![]() |
Kinh tế Đức suy giảm khiến các "cửa hàng di động" của người Việt cũng bị ế lây |
"Hàng nghìn cửa hàng của người Việt đứng trước nguy cơ phá sản” - nội dung thông tin ngắn trên tờ điện tử Spiegel Online (ngày 24-1-2006) không làm Hòa bất ngờ. Mối bận tâm duy nhất của anh là cuộc sống tạm bợ, chui nhủi này rồi sẽ đi về đâu...
Con kiến mà leo cành đa...
Tiền sảnh của khu trung tâm thương mại Á Châu Erfurt phía đông nước Đức cao ráo, rộng rãi như càng thênh thang hơn vì vắng ngắt không một bóng người. Gian hàng đầu tiên bên phải treo la liệt quần áo che kín cả màu sơn tường.
Tôi vừa bước chậm chạp theo một người bạn Đức vừa ngó nghiêng mọi ngả tìm xem cái không khí "chợ Việt Nam". Nghe tiếng bước chân, một phụ nữ đang ngồi xổm cắm hoa vải trên lối đi hẹp nhổm lên, nhìn ra.
Một người đàn ông trong quán ăn bên cạnh cầu thang cuốn không hoạt động, bước đến sát cửa kính lặng lẽ nhìn chúng tôi. Người bạn kéo tôi vào một lối đi hẹp nhưng rất dài xẻ giữa tòa nhà. Cứ gần 10m lại có một cánh cửa nhỏ, mở ra một phòng lớn làm nơi giao hàng.
Hàng hóa bán tại đây chủ yếu là quần áo, hoa vải, đồ mỹ nghệ. Hơn 11 giờ trưa mà cả khu giao hàng vắng vẻ, không thấy bóng khách mua, chỉ có những người chủ lui cui làm sổ sách hoặc sắp xếp lại hàng hóa.
Quán ăn trên lầu sôi động hơn vì có tiếng nhạc. Khi tôi bước vào, cả năm người đàn ông đang nhậu ở cái bàn sát quầy bar và vài người bán quán đều quay hẳn ra nhìn. Sau lời chào của tôi, mỗi người một câu hỏi thăm.
Một anh tầm 40 tuổi nâng bát tiết canh đỏ ối lên: "Làm một bát không em, made in Việt Nam chính hiệu đấy". Khi biết tôi đang tìm người có tên Hòa, mọi người lại ào lên vặn vẹo, tra hỏi: "Đồng hương Hải Dương hả?".
Rồi họ chỉ tôi đi ngược lại phía cầu thang, tìm căn phòng có tấm giấy ghi "Phòng sinh hoạt thanh niên“. Đó là một hội trường lớn, có sân khấu, nơi sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng người Việt buôn bán và sinh sống trong khu vực này.
Vài người đang giúp các cháu bé thử ampli để hát karaoke. Một cháu nghe hỏi thăm chỉ vào người đàn ông ngoài 30 tuổi thu mình ngồi xổm trên ghế ở cuối phòng "chú Hòa đó".
Hòa đến Đức bằng đường dây đưa người lậu. Lúc đầu, anh sống trong trại tị nạn, khi bị bác đơn xin tị nạn, anh trốn ra sống chui. Hòa làm đủ nghề kể cả nghề xẻ thịt trong một lò mổ lậu.
Công việc nặng nhọc, cộng thêm tâm trạng nơm nớp lo bị phát hiện khiến anh căng thẳng không chịu nổi. Rời lò mổ, anh tìm được chân phụ bếp ở quán ăn Việt gần thành phố Bonn, phía Tây Đức.
Ông chủ là người ham lao động chui vì tiền công rẻ nên thuê anh cùng giấy phép lao động của người Việt khác để đối phó với kiểm tra. Anh yên ổn ở quán gần hai năm, sau cảnh sát làm dữ quá, ông chủ sợ bị phạt nên cho anh nghỉ.
Anh tìm đến thành phố Erfurt này, nơi có nhiều người Việt buôn bán, sinh sống để có đồng hương. Ở đây, anh làm đủ loại việc: bốc vác, dọn rác, phụ bàn...
Không có việc nào là bền vì tình hình buôn bán của người Việt đang trong lúc khốn đốn, các cửa hàng nhỏ, các chủ giao hàng bị phá sản hàng loạt, đội quân lao động chui dồn về đông.
Nhưng "vất vả ấy thấm gì khi so với cảm giác tủi nhục của cái kiếp sống chui” - anh nói. Quê hương, gia đình của anh bây giờ gói trọn trong khuôn viên khu giao hàng. Giấy tờ không có, tiếng không biết, đi đâu cũng sợ.
Anh kể nhiều người đàn ông có hoàn cảnh "ba không”(không quê hương, không gia đình, không biết mình là ai) như anh lại có luôn thú vui bất tận là đánh bài và cá độ bóng đá. Khi thua bạc hoặc "ế" (không có việc) lâu cũng cố gầy một bàn tụm lại để "nói tiếng Việt” với nhau. Anh cho biết những người đàn ông ăn tiết canh ở bên ngoài cũng đang nhậu... chờ việc như anh.
Trong suốt cuộc nói chuyện Hòa cứ ví mình là con kiến. "Cái cảnh sống chui giống con kiến leo cành đa. Khi bò dưới gốc thấy cây đa to thế, bóng mát thế chắc là chốn dung thân lý tưởng, kiến leo lên rồi mới hay cành nào cũng là cành cụt".
Sống dưới tên người khác
Sau nhiều giờ lang thang trong kho giao hàng Đồng Xuân, thành phố Leipzig, xế chiều tôi và Cúc, chủ một văn phòng du lịch, dịch thuật, dừng ăn phở ở Đồng Xuân quán, nằm góc sau kho hàng.
Người đàn ông tầm 40 tuổi làm phục vụ trong quán vui ra mặt khi nhìn thấy cô bạn tôi. Thế nhưng, đến tận lúc chúng tôi tính tiền, chuẩn bị đi mới chạy lại chìa bức thư trước mặt Cúc: “Em đọc giúp anh xem cái này nói gì”.
Cô bạn chỉ liếc qua nói ngay: "Lệnh trục xuất“. Rồi chả để ý đến vẻ mặt thần ra của anh ta, cô đốp luôn một tràng: "Nó ghi rõ nếu anh không về trại và đi đăng ký tự nguyện hồi hương thì gặp anh ở đâu nó bắt anh ở đấy".
Chị chủ quán đứng gần đó lên tiếng: "Nhùng nhằng mấy năm rồi. Thôi thì giờ cũng phải tính dứt khoát một đường. Tự về lúc này, sau còn có cửa quay lại". Ra khỏi quán tôi hỏi Cúc anh ta sống chui sao sở ngoại kiều biết mà gửi giấy.
Cúc giải thích đa số người nhập cảnh vào Đức trái phép đều bị bác đơn xin tị nạn, họ cho ăn ở và ít tiền tiêu vặt chờ ngày trả về nước.
Cô nói thêm: "Ông ấy (người đàn ông có lệnh trục xuất) không sống chui vì có giấy tạm dung, nhưng lại "chui” dưới tên người khác để trốn trại đi làm. Vì thế, ông ấy vẫn có danh sách, địa chỉ ở trại, lâu lâu về nhận tiền trợ cấp và thư từ".
Cũng sống dưới tên người khác nhưng N.V.V., 26 tuổi, khá may mắn. Anh nhận lệnh trục xuất từ năm 2002, dù vậy vẫn đàng hoàng sống ở thành phố Leipzig vì có sự che chở của anh trai, chủ một cửa hàng giao sỉ quần áo tại kho Đồng Xuân. Hằng ngày, V. cầm giấy tờ và bằng lái xe của anh trai ra cửa hàng làm việc. Anh không hề băn khoăn chuyện đánh mất tên của mình.
Ngoài nỗi sợ bị phát hiện, trục xuất, người sống chui ở Đức còn nỗi sợ khác là bị ốm. Không có bảo hiểm sức khỏe nên khi đau ốm họ phải cắn răng tự chi trả, thường số tiền này rất nhiều. Trong tình cảnh ấy một số người Việt đã có giấy thường trú có điều kiện kinh doanh thêm "ngành" cho thuê giấy phép lao động, cho thuê bảo hiểm y tế với chính đồng bào của mình.
Nguyên nhân đẩy họ đến cuộc sống lang bạt, vất vưởng ở xứ người là sự ảo tưởng về một nơi giàu sang, sung sướng, cũng chính lý do này khiến họ không thể quay về.
Khi ra đi họ mang theo số tiền lớn của mình và người thân, giờ trở về "không có nhiều tiền thật khó ăn, khó nói". Khi chúng tôi hỏi đến dự định cho tương lai, câu trả lời của nhiều người sống chui tại đây thường là cái thở hắt ra bất cần: "Kệ, tới đâu hay tới đó. Khi nào bị đuổi hẵng hay".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận