thể cũng không đủ liều.
- Uống thuốc hạ sốt và kiểm tra nhiệt độ ngay sau uống thuốc: khi trẻ bị sốt cao, tâm lý các bậc phụ huynh thường hay sốt ruột, lo lắng nhiều. Do vậy, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng gặp một số tình huống trẻ được thông báo là sốt cao đã uống thuốc mà không giảm sốt nhưng khi kiểm tra lại nhiệt độ thì trẻ có nhiệt độ bình thường hoặc không cao. Nguyên nhân là vì sau khi uống, trẻ được đo nhiệt độ liền ngay sau đó và tất nhiên là nhiệt độ sẽ cao.
Khi trẻ được mang đến bệnh viện thì thời gian trên đường đi đủ để thuốc có tác dụng nên kiểm tra nhiệt độ ở bệnh viện thì trẻ đã hạ sốt. Cần phải biết là tùy theo loại thuốc hạ sốt và sự hấp thu của riêng từng bệnh nhân mà thời gian bắt đầu có tác dụng sau khi uống sẽ khác nhau nhưng thông thường phải từ 30 phút đến 1 giờ sau khi uống và có tác dụng tốt nhất là khoảng 2 giờ sau khi uống.
- Trẻ bị ói sau khi uống thuốc: trường hợp này sẽ rất khó xác định là trẻ đã uống đủ liều chưa vì không thể xác định được trẻ có ói ra thuốc hay không. Thông thường, nếu trẻ bị ói trong vòng 30 phút sau uống thuốc thì tùy theo đánh giá của phụ huynh, trẻ có thể được cho uống lại toàn bộ liều hoặc một phần của liều thuốc vừa được uống. Nếu trẻ bị ói sau khi uống thuốc hơn 30 phút, lúc đó trẻ không cần phải uống lại liều thuốc vừa uống.
- Thực tế thì vẫn có những trường hợp trẻ bị sốt cao mà dùng thuốc hạ sốt nhưng không có tác dụng rõ ràng. Những trường hợp này, nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Co giật do sốt hay thường được gọi là sốt cao co giật là tình trạng co giật kéo dài vài phút khi trẻ sốt. Khi trẻ bị co giật do sốt, trẻ có tình trạng co giật toàn thân với các dấu hiệu như mắt trợn ngược, sùi bọt mép và lúc đó lay gọi trẻ hoàn toàn không biết gì. Sau cơn co giật, trẻ thường tỉnh táo hoàn toàn.
Trên thực tế, phần lớn các trường hợp trẻ co giật do sốt thường là sốt cao, tuy nhiên vẫn có một số ít các trường hợp trẻ không sốt cao nhưng vẫn bị co giật. Thống kê cho thấy có khoảng 3 đến 4% các trẻ bị sốt có tình trạng co giật do sốt. Tuổi thường gặp là trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi và thường gặp ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái.
Lý do vì sao trẻ bị co giật khi sốt vẫn chưa được biết một cách rõ ràng, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng bộ não của trẻ 6 tuổi có đầy đủ các khả năng như một bộ não của người trưởng thành và do đó, lời giải thích lý do trẻ bị co giật do sốt là do não của trẻ chưa trưởng thành nên có những phản ứng đáp ứng không kiểm soát được gây nên tình trạng co giật. Co giật do sốt thường không gây ảnh hưởng gì cho trẻ trừ khi trẻ bị co giật liên tục nhiều lần, trẻ có thể bị thiếu oxy não và có thể bị tổn thương hệ thần kinh.
Thông thường trong 3 trẻ bị co giật do sốt chỉ có 1 trẻ bị tái phát trong vòng một năm sau lần bị đầu tiên. Và ngay cả những trẻ bị tái phát co giật do sốt vẫn phát triển bình thường khi trưởng thành.
Lạnh run khi sốt là một hiện tượng hay gặp khi trẻ sốt cao. Trẻ bị sốt nhưng tay chân tím tái và toàn thân run rất nhiều. Rất nhiều phu huynh có thể lầm với tình trạng này với tình trạng co giật do sốt. Tuy nhiên, điểm khác biệt rất dễ nhận thấy là trẻ bị lạnh run không có dấu hiệu trợn mắt và sùi bọt mép. Chính vì trẻ bị lạnh run khi sốt nên trẻ thường được người thân ủ ấm bằng nhiều lớp vải và càng làm cho trẻ bị sốt và run nhiều hơn. Ở một số tình huống, người nhà còn phản kháng lại khi được nhân viên y tế hướng dẫn là cởi quần áo trẻ ra và lau trẻ bằng nước ấm vì sợ trẻ bị lạnh thêm.
Tuy vậy, một trẻ đang sốt vẫn có thể bị co giật hoặc lạnh run do các nguyên nhân nguy hiểm khác như viêm não, viêm màng não … do vậy, các bậc phu huynh nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận