Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang, đến ngày 13-9, tỉnh xuất hiện một số sự cố.
Trong đó có đê tả cầu đoạn qua xã Mai Đình, Hiệp Hòa có vết nứt trên mặt đê bê tông, mở rộng thêm. Mực nước sông Cầu còn cách mặt đê khoảng 0,5m.
Bơi xuồng vào từng ngõ ngách tiếp tế các hộ dân bị ngập sâu ven sông Cầu - Video: HÀ QUÂN
Lực lượng chức năng đã lấy bạt phủ lên vết nứt để ngăn nước mưa chảy vào, cấm xe và lên phương án xử lý dứt điểm.
Ngày 13-9, mực nước sông Cầu, sông Thương vẫn trên báo động 3. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục tuần tra, canh gác bảo vệ đê và có phương án xử lý sự cố.
Ghi nhận cùng ngày của phóng viên Tuổi Trẻ Online, đường vào các thôn, xóm tại xã Mai Đình, Hiệp Hòa khó khăn.
Tại đây, dù trời đã có nắng to nhưng các khu vực ngập lụt chưa có điện, nhiều người cao tuổi ở một mình do con cháu đi làm xa. Khu vực ngập lớn, các thôn có nhiều ngõ nhỏ, số lượng ca nô, xuồng, thuyền ít nên việc tiếp tế diễn ra chậm.
Từ sáng sớm, tại trụ sở UBND xã Mai Đình (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), rất đông các nhà hảo tâm, tình nguyện viên vận chuyển, đóng gói thực phẩm, nước uống, đồ dùng thiết yếu nhằm phân phát tới những hộ dân đang bị ngập lụt do nước sông Cầu dâng cao - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo ông Hà Huy Hường - chủ tịch UBND xã Mai Đình, đây là trận lũ lịch sử, mực nước dâng cao, tuy nhiên nhân dân đoàn kết, có nhiều nhà kiên cố khi tiến hành khắc phục.
Dù vậy, công tác vận động của chính quyền có lúc bế tắc vì người dân “cố thủ” ở nhà, thuyền có mui không bơi được vào ngõ ngách, xuồng vào thì vướng dây điện.
“Hiện có khoảng 1.300 hộ với trên 5.200 người dân bị ảnh hưởng. Nơi ngập sâu nhất khoảng 5,5m. Có nhiều nơi bị chia cắt từ ngày 9-9”, chủ tịch xã Mai Đình chia sẻ.
Lực lượng công an tìm nhiều cách để tiếp cận người dân bị cô lập trong dòng nước từ sông Cầu cao 3-5m. Để chuyển đồ, một người sẽ giữ dây, một người ném đồ lên bờ, một người giữ bánh lái. Bà con sẽ đi trên các mái tôn để nhận đồ hỗ trợ - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo ông, có thời điểm nước vượt báo động 3, nhiều vùng bị chia cắt hoàn toàn, điện bị cắt để đảm bảo an toàn. Đến sáng 13-9, nước đã rút được khoảng 25cm. Thống kê sơ bộ, xã chưa có thiệt hại về người song thiệt hại tài sản rất lớn, chưa thể kiểm đếm.
“Đêm qua (12-9), 1h sáng, huyện Hiệp Hòa và xã Mai Đình huy động lực lượng chức năng cho đắp 300m đoạn đê trên địa bàn để đảm bảo an toàn thân đê. Nguy cơ vỡ đê hiện chưa có”, ông Hường nói.
Sắp tới, xã Mai Đình sẽ có phương án hỗ trợ bà con trên địa bàn để khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
“Thay mặt lãnh đạo địa phương, tôi cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của các đoàn công tác, đoàn hỗ trợ với phương tiện, nhu yếu phẩm…”, ông bày tỏ.
Nhiều bà con phải đi thuyền trong dòng nước đục ngầu. Lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra tình hình bà con và ứng cứu người dân khi cần thiết nhưng rất khó khăn do nước vẫn cao, số dân bị ảnh hưởng lớn - Ảnh: HÀ QUÂN
Anh Đặng Văn Tuân (trú thôn Mai Thượng) cho biết nước sông Cầu dâng cao gần một tuần nay khiến mọi sinh hoạt của gia đình anh và các hộ dân khác đều đảo lộn.
"Hôm nay là ngày thứ năm bị ngập nhà cửa, nước sát trần nhà. Máy móc, đồ gỗ bị ngập sâu khiến thiệt hại rất lớn. Tôi mong chính quyền và các mạnh thường quân hỗ trợ thêm đồ ăn liền, nước uống, thuốc diệt trùng để bà con khắc phục dần sau mưa bão”, anh Tuân bày tỏ.
Không phải mì tôm, bánh ăn liền, nước sạch, thuốc diệt trùng mới là thứ bà con vùng lũ cần nhất lúc này. Thuyền, xuồng là phương tiện quen thuộc nhất của bà con xã Mai Đình, Hiệp Hòa, Bắc Giang những ngày này sau mưa lũ - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến chiều 13-9, nước sông Cầu tại Đáp Cầu ở mức 7,52m, trên báo động 3 là 1,22m.
Dự báo trong 12 giờ tới, nước sông Cầu tại Đáp Cầu sẽ giảm xuống song vẫn trên báo động 3.
Trung tâm cảnh báo các vùng trũng, vùng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính sẽ được cải thiện song vẫn kéo dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận