Máy xử lý nước của Nhật đang hoạt động trên sông - Ảnh: V. TUÂN
Hoàng Lâm, bạn tôi gần 30 năm chạy xe ôm ở Hà Nội. Cứ cất xe là Lâm lại la cà quán xá bình dân dọc sông Tô Lịch. Hai bờ từ dốc Bưởi đến Ngã tư Sở không nhiều quán nhưng chủ chấp nhận bán rẻ hơn mà đồ vẫn "chất", vì con sông có mùi chẳng lấy làm dễ chịu chút nào cho khách!
Sau 3 tuần áp dụng công nghệ Nhật sông Tô Lịch giảm mùi hôi
"Bẩn như nước sông Tô"
Người Hà Nội chẳng ai lạ câu "Bẩn như nước sông Tô". Dòng thời gian đã làm phố thị đông dần. Con sông thơ mộng bậc nhất kinh thành xưa thành mương nước thải khổng lồ. Người ta ví von nước đen đặc quánh và nặng mùi như nhựa đường pha trứng ung!
Hoàng Lâm kể có trưa ế khách, ngồi đầu cầu Cống Mọc, anh ném tàn thuốc lá xuống sông. Không ngờ mặt sông bắt lửa cháy phừng phực như ma trơi. Chuyện này nhiều người cũng không lạ, nhưng có vẻ đang dần đổi thay.
"Đấy, thấy đẹp chưa? Nước chảy hiền hòa, hoa phượng nở, đường uốn quanh - Hoàng Lâm kể thêm - Mấy năm trước, có vị tuyên bố sẽ làm sông Tô Lịch đẹp như sông Thames nước Anh. Ối, cha mẹ ơi! Mình đọc báo suýt sặc! Làm gì có chuyện ngược đời thế chứ?
Tô Lịch chắc chỉ xưa mới là sông. Chứ mấy chục năm nay nó là cái mương nước thải đen thối không hơn không kém!".
Thế mà giờ sông Tô khác thật. Người ta nạo vét bùn rác, rồi kè bờ, trồng cây xanh, làm bè thủy sinh... Năm ngoái, TP còn làm cả một đường đi bộ bên bờ sông. Người đi vẫn bịt khẩu trang nhưng quang cảnh thì đã đẹp hơn hẳn.
Gần đây, đoạn đầu nguồn Tô Lịch người ta lại mang máy đến dìm xuống, làm sạch sông bằng công nghệ Bioreactor của Nhật. Theo đúng lời đơn vị thi công thì công nghệ này là "Nhà máy xử lý nước thải dưới lòng sông, hồ".
Ngay chỗ sông Tô Lịch gặp sông Thiên Phù (nay đường Nguyễn Đình Hoàn) là khu vực thí điểm. Con đê chắn rác chỉ ngăn được rác rưởi. Còn nước đen vẫn òng ọc chảy vào.
Một đoạn sông 300m được chọn thử nghiệm. Nhà thầu mang đến 4 chiếc máy, thả tõm xuống sông. Cắm dây điện, đặt camera giám sát, vây lưới chắn rác rồi cho máy chạy.
Dưới dòng nước đen, bọt sủi như chiên cá. Dân trước đây bịt khẩu trang cũng không tập thể dục ở đoạn sông này, nay có thể đi bộ, đạp xe.
Đoạn sông bớt hẳn mùi thối. Nước đen chuyển dần sang nhờ nhờ trong, bùn giảm, lại có cá bơi. Phạm Ngọc Quang, "cần thủ" ở quận Đống Đa, ra câu chơi. Anh "giật" được con trê to bằng bắp tay.
Quang nói cá ở đây chủ yếu trôi từ hồ Tây về. Hồ có hai cửa thông với sông Tô Lịch, cá theo đó trôi xuống. "Ngày trước cá hồ Tây dạt xuống là chết phơi bụng, nhưng giờ cá lại đớp mồi là chuyện hiếm thấy ở Tô Lịch" - Quang kể.
Đã lâu lắm, người Hà Nội mới thấy sông Tô Lịch có cá. Đó là hai trận ngập lịch sử vào năm 2008 và 2016. Mưa lớn, các kênh không thoát kịp, nước tràn khắp phố. Tô Lịch cũng đầy nước, cá bơi tung tăng. Nước cạn, sông lại "vũ như cẩn" (vẫn như cũ), cá chết phơi bụng...
Nước sạch cho sông Tô Lịch
Nước thải sinh hoạt vẫn đổ vào sông - Ảnh: V.TUẤN
Ông Bùi Ngọc Uyên - đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - nói về lâu dài, Tô Lịch phải được cấp nước sạch và không còn nước cống. Hiện TP đang có đề án thu nước cống dọc hai bờ sông về xử lý ở Nhà máy xử lý nước Yên Xá (Hà Đông).
Đồng thời sẽ xây dựng trạm bơm chìm để cấp nước sông Hồng cho hồ Tây. Rồi xử lý ô nhiễm hồ Tây để lấy phần nước chảy vào sông Tô Lịch.
Hoài nhớ sông xưa
Ngược dòng lịch sử, Tô Lịch rất thơ mộng. Nó vốn là con sông kỳ lạ nhất miền Bắc. Một phân lưu của sông Hồng mà cửa sông là khu Hà Khẩu - nay là phố Chợ Gạo giao với phố Trần Nhật Duật.
Sông chảy qua chợ Đồng Xuân, Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, Chả Cá rồi ngược lên Hàng Lược, Phan Đình Phùng, chảy về Thụy Khuê và nhập với sông Thiên Phù ở khu Nghĩa Đô xuôi về Hà Đông.
Tô Lịch vừa là nơi giao thương hàng hóa của kẻ chợ đất kinh kỳ xưa vừa là chiến hào bảo vệ thành Thăng Long. Thời Bắc thuộc, Cao Biền được nhà Đường phong An Nam tiết độ sứ (khoảng từ năm 841 đến 873).
Giỏi phong thủy, Biền thấy con sông này của thành Đại La có nước chảy ngược (các sông miền Bắc đều chảy hướng tây bắc - đông nam, riêng Tô Lịch chảy ngược theo hướng tây bắc).
Đất này sẽ có phản kháng, nên ông ta lập đàn trấn yểm. Nhưng rồi chính Cao Biền bị nhà Đường giết vì tội phản nghịch.
Đến thời Pháp thuộc, sông Tô Lịch bị lấp để quy hoạch phố phường. Vì thế đoạn thượng nguồn từ Chợ Gạo đến Quán Thánh không còn. Dấu tích chỉ là mương nước đen ngòm chảy giữa hai phố Hoàng Hoa Thám và Thụy Khuê.
Ông Nguyễn Trường ở phố Nguyễn Đình Hoàn, năm nay đã ngoài 80 là chứng nhân phong trào nạo vét dòng Tô Lịch những năm 1970.
Ông kể bờ sông xưa thoải ra chứ không dốc như bờ kè bây giờ. Hai bên là đồng ruộng, sát mép sông là bè rau muống.
Nhà ông Trường xưa ở làng Đoài Môn, nay nằm trên đường Bưởi bên bờ sông. Sau lần nạo vét, nhà ông chuyển sang làng An Phú, nay là phố Nguyễn Đình Hoàn. Rồi đô thị hóa dần, Tô Lịch không có nước sạch chảy vào mà chỉ toàn nước cống.
Nhiều năm trước, khi ông Trường mới nghỉ hưu, nghe cán bộ nói đã xây dựng đề án thu hết nước cống xử lý cho sạch mới xả xuống sông.
"Nhưng chắc tốn kém quá nên chưa làm được" - ông Trường băn khoăn. Hơn 300m sông Tô Lịch đã được công nghệ mới của Nhật "hà hơi thổi ngạt". Nhưng về lâu dài và áp dụng cho cả con sông thì sao? Người Hà Nội đang mong đợi giải pháp căn cơ.
Bạn tôi - Hoàng Lâm ấp ủ mở quán cà phê "view" đẹp ở phố Nguyễn Đình Hoàn bên bờ Tô Lịch. "Hết mùi hôi, nước trong, sông sẽ đẹp. Lúc ấy, hai bờ sẽ thành phố dịch vụ. Người ta sẽ muốn uống cà phê, ngắm sông Tô Lịch như sông Thames ở nước Anh" - Lâm hi vọng.
Ờ thì cứ mong ngày mai sông lại xanh...
Chuyên gia Nhật tự tin
Nơi thí nghiệm công nghệ Nhật xử lý ô nhiễm nước - Ảnh: VŨ TUẤN
Trong khi một số chuyên gia VN băn khoăn khả năng công nghệ Nhật có thể xử lý căn cơ được sông Tô Lịch ô nhiễm, đại diện Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) vẫn khẳng định khả thi. Họ cho biết công nghệ Nano - Bioreactor có thể xử lý hơn 1,3 triệu m3/ngày, gấp nhiều lần lượng nước thải đổ vào Tô Lịch.
Công nghệ này khuếch tán nano, giải phóng oxy, xử lý bùn thải, kích thích các vi sinh vật phát triển và giúp môi trường nước trong lành hơn...
Thực tế nhiều năm qua, Hà Nội đã cố gắng cải tạo cảnh quan đôi bờ, chặn thu rác rưởi sông Tô Lịch, nhưng vẫn chưa thể cải thiện hiệu quả được ô nhiễm nước.
Q.M.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận