16/10/2010 05:30 GMT+7

Sông Côn - dòng sông võ học

LAN PHƯƠNG
LAN PHƯƠNG

TT - Sông Côn - “dòng sông võ học” với nhiều giai thoại cùng hình ảnh hằng đêm ven đôi bờ những nam thanh nữ tú thắp đèn say mê luyện võ, tạo nên những cao thủ vang danh trong làng võ thuật xa gần.

Kỳ 1: Bóng võ trên dòng sông xưa

Ký ức của bờ sông Côn tịch lặng đến nỗi bây giờ khi đến huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, người ta không thể tưởng tượng đã có thời những cái tên như An Vinh, An Thái là cả huyền thoại trong làng võ thuật gần xa.

ixAtDUgW.jpgPhóng to

Nhiều người già trong làng miệng móm mém vẫn còn kể: “Ngày xưa, người học võ là để bảo vệ của cải trong nhà. An Vinh, An Thái toàn người buôn giàu có nên đua nhau học võ. Hai làng ở hai bên bờ sông như hai dòng hoa văn trên bức gấm thêu lụa là của dải nước sông Côn”.

Dòng sông muôn năm cũ...

Sông Côn là dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định (dài 35km), chảy qua thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) và các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, An Nhơn và Tuy Phước (Bình Định). Trên hành trình của dòng nước đó, một dòng lịch sử hào hùng của võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định đã được bồi đắp, bắt nguồn từ những người lữ hành chọn biên ải Bình Định xưa kia làm chốn tụ hội.

Võ cổ truyền phát triển mạnh mẽ vào nửa cuối thế kỷ 15, sau khi nhà Lê mở rộng nước Đại Việt về phía Nam, trong cuộc sống những ngôi làng ven sông Côn. Người học võ để giữ nhà, giữ đất, chống thú dữ ở đất hoang. Đỉnh cao của võ cổ truyền là cuộc khởi nghĩa của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và vương triều Quang Trung của những nông dân yêu nước.

Với vị trí địa lý chảy qua nhiều huyện của tỉnh Bình Định, bờ sông Côn trở thành nơi chứng kiến và gìn giữ ký ức võ cổ truyền với nhiều làng võ nổi tiếng ven bờ sông như An Vinh, An Thái, Thuận Truyền, Cây Bông, Cảnh Hàn, Nước Mặn, Háo Lễ...

Lão võ sư Trần Dần, nhà ở phía thôn An Vinh, sát ngay bờ sông Côn nhìn qua bờ An Thái. Ông đã già hơn rất nhiều so với những ngày còn xuất hiện trong những buổi lễ khai mạc võ thuật hoặc thi đấu của tỉnh.

Ông nheo nheo mắt, kể: “Ngày trước ở thôn chỗ nào có đất trống là có chỗ tập võ. Ban ngày người ta ra đồng, tối đến thắp đèn đuốc rồi tập say mê đến khuya. Sông Côn mùa nước cạn cũng là bãi tập”. Ông nhớ lại, mỉm cười như thấy được cả một thời huy hoàng của võ cổ truyền Bình Định bên dòng sông trước cửa nhà mình.

Nhà nghiên cứu Phạm Đình Phong cũng không khỏi say mê khi nhắc đến “dòng sông võ học”: “Hai làng võ An Vinh - An Thái cũng... kình nhau ghê lắm. Không bên nào thua bên nào. Trai làng này, gái làng kia, cứ thế đua nhau học võ mà thi thố, nhiều buổi so tài diễn ra ngay bãi cát giữa lòng sông Côn mùa nước cạn”. Trong những ngày đi sưu tầm, nghiên cứu về võ cổ truyền Bình Định, ông Phạm Đình Phong bắt gặp những tưởng nhớ xa xôi và đầy sự lấp lánh đẹp đẽ như vậy.

Trong đề tài nghiên cứu khoa học “Bước đầu nghiên cứu nguồn gốc - đặc trưng võ cổ truyền Bình Định” của ông và các đồng nghiệp, cũng chính ở hai ngôi làng đối diện nhau nhìn xuống dòng sông Côn đang cạn nước mùa tháng 8 này là nơi anh em vua Quang Trung - Nguyễn Huệ gặp người thầy võ đầu tiên của mình.

Thầy giáo Trương Văn Hiến, người đầu tiên dạy võ cho vua Quang Trung, vốn là người gốc gác hoàng tộc phải di trú từ phương Bắc vào dải đất Bình Định biên ải bấy giờ. Ngôi trường vừa dạy chữ, vừa dạy võ của ông ra đời giữa thôn An Thái như một cơ duyên để đón chàng trai Nguyễn Nhạc trong buổi đi buôn trầu đưa thuyền ghé vào.

Uy danh “thầy giáo Hiến” đã khiến cả ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ quy tụ vào những ngày rèn luyện ước mơ đại cuộc tại ngôi làng nhỏ bé này.

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn sống tại TP Quy Nhơn cho rằng: “Không thể chỉ gọi đó là cuộc khởi nghĩa nông dân mà đó là thời đại của những hiệp sĩ. Ở đó những người nông dân bình thường, với khát vọng tự do, không phải cho mình mà là cho những người dân nghèo khổ xung quanh đã đứng dậy chiến đấu”. Thấp thoáng đâu đó trong những câu chuyện “hiệp sĩ” của nhà vua áo vải Quang Trung mà nhà nghiên cứu này đề cập, võ cổ truyền Bình Định đã là một trong những nhân tố rất cơ bản cho những đổi thay lịch sử bất ngờ ấy.

rhnQthHV.jpgPhóng to
Lão võ sư Trần Dần không còn khỏe như trước đây, hiện ông chỉ cố gắng tập luyện để giữ gìn sức khỏe. Con trai ông đã thay ông đứng võ đường ở thôn An Vinh - Ảnh: L.P.

...Dòng chảy võ thuật xa xăm

Tháng 8, sông Côn chưa đầy nước, bãi cát giữa lòng sông vẫn óng ánh cạnh một lạch nước nhỏ. Nhưng bây giờ hai làng An Thái, An Vinh tịch lặng. Không còn những chàng trai cô gái giăng thân mình ra bãi tập luyện và say mê những đòn thế nữa. Không khí tập luyện võ cổ truyền trong các làng vẫn còn ít nhiều sôi động, nhưng không còn như xưa.

Lão võ sư Trần Dần cũng đã nghỉ dạy võ từ lâu. Người con trai út theo nghiệp ông cũng học võ và giờ mở lớp dạy ở nhà. Anh kể: “Giờ học trò theo học chữ cả, chỉ tập võ vào mùa hè. Các em đều con nhà nghèo, mình chỉ lấy 20.000-30.000 đồng/em mỗi tháng thôi. Không ai theo nghiệp võ nữa. Ai cũng muốn con theo cái chữ đến cùng để có tương lai tốt hơn”.

Chúng tôi ghé nhà ông Bảy - Nguyễn Văn Tấn, người học trò nổi tiếng của võ sư Diệp Trường Phát - Tàu Sáu, từ Trung Quốc đến Bình Định lập nghiệp và có công dạy cả văn lẫn võ cho bà con địa phương ở làng từ xưa. Trong nhà ông Bảy treo đầy hình ảnh môn phái Bình Thái Đạo do người cháu nội Diệp Lệ Bích của ông Tàu Sáu từ Anh về mở tại An Thái. Dù thích thú theo dõi không khí võ thuật diễn ra tại làng, nhưng chính ông từ lâu không theo con đường võ nghệ nữa. Ông buôn bán ở nhà trước thay cho cái sân tập trước đây.

Ông Bảy chậm rãi kể: “Hồi xưa lúc nào tôi cũng nghĩ học võ ở chỗ sư phụ chỉ để rèn luyện thôi chứ không về làm thầy, học để rèn luyện bản thân”. Võ đường của võ sư Diệp Lệ Bích khi được đánh tiếng mở tại địa phương đã làm khao khát võ thuật trong ông như cháy lên.

Võ đường của bà Bích không thành công và phải ngừng hoạt động ngay giữa trung tâm võ thuật của huyện Tây Sơn, trong ngôi làng của những “trai An Thái - gái An Vinh”. Hiện ông Bảy lúc nào cũng gìn giữ những bức ảnh đầu tiên khi võ đường ấy được thành lập, với những môn sinh mặc đồng phục đen sôi nổi, hứa hẹn một ước mơ làm sống lại không khí võ thuật cổ truyền tại địa phương. Bây giờ, cảm giác của một dòng sông võ học cổ truyền man mác trong những ký ức rất buồn của một mùa võ thuật đã qua...

______________________

An Vinh - An Thái giờ đây không sôi nổi võ thuật như xưa. Nhưng ký ức về lễ hội Đổ Giàn nổi tiếng trong lịch sử võ thuật cổ truyền Bình Định vẫn là một trang sử không thể nào quên...

Kỳ tới: Hội “Đổ Giàn” trong miền ký ức

LAN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên