10/02/2016 20:25 GMT+7

Số người chết tai nạn giao thông tăng ngày mùng 3 Tết

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết thống kê của Cục CSGT ngày 10-2 (tức mùng 3 Tết) cả nước  xảy ra 57 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 37 người, 65 bị thương. Tất cả đều là tai nạn giao thông đường bộ.

Như vậy, số vụ, số người  thiệt mạng và bị thương vì TNGT trong ngày mùng 3 Tết đều tăng cao so với các ngày trước đó (Ngày 7-2 xảy ra 34 vụ, làm chết 23 người, bị thương 30 người. Ngày 8-2 cả nước xảy ra 32 vụ, làm chết 21 người, bị thương 30 người. Ngày 9-2, cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn, làm chết 20 người, bị thương 38 người )

Trong ngày 10-2, lực lượng CSGT đường bộ toàn quốc đã tập trung xử lý 1.438 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, nộp kho bạc nhà nước 258,778 triệu đồng. Lực lượng CSGT đường thuỷ toàn quốc xử lý 4 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc 2,78 triệu đồng.

Ngày 10-2 có 3 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia. Nội dung các cuộc gọi phản ánh về tình trạng tự ý tăng giá vé và tình hình trật tự ATGT tại một số khu vực. Ủy ban An ATGT Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý triệt để nội dung các thông tin được phản ánh.

Công điện của Phó Thủ tướng

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia - trong công điện gửi các bộ ngành và  Ban ATGT tỉnh, thành phố ngày 10-2.

Công điện cho biết trong 4 ngày từ ngày 7-2 đến 10-2 (từ ngày 29 đến mùng 3 Tết) toàn quốc xảy ra 161 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 101 người, bị thương 163 người. So với 4 ngày Tết nguyên đán Ất Mùi 2015 giảm 86 vụ ( giảm 34,8%), giảm 41 người chết ( giảm 28,9%) và giảm 83 người bị thương ( giảm 33,7%).

Tuy nhiên, ngày 10-2 (mùng 3 Tết Bính Thân) mặc dù TNGT giảm sâu so với ngày mùng 3 Tết Ất Mùi 2015 nhưng vẫn còn ở mức cao. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm trật tự, ATGT có chiều hướng gia tăng nhất là hành vi vi phạm nồng độ cồn, lái xe vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện, chở quá số người quy định, phóng nhanh vượt ẩu.

Để bảo đảm trật tự, ATGT trong các ngày cao điểm còn lại của Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội xuân, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành trung ương và Ban ATGT tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp sau:

Chỉ đạo lực lượng công an tỉnh, thành phố huy động tối đa lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng Cảnh sát khác (Cảnh sát trật tự, Công an xã…) đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, ATGT đặc biệt là các hành vi điều khiển xe cơ giới: vi phạm nồng độ cồn, vượt quá tốc độ quy định, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường tỉnh, huyện, đường giao thông nông thôn. Bố trí lực lượng thường xuyên ứng trực trên các tuyến, địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông cao nhất là các khu vực cửa ngõ thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tuyến Quốc lộ trọng điểm như Quốc lộ 1, 5, 14 đặc biệt 2 ngày cuối đợt nghỉ lễ, kiên quyết không để xảy ra ùn tắc kéo dài.

Chỉ đạo Sở GTVT tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch bảo trì, tổ chức giao thông, bảo đảm điều kiện ATGT của kết cấu hạ tầng; kiểm tra việc thực hiện kế hoạch vận tải phục vụ người dân từ nơi nghỉ Tết về nơi  sinh sống, làm việc sau Tết Nguyên đán; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và đường hàng không; phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé sai quy định, chở quá số người quy định; ứng trực 24/7 để kịp thời xử lý những phản án của người dân về vi phạm hoạt động vận tải hành khách, tình hình ùn tắc giao thông qua đường dây nóng.

Ban ATGT cấp huyện, xã tăng cường biện pháp cảnh giới, bảo đảm ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không có rào chắn, quản lý chặt chẽ an toàn tại các bến khách ngang sông, các điểm du lịch; kiên quyết không để tình trạng chở quá số người, các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, hoạt động trái phép xuất bến.

Các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương, đặc biệt là các đài truyền hình, phát thanh, hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định pháp luật về trật tự ATGT. Trong đó cần tuyệt đối tuân thủ quy định: đã uống rượu bia thì không lái xe; phải đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; không phóng nhanh vượt ẩu; không chở quá số người quy định; phải mang áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh khi đi phương tiện thuỷ nội địa; không vượt đường ngang qua đường sắt khi có tín hiệu cảnh báo nguy hiểm tàu sắp đến và quan sát an toàn khi qua các đường ngang dân sinh không có cảnh báo.

 

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên