23/04/2006 10:05 GMT+7

Sống trong... bụi ximăng

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TTCT - Bụi đóng trên mái nhà thành từng lớp dày, bụi bay vào bữa ăn, nước uống. Đặc biệt, từ tháng mười (âm lịch) trở đi cả thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) chìm trong bụi và bụi.

mh3YtMGp.jpgPhóng to
TTCT - Bụi đóng trên mái nhà thành từng lớp dày, bụi bay vào bữa ăn, nước uống. Đặc biệt, từ tháng mười (âm lịch) trở đi cả thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) chìm trong bụi và bụi.

Thị trấn Kiên Lương đang vào mùa khô, nắng nóng. Gió biển nóng trộn lẫn với bụi ximăng của những nhà máy đang hoạt động ầm ĩ khiến không khí ngột ngạt đến khó thở. Trời xế trưa, toàn bộ dãy nhà mặt tiền ấp Lò Bom, ấp Tám Thước và những ấp lân cận khu vực Nhà máy ximăng Hà Tiên II đều có bạt che chắn. Nhiều hộ dân đang dùng vòi xịt nước ra sân, rửa nhà lau nền, có hộ đóng cửa kín mít để ăn cơm.

Cơm... chan bụi

2100A6BJ.jpgPhóng to
Công nhân bốc xếp là bộ phận dễ nhiễm bệnh - theo khuyến cáo của các bác sĩ

Hai vợ chồng anh Đào Kiên vừa lau nhà vừa cho biết mỗi ngày phải lau ít nhất năm lần nếu không bụi sẽ đóng thành lớp trên nền nhà. “Mùa này còn đỡ chứ mùa gió bấc và gió chướng (thời điểm ba tháng cận tết) bụi mù mịt cả khu vực.

Hai bữa cơm trưa và chiều dù đóng cửa trước, cửa sau vẫn cứ cơm chan bụi vì bụi theo các lỗ thông gió tràn vào. Bụi khủng khiếp lắm, ra đường tầm nhìn khoảng năm mét là mờ cả mắt” - anh Kiên vừa nói vừa bức xúc chỉ vào cái ống khói đang “ngang trời cuồn cuộn tỏa” của Nhà máy ximăng Hà Tiên II.

Anh bảo: “Nguyên nhân là do nó đấy, đêm cũng như ngày nó thải khói bụi mù mịt trời đất. Chúng tôi quá khổ sở vì ở gần nhà máy, trực tiếp hít phải bụi quanh năm, lại thêm tiếng mìn nổ ì đùng ngày đêm không ngớt”. Nhà chị Phạm Thị Thanh phía đối diện trang bị hai lớp cửa để chống bụi. Hàng chục hộ xung quanh căng bạt, giăng mùng.

Riêng các quán cà phê, quán ăn thì đành chịu trận cùng... bụi. Chị H. - chủ quán phở, ấp Tám Thước - than thở: “Bán quán đâu có thể che bạt, giăng mùng hay đóng cửa được vì khách ai mà vào. Mở cửa bán thì kể như đón bụi vào quán, những hôm gió lớn để bảo vệ khách ăn uống phải phun nước liên tục, quạt trong nhà mở hết công suất.

Vậy mà cũng không ngăn được bụi, có hôm bụi mù mịt chẳng ai dám vào ăn”. Các quán cà phê nằm trong “vùng phủ sóng” của bụi ximăng cũng chung số phận. Nhiều thanh niên cho biết: uống cà phê ở đây không thể nhâm nhi như chỗ khác được, phải “đánh nhanh rút gọn” nếu không muốn uống cà phê bụi.

Nằm trong vùng phủ... bụi ximăng còn có học sinh của Trường tiểu học và Trường PTCS Kiên Lương. Hai trường học này nằm cách Nhà máy ximăng Hà Tiên II chỉ độ 100m. Thầy T. - giáo viên Trường tiểu học Kiên Lương - nói: “Học sinh lớp 1 ở đây khi nhập học thì bài học đầu tiên mà chúng tôi truyền đạt cho các em là học cách chống bụi, sống chung với bụi”.

Người dân khổ sở là vậy, còn công nhân trực tiếp làm việc trong các nhà máy ximăng thì sao? Bác Nguyễn Minh T. - công nhân làm trong khâu bốc xếp của một nhà máy ximăng hơn 20 năm - cho biết viêm mũi, viêm họng và nhiều căn bệnh khác của anh em công nhân là chuyện... bình thường.

“Trực tiếp với bụi ximăng độc hại mà không bệnh mới là chuyện lạ. Tháng rồi tôi bị viêm họng cả tháng trời nói không ra tiếng, đi bác sĩ điều trị hết tiền triệu mà cũng không khỏi được. Bác sĩ bảo bệnh viêm mũi và viêm họng của tôi đã thành mãn tính, chỉ còn cách sống với nó chứ không chữa dứt được”.

Còn anh Nguyễn Văn H. - công nhân Nhà máy ximăng Hà Tiên II - cho biết thêm anh em công nhân làm trong khâu bốc xếp và đóng bao là khổ nhất, nhiều khi tan ca xong là toàn thân phủ bụi chẳng khác nào tôm lăn bột!

Những dòng kênh và khu bờ biển gần thị trấn cũng bị ô nhiễm trầm trọng vì bụi và chất thải của cụm nhà máy sản xuất ximăng, như báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang: “... Làm tăng nồng độ chất rắn lơ lửng trong nước mặt ở khu vực lân cận, gây acid hóa đất và nước trong vùng nếu mưa chảy tràn. Làm mất thảm thực vật tại các vùng khai thác dẫn tới làm mất khả năng giữ nước bổ sung cho nguồn nước ngầm.

Gây xói lở, tạo các ao, hồ, gây mất mỹ quan vốn có trong khu vực”. Các hộ dân cho biết nước mưa ở đây không thể dùng được. Mỗi đợt mưa lớn là cả thị trấn đầy những dòng nước đen chảy tràn ra các kênh, hồ khiến người dân chẳng ai dám tắm dưới kênh. Việc nuôi trồng gần khu vực các nhà máy kể như là “bó tay.com”.

Sẽ có những làng bệnh phổi...

YjakHNPj.jpgPhóng to
Ống khói Nhà máy ximăng Hà Tiên II ngày đêm thải khói mịt mù

Toàn tỉnh Kiên Giang có năm nhà máy ximăng thì đều nằm trên địa bàn huyện Kiên Lương, ngoài ra còn có hàng chục lò vôi thủ công. Không gian phủ bụi ximăng của cụm công nghiệp sản xuất ximăng ảnh hưởng trực tiếp tới bốn xã và một thị trấn của huyện Kiên Lương.

Theo đánh giá trong báo cáo môi trường năm 2005 của UBND tỉnh Kiên Giang thì trong năm nhà máy ximăng đang hoạt động, chỉ có Nhà máy ximăng Holcim có hệ thống xử lý chất thải tương đối đạt tiêu chuẩn. Còn ở các nhà máy khác hệ thống xử lý chất thải là chưa đạt.

Một số nhà máy quá cũ, các hệ thống lò vôi, trạm nghiền đá, nhà máy nhỏ chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đã góp phần gây ô nhiễm cho vùng dân cư xung quanh. Hai nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất là nhà máy ximăng của Công ty cổ phần Ximăng 82 nghìn tấn và Nhà máy ximăng Hà Tiên II. Trong đó Nhà máy ximăng Hà Tiên II đã “được” Bộ Tài nguyên - môi trường xếp vào “danh sách đen” những nhà máy gây ô nhiễm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Thành Huệ - giám đốc Nhà máy ximăng Hà Tiên II - cho biết: “Nhà máy chúng tôi đang hoạt động với hai dây chuyền sản xuất có từ năm 1964 và 1971. Hai dây chuyền này quá cũ nên hệ thống xử lý chất thải, khí thải hoạt động không hiệu quả. Vì vậy môi trường khí thải do nhà máy thải ra không đạt được như mong muốn”. Tình trạng của nhiều nhà máy khác trong vùng cũng không khá hơn so với Nhà máy ximăng Hà Tiên II.

Theo anh Nguyễn Văn Thanh - phó Phòng y tế huyện Kiên Lương, gần 60.000 người dân đang trực tiếp hít phải bụi ximăng, 1/3 số dân trên chịu đựng tiếng ồn của mìn phá đá và xe tải chở đá. Theo kết quả đánh giá không thường xuyên của Phòng y tế huyện Kiên Lương, có tới 30% tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi trong huyện bị nhiễm bệnh viêm phổi và viêm hô hấp cấp nhẹ. Tỉ lệ này đang có chiều hướng tăng.

Thống kê năm 2005 của Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường tỉnh Kiên Giang cho thấy hầu như công nhân đều nhiễm các bệnh như viêm phổi, giảm thị lực, thính lực, viêm tai mũi họng, răng hàm mặt, bệnh về da... với tỉ lệ cao. Đặc biệt có hàng chục công nhân được xếp loại sức khỏe yếu, mang những căn bệnh trầm trọng: lao phổi, viêm họng mãn tính và điếc nghề nghiệp.

“Nếu các nhà máy không có biện pháp hạn chế mức độ ô nhiễm thì ở huyện Kiên Lương sẽ hình thành nên những “làng bệnh phổi” trong nay mai. Lo lắng cho tình trạng này nhiều lần chúng tôi kiến nghị với cấp trên, khuyến cáo tới các nhà máy nhưng mọi việc vẫn chưa có cách giải quyết hợp lý” - anh Thanh nói.

Nhiều năm qua, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh vẫn chưa có một báo cáo quan trắc môi trường nào về cụm công nghiệp sản xuất ximăng huyện Kiên Lương. Chỉ có những báo cáo sơ sài hằng năm của UBND tỉnh và một báo cáo quan trắc môi trường do chính Nhà máy ximăng Hà Tiên II tự thuê người làm. Tình trạng thả nổi này có nguy cơ hình thành những “làng bệnh phổi” ở huyện Kiên Lương.

Trao đổi với phóng viên TTCT xung quanh tình trạng ô nhiễm môi trường ở Khu công nghiệp Kiên Lương, ông Lê Hữu Hùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - nói: “Đúng là mức độ ô nhiễm đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân khu vực thị trấn Kiên Lương.

Người dân kêu, nhiều lần HĐND tỉnh cũng đặt vấn đề, lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng rất bức xúc và đã yêu cầu các nhà máy ximăng phải sớm có biện pháp làm giảm thiểu mức độ ô nhiễm (bụi ximăng). Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, vì thế phải thay đổi công nghệ thì mới có thể giảm thiểu mức độ ô nhiễm, trong khi để thay đổi công nghệ cần một nguồn vốn lớn.

Để đảm bảo sức khỏe cho công nhân lao động và người dân, tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp phải tổ chức khám bệnh định kỳ cho công nhân. Còn đối với người dân, trước mắt tỉnh sẽ chỉ đạo địa phương tạo điều kiện cho người dân khám bệnh, điều trị kịp thời”.

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên