28/10/2010 07:05 GMT+7

Sống sót sau thảm họa

VŨ THỦY - LAN PHƯƠNG tổng hợp
VŨ THỦY - LAN PHƯƠNG tổng hợp

TT - Những vụ tai nạn kinh hoàng và vài người may mắn sống sót như một phép mầu trong thảm họa. Sau tai nạn, họ vượt qua nỗi ám ảnh như thế nào?

Kỳ 1: Phép lạ Bahia

Chiếc Airbus 310 chở 153 hành khách đã lao xuống biển trong đêm. Bahia Bakari, 12 tuổi, hầu như không biết bơi nhưng trở thành người sống sót duy nhất khi bám vào một mảnh vỡ thân máy bay suốt 13 giờ.

EvURVwSz.jpgPhóng to

Định mệnh

Bahia non nớt nghĩ mình đã rớt khỏi máy bay một mình khi tì trán quá mạnh vào ô cửa sổ mà không cài dây an toàn. Có lẽ mẹ vẫn đang an toàn trên máy bay và đang phát điên vì lo lắng cho cô, những ý nghĩ ấy vụt qua đầu Bahia vào lúc cô rơi ra khỏi máy bay. Cho đến tận khi được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng sốc nặng, Bahia vẫn đinh ninh như vậy.

Một ngày trước đó, Bahia cùng mẹ, bà Aziza Aboudou, lên một chiếc Airbus 330 ở Paris đi nghỉ hè, nhưng tại trạm dừng ở Marseilles hai mẹ con chuyển sang chiếc máy bay Airbus 310 của Hãng Yemenia và tiếp tục chuyến bay tới Moroni, thủ đô của Comoros. Cả hai không biết rằng chiếc máy bay cũ kỹ đã bị cấm hoạt động ở Pháp. Bahia nhớ lại: “Chiếc máy bay có mùi của nhà vệ sinh” và có cả ruồi.

Ký ức hãi hùng về chuyến bay vẫn còn hằn sâu trong tâm trí Bahia. Khi tới gần Moroni, chiếc máy bay bắt đầu rung bần bật, nét mặt các tiếp viên tỏ ra khá căng thẳng. Đèn ở khoang lái chớp tắt liên tục và chiếc máy bay có vẻ chao đảo. Lúc đó Bahia áp trán sát vào cửa sổ cạnh chỗ ngồi, tìm kiếm ánh đèn từ Moroni. Bỗng nhiên một cái gì đó giống như dòng điện chạy qua người cô bé. “Tôi muốn gọi mẹ nhưng cơ thể tôi bị kéo giãn hết cỡ, như muốn nổ tung”. Rồi một tiếng nổ lớn đinh tai nhức óc. Những gì cô biết sau đó là cô đang ở trong nước, ho sặc sụa và thở hổn hển.

Zu3GTRuF.jpgPhóng to
Trong cuốn hồi ký của mình, Bahia Bakari kể về những giờ vật lộn giữa biển khơi - Ảnh: Patrick Kovarik, AFP/ Getty Images

Phép nhiệm mầu

“Chỉ có màn đêm đen kịt, nhưng tôi đã nhìn thấy bốn mảnh trăng trắng đang dập dềnh không xa chỗ tôi. Tôi cố gắng hết sức bơi về phía mảnh lớn nhất”. Bahia cố gắng trèo lên mảnh vỡ nhưng miếng kim loại cứ bị nhấn chìm khi cô đè lên. Cuối cùng cô cũng yên vị với tư thế vắt người qua mảnh vỡ, hai chân chơi vơi trong làn nước.

Giữa biển đêm mịt mùng, cô bé nghe thấy tiếng phụ nữ kêu khóc cầu cứu và cố gắng di chuyển về phía họ để không phải ở một mình, nhưng cánh tay cô đau nhói khi cố gắng khỏa tay bơi. Cô bé căng mắt cố nhìn xung quanh nhưng không thể thấy gì. Những tiếng kêu lịm dần. Cô bé kể lại với cha mình, ông Kassim Bakari, trong lần đầu tiên nói chuyện điện thoại với ông sau tai nạn: “Con nghe tiếng người nói nhưng không thể nhìn thấy ai. Con ở trong bóng tối và không thấy gì hết. Cha ơi, con không thể bơi. Con đã bám chặt vào một cái gì đó mà con không biết”.

Và khi mặt trời lên, Bahia nhận ra cô đang ở trong một vùng dầu loang khổng lồ chỉ có một mình. Cô buồn ngủ nhưng không biết bằng cách nào đó đã giữ cho mình không bị những con sóng cuốn đi dù không có áo phao.

Nghe tiếng máy bay ngang trên đầu, Bahia tin rằng đội cứu hộ sẽ đến. Khi trồi lên trên một ngọn sóng, thoáng thấy những ngọn đồi xanh ở tít chân trời, Bahia thấp thỏm hi vọng. Nhưng sau một lúc cô bé nhận ra mình đang bị những con sóng kéo xa khỏi vùng chân trời ấy. Cô bắt đầu lo sợ người ta sẽ không bao giờ tìm thấy mình giữa nơi mênh mông này. Sức lực bắt đầu cạn kiệt và suy nghĩ của Bahia trở lên lộn xộn.

Thế là hết, Bahia hầu như từ bỏ hi vọng. Nhưng đúng lúc đó cô bé nhìn thấy một con thuyền đang rẽ sóng tiến về phía mình. Cô cố gắng hét to, không biết rằng có khoảng một tá thuyền đang tìm kiếm người sống sót trên biển. Libouna Matrafi, một ngư dân đứng trong một chiếc thuyền nhỏ, đã vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy một cô bé đang đu bám trên một mảnh vỡ máy bay.

Bahia bỏ miếng bè của cô, cố gắng bơi về phía những người cứu hộ và không ngừng bị dìm xuống những đợt sóng. Matrafi ngay lập tức nhảy xuống biển, bơi về phía cô bé. Anh kịp kéo cô vào vòng tay của mình trước khi cô bé lại bị những cơn sóng quét đi. Và họ đã bơi khoảng 100m trước khi con thuyền quay trở lại đón. Ngày hôm đó biển động mạnh nên phải mất vài giờ đội cứu hộ mới tới được nơi chiếc máy bay rơi.

Bahia đã phải vật lộn trong sóng dữ suốt từ 1g30 sáng đến tận 15g chiều. Lúc được đưa lên thuyền Bahia đã quá yếu, được cho uống nước đường ấm và quấn trong một chiếc chăn. Alain Joyandet, bộ trưởng hợp tác quốc tế của Pháp, đã hộ tống Bahia trở lại Paris trong chiếc Falcon hai ngày sau tai nạn. Ông miêu tả sự sống sót của Bahia là “một cuộc đấu tranh sống sót cực kỳ phi thường. Giống như một phép mầu có thật. Cô bé đã chứng tỏ một sức mạnh khó tin”.

Con muốn gặp mẹ

Vì không muốn Bahia phải lo lắng, một nhân viên cứu hộ đã nói với cô bé rằng “mẹ em đang được đưa lên một chiếc thuyền khác”. Trong bệnh viện, các bác sĩ chăm sóc cho Bahia phát hiện cô bé chỉ bị vài vết cắt, vài vết bầm tím và vài vết bỏng ở chân, xương đòn và xương chậu bị gãy không nghiêm trọng. Cô bé đã mong gặp mẹ ngay lúc ấy. Một nữ bác sĩ tâm lý được đưa đến gặp Bahia. Bác sĩ cho biết sẽ rất bình thường khi Bahia cảm thấy mặc cảm vì mình đã sống sót. Bahia lặp lại mong muốn được gặp mẹ. “Cháu biết đấy - bác sĩ trả lời - Cô không nghĩ họ đã tìm thấy mẹ cháu. Họ chỉ tìm thấy một mình cháu”.

Sự thật bắt đầu hé rạng. “Từng từ nói ra đã làm tôi đau đớn, đau hơn cả lúc máy bay rơi, hơn cả sự chờ đợi khủng khiếp trong đêm lạnh giá chỉ có một mình giữa đại dương mênh mông - Bahia viết những dòng ám ảnh - Tôi sửng sốt khi biết mình sẽ không bao giờ nhìn thấy mẹ nữa và bắt đầu hiểu ra một sự thật tồi tệ: tôi không phải người duy nhất rơi ra khỏi máy bay. Tất cả hành khách, phi công, phi hành đoàn đều rơi khỏi máy bay. Mẹ cũng rơi khỏi máy bay giống như tôi, mà có lẽ ngay bên cạnh tôi”.

Một năm đã trôi qua kể từ khi tai nạn xảy ra, Bahia đã rời xa sự chú ý của công chúng để trở lại cuộc sống bình thường giống như bao nữ sinh khác tại Corbeil-Essonnes, ngoại ô Paris. Cô bé sống cùng cha và những người họ hàng khác. Trong cuốn hồi ký của mình, Bahia viết một trong những thử thách tồi tệ nhất của cô là đã tin rằng mẹ vẫn còn sống để rồi nghe người ta nói mẹ đã chết, chỉ mình cô sống sót. “Không ai có thể thấu được nỗi đau mà tôi đã trải qua...” - cô nói.

____________________

Ngày 28-3-2009, bốn người bạn giong buồm ra biển cho một ngày đi câu ở vùng duyên hải Florida với một thùng bia ướp lạnh và bánh mì. Ba ngày sau chỉ một người trở về...

Kỳ tới: Mặc cảm sống sót

VŨ THỦY - LAN PHƯƠNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên