29/08/2008 07:55 GMT+7

Sóng Gió Thương Trường và Phiên chợ số: Ai "chế tác" của ai?

VIỆT QUÊ
VIỆT QUÊ

TT - “Một mối thù hận giữa hai gia đình, trong suốt 30 năm”- đó là điểm giống nhau dễ thấy nhất giữa hai kịch bản phim Sóng gió thương trường (FPT-HTV) nói về marketing và Phiên chợ số (VietBooks-TFS) nói về thị trường chứng khoán.

lgdU5a3H.jpgPhóng to

Cảnh trong phim Sóng gió thương trường - Ảnh: CTV

Nghe đọc nội dung toàn bài:
<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Dù vậy, điểm giống nhau ấy chẳng nói lên điều gì nếu như không có thêm những tình tiết…

Sóng gió thương trường được "chế tác" từ Phiên chợ số?

"Có quá nhiều điểm giống nhau”

Đó là ý kiến của bà Ngô Hoàng Giang (vốn là nhà báo, biên kịch), người đại diện cho VietBooks, đồng thời cũng là người phác thảo ý tưởng, biên tập nội dung kịch bản Phiên chợ số từ đầu đến cuối.

Để chứng minh, bà Ngô Hoàng Giang đưa ra một văn bản, trong đó nêu rõ những điểm giống nhau cơ bản về cốt truyện, tính cách nhân vật chính, bối cảnh và tình tiết. Ngoài điểm giống về cốt truyện, theo phân tích của bà Ngô Hoàng Giang, nổi bật nhất là các nhân vật y hệt nhau về tính cách, ví dụ: “Lê Sơn (Phiên chợ số - PCS) là doanh nhân thành đạt, có trách nhiệm với gia đình. Lê Sơn hiếu thảo và rất thương em Lê Thanh, luôn quan tâm và trợ giúp lúc khó khăn...; còn Gia Phước (Sóng gió thương trường - SGTT) cũng là một doanh nhân thành đạt, là niềm hãnh diện của gia đình và cũng rất thương em. Còn nhiều cặp nhân vật có tính cách rất giống nhau khác nữa, như ông Thưởng, bà Sương (PCS) và ông Nguyễn Gia, bà Nhã Phượng (SGTT); Lê Thanh (PCS) và Gia An (SGTT)...

Bà Ngô Hoàng Giang cũng đưa ra những nhận xét về sự giống nhau ở bối cảnh, đồng thời nhấn mạnh những chỗ trùng hợp về tình tiết với khá nhiều ví dụ. “Nếu so sánh thêm nhiều khía cạnh khác của 30 tập kịch bản SGTT thì không thể nói khác là được viết từ kịch bản PCS” - đó là ý kiến của bà Ngô Hoàng Giang. Nhà văn Nguyễn Thu Phương cũng đưa ra một văn bản nhận xét tương tự, rồi nói thêm: “Tôi không muốn gây xìcăngđan, nhưng trắng đen thế nào cần phải được làm rõ bởi việc “đạo” ý tưởng kịch bản ở VN không chỉ xảy ra lần đầu tiên”.

“Khi viết Sóng gió thương trường, chúng tôi chưa từng biết có Phiên chợ số trên đời”

Đó là phát biểu của biên kịch Nguyễn Vũ - đồng tác giả kịch bản SGTT. Trước khi gặp Nguyễn Vũ, chúng tôi đã liên lạc với đạo diễn Trần Cảnh Đôn với mong muốn tìm hiểu sự việc, tuy nhiên đạo diễn đã từ chối với lý do: “Tôi chỉ là người được mời làm đạo diễn, còn về kịch bản nên hỏi biên kịch”(!). Theo Nguyễn Vũ cho biết, anh là biên kịch của FPT Media, nhưng khi tham gia kịch bản phim SGTT (tên ban đầu là Marketing) thì anh làm việc với biên kịch Quách Thùy Nhung và nhân viên của Thằng Mõ Communication (đạo diễn Trần Cảnh Đôn làm giám đốc). Ý tưởng làm phim về marketing là của Trần Cảnh Đôn, biên kịch Quách Thùy Nhung triển khai đề cương.

Nguyễn Vũ đưa ra những bằng chứng (giấy tờ, thư điện tử) rằng kịch bản SGTT được viết từ trước PCS. Cụ thể SGTT (hay nói đúng hơn là kịch bản Marketing) được phác thảo kịch bản văn học vào ngày 20-4-2007, sau đó hoàn thành 30 tập kịch bản vào ngày 18-6-2007. đến ngày 30-9-2007 thì Trần Cảnh Đôn ký thỏa thuận kịch bản Marketing là tài sản của Quách Thùy Nhung và Nguyễn Vũ, trước khi bán cho FPT Media.

Đầu năm 2008 Nguyễn Vũ mới tiếp cận kịch bản PCS (do đạo diễn Trần Cảnh Đôn nhờ sửa chữa, nhưng TFS không chấp nhận). Trong khi đó tiến độ viết kịch bản PCS được ghi lại là: “Ngày 26-4-2007 VietBooks ký hợp tác với TFS tại sàn giao dịch bản quyền lần I; ngày 4-5-2007 VietBooks ký hợp đồng với tác giả Nguyễn Thu Phương; tháng 7-2007 tác giả nộp lý lịch nhân vật và đề cương chi tiết từng tập; ngày 11-8-2007 tác giả nộp năm tập đầu; ngày 2-2-2008 tác giả nộp tập cuối cùng”.

"Chỉ là sự giống nhau về môtip”?!

Chúng tôi đã đọc 30 tập kịch bản Sgtt và 30 tập kịch bản Pcs. Điều chúng tôi ghi nhận là hai kịch bản có giống nhau về cốt truyện, tính cách nhân vật, tình tiết câu chuyện cũng như cài đặt đường dây logic; ngay cả những cuộc tình tay ba trong hai kịch bản cũng có cấu trúc khá giống nhau.Trở lại trao đổi với biên kịch Nguyễn Vũ, chúng tôi đặt câu hỏi: “Là người tiếp cận trọn vẹn 30 tập PCS (theo yêu cầu của đạo diễn Trần Cảnh Đôn), nhưng tại sao khi phát hiện sự giống nhau anh không lên tiếng?”, biên kịch Nguyễn Vũ trả lời: “Thật tình tôi không thấy chuyện giống nhau giữa hai kịch bản vì tuy cùng sử dụng môtip là một cuộc trả thù vì tình, nhưng cách giải quyết của hai bộ phim hoàn toàn đi theo hai hướng khác nhau”(!).

Việc hai kịch bản này giống nhau ở mức độ nào, ai “chế tác” của ai có lẽ phải nhờ cơ quan chuyên môn về thẩm định bản quyền can thiệp. Riêng chi tiết giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 2654/2007/QTG mà VietBooks phát hiện là không phải cấp cho kịch bản SGTT, chúng tôi đã kiểm tra trang web Cục Bản quyền tác giả (www.cov.gov.vn) thì thấy số chứng nhận này được cấp cho tác phẩm Những cuộc tình trắng đen, tác giả Lưu Thanh Nguyệt, chủ sở hữu là Công ty TNHH Truyền thông giải trí FPT chi nhánh TP.HCM).

VIỆT QUÊ

VIỆT QUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên