Ông Phan Đình Thanh (phó cục trưởng Cục Điện ảnh) nói:
- Phim Sống cùng lịch sử được đạo diễn Nguyễn Thanh Vân hoàn thành và Nhà nước đặt hàng rất rõ ràng là hướng tới dịp 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong dịp 30-4, 7-5 hay 19-5, chúng tôi khai mạc tuần phim kỷ niệm bằng bộ phim này.
Đồng thời chúng tôi cũng đã gửi bộ phim này chiếu trong thời gian một tuần ở một số tỉnh thành: Đà Nẵng, TP.HCM, Quảng Ninh, Buôn Ma Thuột...
Về mục đích chiếu trong các dịp kỷ niệm quan trọng của đất nước, bộ phim này đã hoàn thành xong sứ mệnh của nó. Ngoài ra, về phía Hãng phim Quân đội, họ cũng đặt mua khoảng 12 bản phim nhựa để chiếu trong lực lượng quân đội.
Tức là khi Nhà nước đặt hàng thì chúng tôi cũng phải có những bộ phim để chiếu phục vụ khán giả. Chưa nói về kinh phí thì bộ phim vậy là đã làm được rất nhiều việc. Chưa kể về mặt nội dung, đạo diễn sử dụng phương pháp đồng hiện để lớp thanh niên hiểu hơn về lịch sử.
Nói đi nói lại thì vẫn phải ghi công bộ phim chứ nếu không ghi công cho nó mà chỉ nói một chiều về tiêu cực thì cũng không được trọn vẹn.
* Theo thống kê của cục thì lượng người xem phim trong các đợt phim kỷ niệm như thế nào, thưa ông?
- Trong các đợt phim đó thì vé phát miễn phí. Các tỉnh thành báo cáo về ghi nhận hàng nghìn lượt người xem. Đó là chưa kể lực lượng quân đội. Tính là tính ở khía cạnh tuyên truyền đó. Chứ còn so sánh doanh số với các phim khác thì phim Nhà nước đặt hàng không thể bằng họ được.
Nhưng số lượng người xem thì tôi nghĩ rằng cũng không kém đâu, còn có phần vượt trội. Chỉ có điều hoàn toàn chiếu miễn phí nên không thể có ghi nhận trên số vé.
* Dĩ nhiên rất nên ủng hộ những bộ phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, nhưng rõ ràng việc quảng bá, phát hành của những bộ phim gắn mác Nhà nước hơi kém?
- Đúng vậy, so với nước ngoài thì mình chưa thể bằng được. Tại vì khi họ làm phim với mục đích kinh doanh thương mại thì họ PR, quảng cáo rầm rộ ngay từ đầu. Nhưng ở VN mình chưa có thói quen đó. Đúng vậy, VN chưa có một công ty chuyên nghiệp trong việc phát hành phim.
Ở VN, chỉ chủ yếu có Galaxy, BHD kết hợp được sản xuất và phát hành.
* Trong tình thế chưa có công ty phát hành chuyên nghiệp thì tại sao những bộ phim Nhà nước không thể áp dụng các phương pháp phát hành, quảng bá giống như Galaxy và BHD đã làm?
- Thứ nhất, kinh phí cho vấn đề phát hành của họ rất lớn. Những phim của Nhà nước, chi phí quảng cáo không được nhiều. Hiện giờ kinh phí cho quảng bá chỉ đủ tổ chức một buổi họp báo giới thiệu phim chứ chưa có phần riêng dành cho phát hành trong toàn bộ kinh phí đầu tư cho bộ phim.
Thế cho nên rất khó. Cái khó bây giờ mình nhìn thấy rõ ràng rồi, sẽ khắc phục dần. Bảo một lúc để làm được như các ông lớn kia thì khó lắm.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Nhiều vấn đề cần suy ngẫm
Tôi xin trình bày một số điểm để làm rõ hơn những vấn đề trong bài báo trên Tuổi Trẻ ngày 19-9. - Về số tiền 13-14 tỉ... nêu trên báo, tôi xin nói lại cho rõ, đó là số tiền trực tiếp mà đoàn làm phim sử dụng, còn một số hạng mục khác như thiết bị, vật liệu, hòa âm, dựng phim nằm trong chi phí sản xuất phim do hãng quản lý và điều hành trong số tiền còn lại của 21 tỉ. Có nghĩa là bộ phim không chỉ được hoàn thành với con số 13-14 tỉ... Và đây là cơ chế hoạt động thông lệ của các hãng phim nhà nước. - Về việc chiếu bộ phim đợt 2-9 vừa qua, sau khi bộ phim đã hoàn thành sứ mệnh chính trị, xã hội, được vinh dự tham gia Liên hoan phim VN tại Saint Malo (Pháp, tháng 8-2014) trong chương trình dành riêng cho phim Điện Biên Phủ của Pháp và Sống cùng lịch sử của VN đã nhận được phản hồi khá xúc động từ khán giả Pháp trong ngày chiếu. Với mong muốn đưa phim tới khán giả nhiều hơn nữa, hãng phim đã mạnh dạn đưa phim tới ba rạp. Tôi xin nhấn mạnh lại rằng việc đưa phim ra chỉ mang tính chất thăm dò thị trường, chứ không phải là đợt phát hành phim rộng rãi trên toàn quốc. Đây là một việc làm thử nghiệm và không thật sự chuyên nghiệp đối với một hãng phim nhà nước lâu nay chỉ chuyên sản xuất phim. Và kết quả là một vết buồn như thực trạng quý báo đã nêu. Tôi còn giữ nguyên những bài báo đăng những phản hồi xúc động của khán giả sau khi xem phim ở đợt chiếu kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, và hôm nay đây tôi cầm trên tay tờ báo Tuổi Trẻ đưa ý kiến của những người đến rạp mua vé. Nó để lại những vấn đề cần suy ngẫm sâu sắc. |
Những số báo tới, Tuổi Trẻ tiếp tục bàn về chuyện làm phim lịch sử và phát hành phim lịch sử. Mời bạn đọc đóng góp ý kiến cũng như đón đọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận