20/12/2013 04:45 GMT+7

Sổ liên lạc điện tử không có lỗi

LÊ CÔNG SĨ
LÊ CÔNG SĨ

TT - Sổ liên lạc điện tử cũng có mặt được - mất. Tuy vậy, theo tôi, bản thân hình thức kết nối này không “có lỗi”. Lỗi ở đây chính là người sử dụng, cụ thể là cả phụ huynh và giáo viên.

Đừng biến con trẻ thành những robot ngoan ngoãn theo lập trình. Đừng biến sổ liên lạc điện tử vốn nhanh nhạy, hiệu quả thành “kẻ mách lẻo” khó coi

Thay cho sổ liên lạc “truyền thống” vốn chậm trễ và kém hiệu quả, như bất kỳ hình thức giao tiếp của phương tiện kỹ thuật số nào, sổ liên lạc điện tử được nhiều trường chọn sử dụng gần đây để kết nối với phụ huynh đã phát huy sự nhanh nhạy, hiệu quả.

Từ điểm số đến giờ giấc đi lại, thái độ học tập, giao tiếp... của con em đều được giáo viên chủ nhiệm kịp thời nắm bắt và phản ảnh đến phụ huynh; việc quản lý, giáo dục con em của phụ huynh vì vậy cũng vô cùng sát sao.

Và có thể nói sổ liên lạc điện tử là hình thức kết nối giữa nhà trường và phụ huynh phù hợp với xu hướng chung của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nhiều phụ huynh ngày càng ít có thời gian gần gũi con em mình.

Tuy vậy, sự nhanh nhạy vốn là đặc tính nổi trội của hình thức kết nối này đang khiến nhiều phụ huynh đau đầu cũng như khiến con em họ từ một trẻ năng động dễ thương tỏ ra thu mình, thụ động và có phần chai lì, “bất chấp” như trường hợp trong bài viết “Đau đầu với sổ liên lạc điện tử” (Tuổi Trẻ 19-12).

Cần biết rằng con trẻ với đặc tính luôn hiếu động (đó là đặc tính tốt, cần được khuyến khích) nên việc làm ồn hay vô tình nói chuyện riêng trong giờ học thiết nghĩ là khá bình thường, phổ biến.

Giáo viên khi ấy, vì đảm bảo trật tự cho lớp học và nội quy nhà trường, nên nhẹ nhàng và khéo léo nhắc nhở học trò mà không nên bất cứ nhất cử nhất động nào của các em cũng đều phải “chế tài” và “công khai” với cha mẹ qua sổ liên lạc điện tử.

Việc học trò đi lại thất thường cần được giáo viên phối hợp với gia đình tìm hiểu để đảm bảo an toàn cho con trẻ chứ không nên chỉ vì học sinh đi trễ do lỡ chuyến xe buýt hay kẹt xe (vốn là vấn nạn thường xuyên trong điều kiện giao thông của nhiều thành phố lớn) cũng nhất thiết phải ghi sổ đầu bài và “cấp báo” cho phụ huynh.

Giáo viên nên tạo cho mình một vai trò vừa là thầy vừa là bạn, gần gũi, chia sẻ, kịp thời nắm bắt tâm lý học trò để đưa ra những tình huống ứng xử phù hợp nhằm uốn nắn, giáo dục các em hơn là tạo ra hình ảnh một người “giám sát” nghiêm nghị, một “camera” theo dõi mọi lúc mọi nơi.

Cũng vậy, tuy quan tâm đến việc học hành, giao tiếp ứng xử và giờ giấc đi lại của con em, song phụ huynh cần có kiến thức về giáo dục con em mình. Không phải bất kỳ lỗi lầm nào của con trẻ cũng cần phải chế tài, đặc biệt phụ huynh không nên tạo ra cho con trẻ tâm lý mình là “kẻ vô dụng” hay “đồ ăn hại”.

Trước những lỗi lầm, con trẻ cần nhận được sự bao dung và tha thứ, sự khéo léo uốn nắn từ giáo viên, đặc biệt là phụ huynh để con trẻ tự nhận ra và sửa sai với tâm lý thoải mái, nể trọng người lớn hơn là sự khiếp sợ, tức “sợ nhưng không nể”.

Vì lẽ đó, phụ huynh và giáo viên nên gặp nhau, trao đổi thống nhất biện pháp quản lý, giáo dục con trẻ phù hợp để những giờ học trên lớp cũng như khi về nhà con trẻ không thấy khiếp sợ, chán nản và thu mình thành một ốc đảo riêng.

Từ ngày 12 đến 16-12, chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” nhận được bài cộng tác của tác giả: Trọng Thức, Cao Hàn Nguyệt Anh (Hà Nội), Đoàn Thị Thu Phương (Nam Định), Hàn Thức (Thanh Hóa), Thiện Ngôn, Lê Kim Dũng (Đà Nẵng), Nguyễn Phan Nhân (Bình Định), Lê Ngọc San (Đắk Lắk), Hoàng Ninh (Đắk Nông), Trương Văn Phương (Bình Phước), Trần Văn Sinh, Trần Đình, Trâm Oanh (Đồng Nai), Lê Phương Trí, Hà Hương Điệp, Nguyễn Thị Hoài Thương, Trần Văn Tám, Hoàng Thái Hùng, Mỹ Duyên, Hữu Chơn, Mỹ Tiên (TP.HCM), Đỗ Thị Thùy Dương (Tây Ninh), Nguyễn Thanh Hùng Hai, Nguyễn Thanh Dũng, Nguyễn Thị Ngọc Diễm (Long An), Thanh Vân, Triều Châu (Trà Vinh), Lê Đức Đồng (Sóc Trăng) và các tác giả Nguyễn Phinh, Đinh Thị Quý, Công Bằng, Lam Giang, Huỳnh Thị Như Nhi, Lê Hoàng, Thúy Minh...

Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về chuyên mục qua địa chỉ email giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Những bài viết hay, được nhiều bạn đọc quan tâm chia sẻ trong tháng sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm là phần thưởng trị giá 1 triệu đồng. Cuối mỗi quý, những bài viết hay nhất sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao giấy chứng nhận và phần thưởng trị giá 3 triệu đồng.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Không ép phụ huynh sử dụng sổ liên lạc điện tửĐột nhập mạng, tung tin thất thiệt làm 200 học sinh nghỉ họcTriệu tập nghi phạm tung tin đồn thất thiệtĐau đầu với sổ liên lạc điện tử

LÊ CÔNG SĨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên