Các chuyên gia pháp lý đều khẳng định việc bị can, bị cáo được đặt tiền để tại ngoại theo quy định tại điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 rất tiến bộ. Điều đáng tiếc là quy định này chưa được thực hiện rộng rãi. Tại sao?
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện KSND tối cao và TAND tối cao vừa hoàn thành dự thảo thông tư liên tịch liên quan đến việc cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án quyết định mức tiền mà các bị can, bị cáo hoặc người thân phải đặt để được tại ngoại.
Đảm bảo quyền con người
TS Đinh Thế Hưng - trưởng phòng pháp luật hình sự Viện nhà nước và pháp luật (Viện hàn lâm Khoa học xã hội) - cho rằng nền tố tụng Việt Nam vẫn có tư duy buộc tội. Nguyên tắc suy đoán vô tội lâu nay chưa phổ biến.
“Người ta cứ nghĩ bị khởi tố là có tội. Có tội thì phải bắt giam. Nhiều cơ quan tố tụng có tư duy lạm dụng việc tạm giam để thuận tiện cho việc điều tra.
Cho nên việc đặt tiền để được tại ngoại là một tư tưởng rất tiến bộ để đảm bảo quyền con người, tránh cho bị can, bị cáo bị giam giữ khi chưa có phán quyết cuối cùng của tòa án” - ông Đinh Thế Hưng cho biết.
Theo ông Hưng, cho phép bị can tại ngoại thì cơ quan điều tra sẽ khó khăn hơn khi tiến hành các biện pháp điều tra. Thậm chí có nguy cơ bị can sẽ chịu mất số tiền đã đặt để bỏ trốn, triệu tập không đến, có sự thông cung hoặc ngụy tạo chứng cứ khi ở ngoài trại gian...
“Tôi thấy lạ là cơ quan điều tra không lo ngại những vấn đề khó khăn đó thì tại sao người dân lại e ngại? Hơn nữa, cơ sở vật chất của các trại tạm giam hiện nay gặp nhiều khó khăn, việc tăng cường các biện pháp cho bị can, bị cáo tại ngoại khi chưa kết tội là điều rất cần thiết” - TS Hưng lý giải.
Đồng tình với ông Hưng, một thẩm phán TAND quận 9 (TP.HCM) nhấn mạnh: “Khi bị khởi tố mà không bị tạm giam, bị can sẽ được tự do khai báo, không phải chịu bất cứ tác động nào của cơ quan tố tụng. Nếu áp dụng rộng rãi chế định đặt tiền bảo lãnh tại ngoại thì sẽ có tác dụng giảm oan sai”.
Cần “bít” các lỗ hổng
Trên thực tế, chế định cho nộp tiền để được tại ngoại không phải quy định mới. Trước đây, thông tư liên tịch số 17 năm 2013 có hướng dẫn về việc đặt tiền để đảm bảo theo quy định tại điều 93 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Tuy nhiên, quy định này vẫn rất ít được áp dụng trên thực tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo TAND TP Hà Nội cho biết mặc dù có quy định nêu trên, nhưng cơ quan này chưa từng cho bị can, bị cáo nào được đặt tiền để tại ngoại.
Lý do: hướng dẫn chưa cụ thể nên các cơ quan đều rất e ngại, sợ bị can, bị cáo sau khi được tại ngoại bỏ trốn. Khi đó tòa án sẽ phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm, lại bị mang tiếng vì tiêu cực nên mới cho bị can tại ngoại.
Không những các cơ quan tố tụng e dè, ngay bị can, bị cáo và gia đình họ cũng ít biết về quyền này. Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng quy định này sẽ gỡ rối cho các cơ quan tố tụng khi áp dụng biện pháp cho tại ngoại để thay thế biện pháp tạm giam.
Tuy nhiên, dự thảo cần có những quy định chặt chẽ, “bít” các kẽ hở, tránh để người thực thi công vụ cũng như tội phạm lợi dụng khi thực hiện quy định tiến bộ này.
Đối với nhóm tội về kinh tế, bị can tham nhũng với số tiền lớn thì không nên cho áp dụng biện pháp này. Cần quy định chỉ một số tội danh mới được cho tại ngoại, chứ không áp dụng tràn lan.
Nếu bị can, bị cáo khi tại ngoại vẫn chấp hành tốt các quy định thì Nhà nước sẽ trả lại tiền chứ không tịch thu.
Theo ông Tú, hiện nay một số ý kiến vẫn lo ngại nếu quy định như dự thảo thông tư liên tịch thì người giàu sẽ được tại ngoại hết, người nghèo sẽ phải ở trong tù.
Đây là quy định liên quan đến kinh tế, nên khó có thể đảm bảo việc áp dụng đồng đều khi người dân có điều kiện kinh tế khác nhau. Trên thực tế không phải ai hoặc loại tội phạm nào cũng được nộp tiền để tại ngoại.
Ông Lương Quang Tuấn (nguyên kiểm sát viên Viện KSND tối cao) kiến nghị các cơ quan tố tụng nên có quy định cụ thể với từng tội danh sẽ được đặt cọc bao nhiêu tiền để được tại ngoại.
Ví dụ như tội ít nghiêm trọng là những tội nào, phải đặt cọc bao nhiêu? Hồ sơ vụ án ở cơ quan nào thì cơ quan đó có quyền ra quyết định, nhưng nếu lãnh đạo ra quyết định tại ngoại sai trái sẽ phải bị chế tài theo.
Ông Nguyễn Đức Sáu (nguyên chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM): Phải thể hiện bản lĩnh TAND TP.HCM từng áp dụng quy định cho đặt tiền để bị can, bị cáo được tại ngoại. Thực tế chúng tôi không thấy có vướng mắc gì. Việc dư luận lo ngại có tiêu cực hay không là không thể tránh khỏi. Nó phụ thuộc vào bản lĩnh của cán bộ các cơ quan tố tụng. Cần lưu ý quyết định cho bị can, bị cáo được tại ngoại là quyết định của cơ quan, chứ không phải của cá nhân thụ lý vụ án. Ví dụ khi thẩm phán thụ lý vụ án cần xem xét bị can, bị cáo nào được tại ngoại. Thẩm phán phải nghiên cứu đầy đủ nhân thân của người phạm tội để đề xuất với lãnh đạo tòa. Nếu lãnh đạo tòa chấp thuận thì ban hành quyết định. |
Tội nào không được tại ngoại? Dự thảo thông tư liên tịch quy định rõ những trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền đảm bảo để không bị tạm giam gồm: bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận