30/12/2019 11:09 GMT+7

Sống trong ngôi nhà hoa xứ Huế 'như thấy cuộc đời sang trang'

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Cô gái trẻ 9X nhiều năm làm bạn cùng người câm điếc, xương thủy tinh. Hành trình này giúp cô tìm đến miền hạnh phúc không chỉ cho riêng mình.

Sống trong ngôi nhà hoa xứ Huế như thấy cuộc đời sang trang - Ảnh 1.

Nhàn (trái) làm hoa cùng bạn câm điếc ở nhà hoa - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Đó là câu chuyện về sự tử tế trong một ngôi nhà đầy hoa, chủ nhân là Lê Thị Thanh Nhàn (26 tuổi, ngụ TP Huế).

“Nhìn thấy Linh, thấy Thảo, thấy mọi người vui cười giúp tôi tin rằng việc làm ấy đã giúp tôi tìm được đến cái gọi là miền hạnh phúc. Hơn tất cả, hạnh phúc là sẻ chia.

LÊ THỊ THANH NHÀN

Hạnh phúc là sẻ chia

Ngôi nhà hoa (Lavin Home) nằm sâu trong con hẻm số 35/69 Lê Ngô Cát, TP Huế. Khi ngày xuân đang đến nơi cố đô, ngôi nhà hoa trở nên đẹp lạ thường. Không gian mở với những đóa hoa giấy lẫn xen trong vườn cây xanh, tiếng chim trời ríu rít là những gì mà Nhàn xây dựng nên, lấy lòng cả những người khó tính nhất. 

Thanh Nhàn kết thúc bốn năm giảng đường với tấm bằng tốt nghiệp đại học hạng ưu ngành ngôn ngữ Anh (Trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học Huế). Đảm nhiệm vị trí quản lý tại một công ty phát triển sản phẩm du lịch ở Huế lúc bấy giờ là công việc đáng mơ ước của những ai vừa mới ra trường, trong đó có cô.

Vừa làm tại công ty, những buổi học làm hoa trên các trang mạng xã hội là cách cô xua áp lực giữa bộn bề. Cũng từ những đóa hoa, Nhàn bắt đầu kết thân với những người bạn mà trước đó cô chưa từng một lần gặp mặt. Đó là những cô gái mắc căn bệnh xương thủy tinh, hoặc bị câm, bị điếc. Một ngôi nhà hoa được dựng nên với sự sẻ chia nhen nhóm trong Nhàn.

Chính giữa những bận rộn đã khiến Nhàn trăn trở. Cô tự đấu tranh vật lộn với câu hỏi "mình cần tiền để sống hay là sống để gieo nên sự tử tế?". Vượt qua những khoảnh khắc vô định, những áp lực của công việc, của sự phản đối kịch liệt từ những người thân yêu nhất, Nhàn quyết định: nghỉ việc ở công ty. Cô chọn một cuộc sống không như cái tên của mình, một lối đi riêng mà ở đó cô tin tưởng hoàn toàn vào sự sẻ chia.

Sống trong ngôi nhà hoa xứ Huế như thấy cuộc đời sang trang - Ảnh 3.

Cuốn sách, tách trà và những đóa hoa giấy lại trở thành sở thích của nhiều bạn trẻ tại TP Huế khi đến đây - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Tin vào điều tử tế

Nếu cuộc nói chuyện giữa những người câm điếc luôn rộn rã trong tươi vui thì sự xuất hiện của Nhàn lập tức biến không khí ấy trở nên im lặng. Trước Nhàn, những người câm điếc lại rụt rè, ngại mở lời dù chỉ là những cử chỉ, ký hiệu. Rào cản về ngôn ngữ là thứ tưởng chừng như đánh sập giấc mơ về ngôi nhà hoa khi cô bắt tay thực hiện. 

Nhàn đã chọn một lối đi để tiếp cận, rồi hòa đồng với những người câm điếc: hơn một tháng buộc mình trở thành một người câm điếc. Cô giao tiếp bằng cử chỉ, ký hiệu với mọi người xung quanh. Cuốn sổ, cây bút là vật bất ly thân với Nhàn suốt thời gian này. Cô bị bố mẹ la mắng, bạn bè cười cợt bảo bị điên… nhưng rồi cũng mặc kệ.

"Tôi rất vui bởi chính nhờ một tháng trời làm "người điên" ấy đã giúp tôi gần gũi hơn với những người câm điếc. Tuyệt vời hơn là những người bạn này đã chịu mở lòng với chúng tôi. Và giờ đây, tôi và họ đã tin tưởng hoàn toàn vào sự tử tế của nhau" - Nhàn nói.

Sau hơn 1 năm thành lập, hiện nay ngôi nhà hoa đang là nơi sinh hoạt của Nhàn, mẹ của mình là bà Nguyễn Thị Lộc (53 tuổi) cùng 6 bạn trẻ câm điếc, xương thủy tinh. Tùy vào khả năng, những bạn làm việc tại đây sẽ được hưởng mức lương cơ bản khoảng 3 triệu đồng/tháng. Ngoài 3 bạn câm điếc làm việc thường xuyên tại nhà hoa. Số hoa do những bạn xương thủy tinh làm được sẽ do Nhàn đến tận nhà thu gom đều đặn 2 lần mỗi tháng.

Cái tên Lavin Home được Nhàn giải thích rằng nó chính là nơi chứa đựng những ước mơ mà cô cùng mọi người muốn gửi gắm. "La - một nốt nhạc tạo nên sự vừa phải trong một bản nhạc và cũng là mong muốn tạo nên một lối sống vừa đủ trong căn nhà này. Từ La còn là Lavender - hoa oải hương. Chúng tạo nên sự đồng điệu khi Lavender là một loài hoa khó trồng nhưng nếu được trồng ở môi trường thích hợp, nó sẽ sống rất bền bỉ và tươi đẹp. 

Cũng như những bạn kém may mắn ở đây, sinh ra với một thân hình không lành lặn nên sẽ rất khó khăn. Hi vọng ngôi nhà hoa sẽ là môi trường tốt giúp những bạn này trở thành những đóa hoa giữa đời, luôn khoe sắc, tươi vui và thuần khiết" - Nhàn chia sẻ.

Theo Nhàn, tùy theo tính cách mỗi bạn nơi đây để cô có thể phân chia công việc tương ứng với một số loại hoa riêng biệt. Nếu như My là cô gái luôn tỏ ra vui vẻ, hay cười thì bạn này sẽ chuyên làm hoa hướng dương bởi hoa này tượng trưng cho sự lạc quan, yêu đời. Còn Thảo là cô gái luôn tạo cho mọi người cảm giác ấm cúng, bình yên khi ở cạnh thì bạn này sẽ tập trung làm đóa nghệ tây bởi loài hoa này tượng trưng cho sự hạnh phúc. 

Mỗi bông hoa giấy sau khi hoàn thành sẽ được bán với giá từ 12.000 đồng đến trên dưới 100.000 đồng. Nhiều chậu hoa lớn có giá đến vài triệu đồng.

Với những dòng tâm sự được viết ra giấy, Trà My (24 tuổi, một trong ba bạn câm điếc đang làm việc tại đây), chia sẻ: "Từ khi được làm việc tại đây, tôi thấy cuộc đời mình như sang trang. Nó có phần vui vẻ hơn, đáng sống hơn và đặc biệt là tôi có thể tự kiếm tiền trang trải cuộc sống, không còn là gánh nặng của bố mẹ".

Tài khoản niềm tin

Việc từng phải nhường chỗ ngủ của mình cho khách trước mong muốn được tá túc và sống thử cuộc sống ở ngôi nhà hoa, tầng trên căn nhà đã được Nhàn tự tay thiết kế lại thành một homestay mở. Khách hàng nhìn thấy sự tử tế trong không gian này.

Trước khi bắt tay vào học làm hoa, những ai khi đến đây đều được Nhàn giới thiệu cơ bản về cách giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Việc này nhằm tạo nên sự hòa đồng nhất có thể giữa những người câm điếc và chính vị khách đó. Một không gian trà tự phục vụ cũng thực sự thu hút nhiều vị khách trẻ.

"Bạn có thể không mất tiền cho thức uống hôm nay nếu bạn cảm thấy không vui, bởi đã có những người đến trước gửi trả giúp bạn. Nếu thực sự hài lòng, bạn chỉ cần trao tặng, chia sẻ cho người đến sau với một mức nào đó bạn muốn. Tài khoản niềm tin là nơi đón nhận sự sẻ chia và không có sự mua bán ở đây" - đó là thông điệp mà Nhàn gửi đến cho khách.

10 câu chuyện sống đẹp dậy sóng cộng đồng năm 2019 10 câu chuyện sống đẹp dậy sóng cộng đồng năm 2019

TTO - Cậu học sinh nhảy xuống sông cứu người hay anh nhân viên vệ sinh trả lại hàng nghìn đô cho khách... là những người dù chật vật mưu sinh vẫn cần mẫn gieo hạt mầm tử tế cho đời...

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên