Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện KSND tối cao và TAND tối cao vừa hoàn thành dự thảo thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Theo nội dung dự thảo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án sẽ quyết định mức tiền mà các bị can, bị cáo hoặc người thân của họ phải đặt để đảm bảo họ được tại ngoại tùy vào tính chất, mức phạm tội của từng người.
Cụ thể, điều 5 dự thảo quy định “mức tiền đặt để bảo đảm” sẽ không dưới: 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 50 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng, 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng.
Dự thảo cũng quy định một số trường hợp đặc biệt thì cơ quan điều tra, viện KSND, TAND có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới 1/2 mức tương ứng quy định trên.
Khi đặt tiền để không bị tạm giam, các bị can, bị cáo phải cam đoan có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Nếu thực hiện không đúng, họ sẽ bị tạm giam trở lại và số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu.
Dự thảo cũng quy định rõ những trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền đảm bảo để không bị tạm giam.
Khoản 2 điều 3 dự thảo quy định những trường hợp này gồm: bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận