Những ngày qua, phim điện ảnh Công tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng đang nhận nhiều ý kiến trái chiều khi làm người xem hiểu sai lệch về lịch sử.
Theo số liệu của The Box Office Vietnam, Công tử Bạc Liêu đang đứng thứ ba phòng vé, thu 34,4 tỉ đồng sau 2 tuần ra rạp.
Nhà sản xuất làm truyền thông rất rầm rộ và tiết lộ đầu tư khủng về bối cảnh lẫn trang phục, nhưng lại không thể cứu nổi doanh thu.
Hiện tại, bài viết Tôi từ chối lời tri ân sau khi xem phim Công tử Bạc Liêu trên Tuổi Trẻ Online ngày 19-12 đang nhận nhiều sự quan tâm lẫn thảo luận lớn từ phía độc giả.
'Xin hãy trả lại danh dự cho công tử Bạc Liêu'
Bình luận dưới bài báo, độc giả Lê Tiên Sinh viết: Là một khán giả bình thường, sau khi xem phim, tôi cảm nhận rằng phần thoại vẫn mang nặng tính "thoại", không sát với đời sống và thiếu đi sự chân thực đặc trưng của Nam Bộ.
Trailer Công tử Bạc Liêu
Dù không thể phủ nhận Thành Lộc là diễn viên gạo cội, nhưng có lẽ ông phù hợp với sân khấu kịch hơn. Khi xem phim, tôi vẫn cảm giác như đang theo dõi một vở kịch hơn là một tác phẩm điện ảnh.
Công tử Bạc Liêu, ai cũng biết nổi tiếng ăn chơi, nhưng việc khắc họa nhân vật theo kiểu "tưng tửng" và "cà rởn" như trong phim lại thiếu chiều sâu.
Nếu xây dựng hình tượng nhân vật chững chạc, điềm đạm nhưng vẫn có lối sống ăn chơi phóng túng, bạt mạng thì sẽ phù hợp hơn, còn xem phim kiểu như mấy nhân vật bên Mỹ Latin ấy.
Nói chung bản thân mình không đánh giá cao phim, nếu không muốn nói thẳng là chê".
Bạn Toàn Nguyễn nói: "Chính từ tiền lệ Đất rừng Phương Nam nên sau này sẽ còn nhiều thể loại phim dựa lên chính sử nhưng được hư cấu ra theo quan điểm của người viết kịch bản.
Người xem cũng vì vậy mà không phân biệt được đâu là thật, đâu là hư cấu. Đến một lúc nào đó, họ sẽ lầm tưởng cái hư cấu đó mới chính là chính sử".
Độc giả Trung Hậu đồng quan điểm: Phim này tỉnh Bạc Liêu nên đề nghị Cục Điện ảnh cấm chiếu vì làm thế hệ trẻ có góc nhìn sai lệch về con người Bạc Liêu nói chung, nhân vật có thật Trần Trinh Huy nói riêng, và làm hư hại văn hóa tồn tại hơn 100 năm qua ở xứ này".
Bạn đọc Ngọc Hân bày tỏ: "Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã đăng bài cảm nhận của nhà văn Phan Trung Nghĩa, người dành tâm huyết tìm hiểu lịch sử về cuộc đời công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy.
Ngay từ lúc xem những hình ảnh PR đoàn phim tung ra và đoạn trailer ngắn tôi thấy rõ phim hoàn toàn sai sự thật, thoại cũng sai không đúng thời điểm, bối cảnh.
Sai cả cuộc đời của công tử Bạc Liêu - một người vui vẻ, phóng khoáng, lịch lãm sang trọng, nhân hậu, thương người. Xin hãy trả lại danh dự cho công tử Bạc Liêu".
'Khán giả đừng vì vậy mà mỉa mai phim Việt'
Trái lại, có một số độc giả cho rằng Công tử Bạc Liêu chỉ là phim phục vụ mục đích giải trí, tùy thuộc vào thị hiếu của người xem.
Bạn Dũng chia sẻ: "Rất cảm ơn nhà văn Phan Trung Nghĩa đã có lời. Đây có thể xem là bài phê bình phim rất chất lượng.
Theo tôi, từ bài viết này, các nhà làm phim sẽ suy tư để làm những phim khác tốt hơn, chứ không phải buồn phiền hay lo lắng gì. Khán giả cũng đừng vì vậy mà mỉa mai phim Việt".
Độc giả Cỏ nhận định: "Điện ảnh có thể tái hiện một câu chuyện có thật, dựa trên giai thoại và thêm thắt hư cấu hoặc hoàn toàn sáng tạo ra một câu chuyện mới. Sự hay dở của một tác phẩm thường phụ thuộc vào cảm nhận cá nhân của người xem.
Nếu người xem tiếp cận bộ phim như một tác phẩm điện ảnh độc lập, không nhầm lẫn với các câu chuyện có thật ngoài đời, họ sẽ có cơ hội thưởng thức nó đúng với tinh thần mà bộ phim mang lại.
Ngược lại, nếu cứ so sánh và đặt nặng những gì đã xảy ra trong thực tế hay giai thoại lịch sử, có lẽ sự thưởng thức sẽ trở nên gượng ép và phần nào uổng phí trải nghiệm. Suy cho cùng, điều này khác nhau ở góc nhìn và cách thưởng thức của mỗi người".
Lấy cảm hứng từ giai thoại nổi tiếng về nhân vật được mệnh danh "thiên hạ đệ nhất chơi ngông", Công tử Bạc Liêu là phim hài tâm lý, tái hiện bối cảnh Nam Kỳ lục tỉnh xưa của Việt Nam.
Nhân vật chính - Ba Hơn, con trai cưng của ông Hội đồng Lịnh, chủ ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam - sau khi du học từ Pháp trở về đã sử dụng cả gia sản vào các cuộc vui tiêu khiển xa hoa, ăn chơi trác táng và từ đó được người dân gọi với cái tên "công tử Bạc Liêu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận