15/11/2017 11:44 GMT+7

Số lượng quá lớn ảnh hưởng đến chất lượng

NGỌC HÀ ghi
NGỌC HÀ ghi

TTO - Các chuyên gia, đại diện trường đại học từng tham gia các đề án 322, 911 cùng lên tiếng về kế hoạch bổ sung nguồn giảng viên có trình độ tiến sĩ của Bộ GD-ĐT.

Số lượng quá lớn ảnh hưởng đến chất lượng - Ảnh 1.

Các tiến sĩ của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong ngày nhận bằng. Đây được xem là một trong những trường đào tạo tiến sĩ có chất lượng - Ảnh: NHƯ HÙNG

Phần lớn các ý kiến đều tập trung về vấn đề chất lượng của đào tạo tiến sĩ.

* GS Phạm Minh Hạc (nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT):

Phải xác định nhu cầu nguồn lực cụ thể

Cách đây 7 năm, khi đề án 911 ra đời, không ít ý kiến cho rằng đề án có những điểm chưa phù hợp. Số lượng tiến sĩ không đạt được như mục tiêu đề án đã đành, mà nguy hiểm hơn là thời gian qua chúng ta thấy rõ chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước có phần đi xuống. 

Gần đây, kết quả thanh tra về đào tạo tại Học viện Khoa học xã hội - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho thấy số lượng đào tạo quá lớn tất yếu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Muốn đào tạo tiến sĩ có chất lượng, trước hết phải căn cứ trên chất lượng của người học, người dạy, quy trình đào tạo chặt chẽ. 

Tại nhiều nước, một giáo sư chỉ được hướng dẫn khoa học cùng lúc với số lượng học viên rất hạn chế để đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, tại Học viện Khoa học xã hội, một giáo sư lại hướng dẫn cùng lúc 40-50 học viên cao học và nghiên cứu sinh!

Số lượng quá lớn ảnh hưởng đến chất lượng - Ảnh 2.

GS Phạm Minh Hạc - Ảnh: NG. KHÁNH

Tiến sĩ là bậc đào tạo cuối cùng, chất lượng không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực đất nước nói chung, và ở phạm vi hẹp hơn là ảnh hưởng đến nền giáo dục, đến các trường ĐH.

Để xây dựng đề án bổ sung hàng nghìn giảng viên có trình độ tiến sĩ, trước hết phải xây dựng được kế hoạch theo đúng quy trình tiêu chuẩn. Và phải xác định nhu cầu nguồn lực cụ thể chứ không phải chỉ điểm danh số trường ĐH và nhu cầu chung chung của các trường.

* GS Đào Trọng Thi (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Không nên tập trung ngân sách cho đào tạo ở nước ngoài

Nhìn lại các đề án 322, 911 thì thấy rằng cái khó của những đề án này là không tuyển được ứng cử viên xuất sắc, đáp ứng yêu cầu đầu vào của các trường ĐH uy tín trên thế giới. Ở bậc đào tạo ĐH, có thể lấy "cần cù bù thông minh", nhưng đào tạo tiến sĩ không có chỗ cho người năng lực vừa phải. 

Nó đòi hỏi đầu vào phải là người có năng lực vượt trội về khoa học, không thể vì số lượng mà chấp nhận những nhà khoa học loại 2, không thể đóng góp gì cho sự phát triển của giáo dục và khoa học nước nhà.

Số lượng quá lớn ảnh hưởng đến chất lượng - Ảnh 3.

GS Đào Trọng Thi - Ảnh: VIỆT DŨNG

Thực tế, những người đáp ứng được yêu cầu của các trường ĐH uy tín trên thế giới sẽ không chọn những chương trình học bổng từ ngân sách nhà nước, vì mức hỗ trợ từ các đề án này thấp hơn hẳn so với học bổng quốc tế. 

Như vậy, nếu cố gắng đặt ra số lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài từ nguồn ngân sách thì có thể ứng viên được lựa chọn không phải là người đạt chất lượng như yêu cầu.

Dự thảo đề án mới của Bộ GD-ĐT cần khắc phục điều này. Nếu đề án tập trung cho đào tạo nước ngoài sẽ rất tốn kém, và cũng khó để tìm đủ người giỏi đáp ứng điều kiện vì các lý do trên. Cần cơ cấu lại để tập trung nhiều hơn cho đào tạo trong nước và đào tạo liên kết với nước ngoài. 

Tuy nhiên, để làm tốt việc này phải nâng suất đầu tư cho đào tạo trong nước. Mức hỗ trợ dành cho nghiên cứu sinh trong nước hiện quá thấp, có khi chỉ bằng 1/50 hoặc 1/60 chi phí cho đào tạo nước ngoài. Tiền quá ít thì không thể đòi hỏi chất lượng được.

Chỉ nên dành ngân sách đầu tư cho người đi học nước ngoài ở những ngành nghề mà trường ĐH VN hay các chương trình liên kết tại VN chưa thực hiện tốt.

anh_nguyentuananh_14

PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Ảnh: T.L

* PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh (trưởng phòng đào tạo ĐH và sau ĐH, Trường ĐH Thủy lợi):

Cần cải tiến quy định tài chính

Từ đề án 322 đến đề án 911, Trường ĐH Thủy lợi đã có thêm không ít giảng viên có trình độ tiến sĩ đào tạo trong và ngoài nước, góp phần xây dựng lực lượng giảng viên có trình độ cao cho nhà trường.

Tuy nhiên, việc triển khai đề án 911 còn một số bất cập. Hạn chế dễ thấy nhất là mức hỗ trợ đào tạo tiến sĩ trong nước từ đề án còn thấp, lại vướng thủ tục thanh toán khá phức tạp nên không thực sự thu hút giảng viên tham gia.

Ví dụ, với một số ngành đào tạo kỹ thuật, nghiên cứu sinh buộc phải đầu tư để làm thí nghiệm, mua số liệu, rồi đi hội thảo quốc tế, nhưng mức hỗ trợ của đề án là chưa phù hợp (nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ được đề án hỗ trợ 14 triệu đồng/NCS/năm).

Tôi được biết có những giảng viên tham gia đề án 911 nhưng cuối cùng không thể làm thủ tục thanh toán nguồn hỗ trợ - dù còn thấp ấy - vì không có đủ những giấy tờ, hóa đơn… theo yêu cầu. Vì vậy, cần thiết phải cải tiến quy định tài chính đối với những đề án tương tự trong tương lai.

NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên