01/11/2007 06:13 GMT+7

Sinh viên vay vốn ngân hàng: Mỗi nơi làm mỗi kiểu

QUANG PHƯƠNG
QUANG PHƯƠNG

TT - Đến nay, sau gần một tháng triển khai việc cho sinh viên (SV) vay vốn, song vẫn còn nhiều SV có nhu cầu chưa được vay. Vì sao?

McFmctn1.jpgPhóng to
SV Nguyễn Ngọc Thương (khoa kinh tế - ĐHQG TP.HCM) cùng mẹ nhận tiền vay tạI NHCSXH Q.Bình Thạnh, TP.HCM (ảnh chụp chiều 30-10) - Ảnh: Như Hùng
TT - Đến nay, sau gần một tháng triển khai việc cho sinh viên (SV) vay vốn, song vẫn còn nhiều SV có nhu cầu chưa được vay. Vì sao?
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Từ đầu tháng 10-2007, N.T.K.H. - sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - đã xin giấy xác nhận và gửi về quê ở Tuy Hòa, Phú Yên. Ở quê, anh trai của H. nhận được đơn đã mang đến tổ trưởng khu phố nơi gia đình đang cư trú.

Tại đây, anh phải làm một tờ đơn xác nhận là gia đình có con học đại học, sau đó mang tờ đơn này lên phường và làm một tờ đơn xác nhận gia đình đang cư trú tại địa phương. Làm xong thủ tục lại mang về nộp cho Hội Phụ nữ khu phố (theo anh, đây là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn), sau đó hồ sơ được mang lên nộp cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Những tưởng vậy là H. được vay, nhưng mới đây tổ trưởng tổ kiết kiệm và vay vốn đã trả đơn về và gửi thêm một đơn xác nhận. Tờ đơn xác nhận này yêu cầu trường phải cho mã số tài khoản của trường. Đến nay đã gần hết tháng mười mà H. vẫn chưa nhận được tiền vay...

Thủ tục không dễ

Xét cho vay ra sao?

Theo văn bản hướng dẫn thực hiện cho vay đối với học sinh - sinh viên do tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội gửi các chi nhánh của ngân hàng này thì tổ tiết kiệm và vay vốn sau khi tiếp nhận hồ sơ xin vay, phải tiến hành họp để bình xét cho vay. Sau khi có xác nhận của UBND cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn gửi toàn bộ hồ sơ đề nghị vay vốn cho ngân hàng để làm thủ tục phê duyệt cho vay.

Ngân hàng nhận được hồ sơ thì tiến hành kiểm tra, đối chiếu. Sau khi phê duyệt, ngân hàng lập thông báo kết quả phê duyệt cho vay gửi UBND cấp xã. UBND cấp xã thông báo cho tổ chức chính trị - xã hội và tổ tiết kiệm và cho vay để báo cho người vay biết đến điểm giao dịch tại xã hoặc trụ sở ngân hàng để nhận tiền.

Một phụ huynh ở Rạch Giá (Kiên Giang) có con học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết gia đình đã làm đơn vay vốn, nộp từ cuối tháng 9-2007 nhưng đến nay vẫn chưa vay được. Bà nói: "Thủ tục thì không nhiều, nhưng khổ nhất là thời gian chờ đợi xét duyệt của địa phương, nộp đơn gần nửa tháng mới có kết quả xét duyệt". Đến khi có kết quả, cả nhà bà mới vỡ lẽ: ngân hàng thông báo các giấy tờ làm trong tháng chín đến tháng mười không còn hợp lệ! Vậy là một lần nữa bà lên ngân hàng nhận hồ sơ và làm lại từ đầu.

Một phụ huynh hộ khẩu ở xã Đắc Ư, Phước Long (Bình Phước) có con học tại Đại học Nông lâm TP.HCM cũng "đau đầu" vì chờ đợi. Con anh đã xin giấy xác nhận của trường và gửi về cho gia đình, thế nhưng khi đến UBND xã xin giấy xác nhận và hỏi về thủ tục vay thì xã không xác nhận vào hồ sơ vay vốn. Anh bức xúc nói: "Tui lên xã hỏi thì họ nói là trên tỉnh chưa chuyển vốn về huyện, nên xã chưa thể xác nhận hồ sơ cho vay được. Khi nào có thông báo thì xã mới xác nhận"!

Khác với những trường hợp trên, Đặng Thị Thanh Tâm, sinh viên năm 3 Trường đại học dân lập Hùng Vương, có hộ khẩu thường trú ở Ninh Bình, song Tâm và mẹ xa quê đã hơn hai năm. Tâm xin giấy xác nhận của trường nhưng đến nay vẫn chưa biết đến đâu để vay vốn, vì hộ khẩu thường trú vẫn ở quê, tại TP.HCM thì chưa có KT3. Tâm cho biết: "Bây giờ em vẫn chưa biết tính sao. Ước gì em được vay tại TP.HCM thì thuận tiện biết mấy".

Bao giờ hết rườm rà?

Ông Võ Minh Hiệp, phó tổng giám đốc phụ trách khu vực phía Nam Ngân hàng Chính sách xã hội, cho biết tính đến ngày 20-10-2007, 21 chi nhánh khu vực miền Nam đã giải ngân hơn 20.000 hồ sơ vay với số tiền hơn 50 tỉ đồng. Trong đó một số chi nhánh đạt khá cao như chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM (hơn 15 tỉ đồng), Long An (hơn 5 tỉ), An Giang (hơn 3 tỉ). Nghe những con số lạc quan là vậy, song thực tế khi thực hiện thì không ít người vay đã "nóng ruột" vì tình trạng chờ đợi, lề mề ở các giai đoạn cho vay cũng như thủ tục rườm rà, vướng mắc ở khâu mẫu hồ sơ vay mới - cũ.

Theo ông Hiệp, trong quá trình thực hiện có trường hợp sử dụng mẫu hồ sơ vay mới, có trường hợp sử dụng mẫu cũ nên các ngân hàng ở địa phương cần phải linh động, không nên làm khó dễ với người vay. Mẫu cũ, mẫu mới vẫn không phân biệt, mẫu nào ngân hàng cũng chấp nhận. Ngoài ra là vai trò của tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn. Một tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở Đồng Tháp thừa nhận: "Tôi làm gần như không công, vì khi nào ngân hàng thu lãi suất thì tôi mới được hưởng hoa hồng. Công việc không nhiều nhưng không phải lúc nào tôi nhận được hồ sơ cũng mang lên Ngân hàng Chính sách xã hội ngay được".

Ông Vũ Minh Hiệp cho hay hiện tại chưa có một hướng giải quyết nào thỏa đáng về mặt tiền công cho các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, "chúng tôi luôn động viên họ làm thật nhanh, thật tốt mà thôi".

QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên