29/11/2013 20:40 GMT+7

Sống mòn: càng trốn tránh, đời càng mòn hơn

Huyền NT
Huyền NT

TTO - Chủ đề sống mòn, sống làng nhàng vẫn đang thu hút sự chia sẻ của nhiều bạn đọc. Cần chọn thái độ nào khi đối diện với sự thật đang sống mòn: buông xuôi hay quyết liệt tranh đấu với chính bản thân?

Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc theo dõi tâm sự của bạn Hoàng Trân - sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM - và một số ý kiến khác.

OU0dGZJG.jpgPhóng to
"Tôi không cho phép bản thân sống mòn" - Ảnh chỉ mang tính minh họa: từ blogspot

Tôi không cho phép bản thân sống mòn

“Trong vòng xoáy của cuộc đời, mỗi người luôn phải đối diện với vô vàn khó khăn, lúc ấy niềm tin và sự lạc quan chính là chìa khóa giúp bạn vươn lên trong cuộc sống”. Một sự bắt gặp tình cờ nhưng gần bốn năm qua, chính câu nói ấy là động lực để tôi có thể vững bước qua những nghiệt ngã của cuộc đời mình và có được hôm nay.

Thật đáng thương

Gửi cháu khanh...@... trong câu chuyện Tôi trẻ, học giỏi nhưng... sống mòn, đang nghĩ đến cái chết.

Cháu bằng tuổi con gái đầu của chú, chú rất thông cảm với cháu.Tuy nhiên suy nghĩ quá tiêu cực như cháu thật đáng trách.

Cháu đừng há miệng chờ sung, hãy cứ vững bước tiến lên, hòa mình với mọi người, mang niềm vui đến mọi người, vứt bỏ tính tự ti, mặc cảm để sống tốt hơn.

Rất nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc. Con chú cũng ra trường gần một năm mới tìm được việc. Có nhiều bạn trẻ phải giấu tấm bằng đại học mới xin được công việc lao động phổ thông.

Tôi đang là sinh viên năm cuối Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Nhớ ngày ấy, khi bước chân vào một trong những trường đại học danh tiếng ở khu vực phía Nam với số điểm khá cao, tôi mang theo rất nhiều ước mơ. Nhưng cuộc đời có bao giờ như ta mong muốn.

Biến cố đến với gia đình tôi chỉ trong một năm, hai người ông tôi thương yêu, kính trọng lần lượt ra đi, kinh tế gia đình suy sụp hoàn toàn. Mẹ và anh rể tôi mắc bệnh, phải cần số tiền rất lớn để chữa trị, anh trai tôi là niềm tự hào lớn nhất của gia tộc đang học đại học bỗng nhiên sa ngã. Gia đình tôi lụn bại hoàn toàn và không còn khả năng lo cho tôi học đại học.

Lúc ấy cứ ngỡ mình cũng cuốn theo vòng xoáy của nỗi đau mà buông xuôi. Những ngày tháng đó tôi sống thật vô nghĩa, ngoài giờ lên lớp tôi thường ngồi tự kỷ và khóc một mình vì mặc cảm với số phận hay nói đúng hơn tôi không dám đối diện sự thật.

Rồi lần về thăm nhà đầu tiên, nhìn gương mặt hốc hác, làn da sạm nắng của ba vì mỗi ngày phải lặn lội trên đồng để kiếm tiền lo tiền thuốc cho mẹ, đóng “lãi nóng”, để lo cho tôi ăn học; chứng kiến cơn đau cột sống mà mẹ phải chịu đựng từng giờ từng ngày, tôi mới nhận ra mấy tháng qua mình thật vô dụng, yếu đuối.

Trở lại thành phố, tôi lao đầu vào học và tìm hết việc làm thêm này đến việc làm thêm khác, từ làm gia sư; đánh máy, nhập số liệu; làm việc ở các siêu thị, công ty quảng cáo… để kiếm tiền tự trang trải cho việc học mà không phải là gánh nặng cho ba mẹ. Dù thời gian làm thêm rất bận rộn nhưng tôi cũng tranh thủ đến thư viện để bổ sung kiến thức chuyên ngành và vốn ngoại ngữ.

Từ một “cô tiểu thư” gia đình khá giả, được cưng chiều từ nhỏ mà giờ đây tôi phải tự mình lo lắng trăm bề cho cuộc sống. Chỉ trong thời gian ngắn, tôi sút 4kg, sức khỏe giảm nhiều vì đủ chuyện: làm việc gặp khách hàng khó tính, công việc làm thêm để có tiền nhiều đủ sức tự lo cho mình cũng khá kén với chuyên ngành xã hội của tôi, rồi thời gian làm và thời gian học như thế nào cho hợp lý,… Những ngày đầu thật khó khăn…Nhưng bù lại tôi thấy mình sống thật ý nghĩa và hơn hết đã không để mình buông trôi theo số phận.

Dù cuộc sống vất vả như vậy nhưng tôi chưa bao giờ thôi không nghĩ về ước mơ được đứng trên giảng đường truyền lại kiến thức cho thế hệ đi sau và chưa bao giờ ngừng nỗ lực để chiến đấu với cuộc sống khó khăn để mang niềm tin hi vọng một ngày rồi bão tố cũng đi qua, ba mẹ sẽ được sống cuộc đời bình lặng. Chính tình yêu dành cho gia đình nhỏ bé của mình và lý tưởng sống của bản thân mà gần bốn năm qua, tôi luôn nỗ lực hết mình và không bao giờ cho phép mình gục ngã trước những khó khăn trong cuộc sống.

Thành tựu mà tôi có được sau những nỗ lực đó là suốt 6 học kỳ vừa qua, tôi đã được nhận 5 suất học bổng khuyến khích học tập của trường, 2 suất học bổng của Nhật, 6 suất trợ cấp dành cho sinh viên cử nhân tài năng.

Và giờ đây tôi đang cố gắng hoàn thành chứng chỉ ngoại ngữ để gần một năm nữa thôi, ước mơ được tuyển thẳng cao học của tôi sẽ thành hiện thực. Không chỉ thành tích học tập mà khi được trải nghiệm với những thử thách trong cuộc sống, tôi thấy mình trưởng thành nhiều hơn, có được nhiều kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc sau những ngày tháng làm thêm vất vả.

Hơn hết, những gì mà tôi có được gần 4 năm qua đã khiến ba mẹ tự hào về tôi hơn, trở thành một động lực để ba tôi hướng đến hi vọng một ngày mai tươi sáng, để mẹ tôi mạnh mẽ chịu đựng từng cơn đau bệnh tât.

Chỉ còn nửa năm nữa tôi sẽ tốt nghiệp đại học. Có thể tương lai tôi không xin được một việc thật tốt với mức lương thật cao để có tiền chữa bệnh cho mẹ, nhưng tôi tin rằng với sự mạnh mẽ, dám sống và dám đối diện với cuộc sống tôi sẽ có công việc ổn định và có thể thực hiện được ước mơ của mình.

Con đòi chết vì sống mòn, cha mẹ sống với ai?

Từng có thời gian tôi đi học về là trốn ở trong căn phòng một mình tự nghiên cứu mọi thứ về khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa. Gia đình tôi sống ở một vùng quê rất nghèo nàn, nguồn lao động chính là làm ruộng nhưng cũng theo tùy năm làm không được mùa nên một số gia đình có con gái chưa đủ 18 tuổi mà vẫn kêu con mình nghỉ học đi lên Sài Gòn xin vào các công ty làm công nhân. Bởi lẽ đó tôi nghĩ rằng mình là người con An Giang phải sống làm sao cho mọi người biết đến mình, nên tôi quyết định sau này học thật giỏi để có nghề nghiệp ổn định và được giúp đỡ mọi người thoát nghèo.

Với các bạn trẻ đang chán nản vì thấy mình sống mòn vì thất nghiệp, thậm chí đang nghĩ đến cái chết. Tôi nghĩ trước hết các bạn nên nghĩ lúc học là học cho bản thân để thoát khỏi cái nghèo, vượt lên khó khăn. Nhưng bây giờ bạn đã tốt nghiệp đại học rồi thì bạn nên tìm việc làm là tốt nhất, sau đó bạn sẽ tìm được người để tâm sự với bản thân mình.

Thứ hai, cần chấn chỉnh ngay suy nghĩ muốn chết. Cha mẹ của bạn sinh ra và cho ăn học tới giờ này thì đòi chết là sao? Bạn có nghĩ cha mẹ của bạn sống ra sao hả? Tôi cũng suy nghĩ như bạn giờ đó nên đã tự đặt ra nhiều câu hỏi tự nghiên cứu và trả lời cho nó mới được đó. Vì vậy tôi đã quyết định sẽ lo học hành đàng hoàng không để mọi người bận tâm vì mình nữa.

Người trẻ nên có nhận thức đúng đắn về cuộc sống, mình sống là phục sự cho quê hương, cho đất nước, cho Tổ quốc. Còn có kiến thức vừa tốt nghiệp ra trường thì phải làm sao giúp mọi người cùng nhau làm ăn để vượt lên cái nghèo đó bạn ơi!

Sống cả một đời hèn nhát, dựa dẫm, mỏi mòn?

Chào bạn khanh...@... trong tâm sự Tôi trẻ, học giỏi nhưng... sống mòn, đang nghĩ đến cái chết. Tôi không biết có ai thấy thương cảm hay thông cảm cho bạn không nhưng bản thân tôi thì thấy tức giận.

Theo tôi, thực tế bạn không phải không biết vấn đề của mình. Bạn biết. Và cũng bạn cũng biết cách thay đổi, chỉ là bạn không đủ mong muốn, không đủ quyết tâm.

Chắc chắn bạn biết rằng bạn tự ti, thiếu ý chí, không kiên định, hay nản lòng, quá dựa dẫm. Bốn năm đi học ở Sài Gòn sao bạn không thấy xô bồ, đến khi phải tự mình bươn chải mới thấy, mới bỏ chạy? Vì bạn luôn ăn sẵn, luôn dựa dẫm, đến khi không còn có thể dựa dẫm được nữa thì gục ngã, bỏ chạy một cách hèn nhát, về nhà núp bóng cha mẹ. Bạn biết mình cần phải tự lập, không nên dựa dẫm nhưng bạn đã quen rồi, lại không muốn thay đổi, làm sao mà tự đứng trên đôi chân của mình đây. Bạn có bao giờ nghĩ rằng bạn không - được, không được chứ không chỉ là không - nên, dựa dẫm vào người khác (cha mẹ, bạn bè) không? Đã gọi là "tự" tin thì phải được nuôi dưỡng từ chính bên trong bạn chứ.

Tôi tốt nghiệp hai năm rồi, kiến thức bây giờ tự thấy còn rơi rớt tệ hại hơn lúc vừa vào đại học. Tôi vẫn sống cùng cha mẹ, lương tháng ba cọc ba đồng, cũng chẳng biết son phấn trang điểm, quần áo thời gian là gì. Thế mà tôi vẫn tự tin. Tôi cũng đang đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Hay nói đúng hơn là đang tạo nên cho mình một cuộc sống có ý nghĩa. Để biết đâu khi đến cuối đời, tôi có thể biết được ý nghĩa sự tồn tại của mình là gì. Ngay từ năm nhất đại học, tôi đã sợ hãi cuộc sống sau khi tốt nghiệp.

Tôi sợ đi làm, sợ gặp phải đồng nghiệp ngon ngọt trước mặt, đâm lén sau lưng. Tôi càng sợ hơn mình có thể sẽ trở thành người như vậy. Bởi vì điểm yếu của tôi là cả tin, thương người, dễ bị lợi dụng, nhưng lại bốc đồng, nóng nảy, sống cảm tính. Nhưng tôi cũng biết rằng mình còn nhiều những điểm mạnh khác nên cuối cùng tôi vẫn tự tin vào đời, ra khỏi vòng bảo bọc của cha mẹ, trường lớp, bạn bè. Bởi vì tôi học được cách tin vào chính mình, rằng tôi sẽ vẫn là tôi dù thế nào đi nữa. Và tôi sẽ sống tốt dù không phải theo cách người khác nghĩ hay cách cha mẹ mong đợi.

Người ta chỉ có thể tin vào chính mình khi biết rõ điểm mạnh yếu của bản thân, biết mình có thể và không thể làm gì, biết mình muốn làm gì, muốn trở thành người thế nào. Bạn muốn mình mãi tự tin, yếu đuối, nhút nhát, dựa dẫm và hèn nhát như thế này sao?

Bạn có từng hay đang rơi vào hoàn cảnh "sống mòn", "sống làng nhàng"? Bạn có đang mắc kẹt trong việc không xác định được những động lực để phấn đấu?

Hãy chia sẻ ý kiến của bạn cùng TTO qua địa chỉ tinhyeuloisong@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay bên dưới. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Sống làng nhàng, lười tự học là nguyên nhân thất bạiTôi trẻ, học giỏi nhưng... sống mòn, đang nghĩ đến cái chếtSống làng nhàng, tôi đã hoang phí một thời sinh viênTương lai của sống mòn là chết trong hối tiếc"Sống mòn": "Tôi thả mặc hay tự nhấc chân lên?"Cứ trăn trở vì sống mòn!Gửi bạn trẻ có ý định... tự tử

Huyền NT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên