Các thành viên của nhóm Apidez miệt mài làm việc trong “văn phòng” khởi nghiệp của mình tại TP.HCM - Ảnh: Hữu Thuận |
Sinh viên khởi nghiệp như một trò chơi mà ai cũng phải đánh cược thời gian, sức lực, tiền bạc và cả lửa đam mê của tuổi trẻ vào sự thành bại của dự án |
Sinh viên LÊ ĐẠI PHÁT |
Đầu năm nay, dự án ra mắt thị trường, số tiền họ đã đầu tư lên đến 70 triệu đồng nhưng không vay mượn, không xin gia đình mà lấy từ thù lao của những dự án trước.
Triết lý “con nhện giăng tơ”
Chỉ tay vào bức tranh một con nhện đa sắc treo chính giữa căn phòng, Lê Đại Phát, trưởng nhóm Apidez, sinh viên năm cuối ngành kỹ thuật phần mềm (Trường ĐH FPT), cho biết cách con nhện giăng tơ vừa là cảm hứng, vừa là triết lý mà cả nhóm đã đeo đuổi từ mấy năm nay.
“Loài nhện biểu trưng cho sự kiên nhẫn, giăng tơ trước khi bắt mồi. Sinh viên cũng vậy, cần phải bỏ ra thời gian để rèn luyện, xây dựng nền tảng vững chắc cho nhóm trước khi ra chiến trận” - Phát khẳng định.
Từ tháng 8-2014, Phát và những người bạn cùng ngành đã lập nhóm lập trình sinh viên mang tên Apidez, cùng nhau giành giải nhất một cuộc thi lập trình và bắt đầu xây dựng các ứng dụng vừa học, vừa chơi. Khi đã có kiến thức trong tay và thời gian thử thách chín muồi, nhóm quyết định chung sức khởi nghiệp.
Nhóm xây dựng kênh trung gian kết nối các nhiếp ảnh gia, các studio với khách hàng khắp mọi nơi dựa trên nền tảng công nghệ trực tuyến.
Suốt sáu tháng qua, Phát cùng Nguyễn Cao Thống, Vũ Huy Quân và những cộng sự tất bật làm việc trong “văn phòng” để thai nghén dự án mà cả nhóm đã dồn tâm huyết, tiền bạc vào thực hiện. Với những phần việc của dự án nhưng không thuộc lĩnh vực lập trình, nhóm quyết định bỏ ra số tiền không nhỏ để mời sinh viên, người đã đi làm cùng hợp tác thực hiện.
Ít ai có thể hình dung phần lớn số tiền đổ vào dự án do Phát tích lũy được từ quãng thời gian làm việc cho một công ty định giá bất động sản trực tuyến.
Riêng Quân dù là sinh viên nhưng đã có kinh nghiệm làm việc tại một công ty VN và một công ty của Úc, hiện nam sinh viên này là giảng viên tại Coder School. Còn Thống đã có tám tháng làm việc cho một công ty lập trình của Mỹ với mức lương 500 USD/tháng.
“Do đặc thù ngành học nên việc làm thêm đã bổ trợ, mở rộng rất nhiều kiến thức thực tiễn cho tôi, đồng thời mang lại cho tôi số tiền không nhỏ và cơ hội làm việc chính tại công ty đó sau khi ra trường” - Thống nói.
Với khởi nghiệp này, Thống cho biết điều hay nhất là mọi người đã tìm được ở nhau điểm chung là mong muốn phát triển bản thân, cùng chung ý tưởng và vượt qua khó khăn khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Giảng viên ở trường truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức về lý thuyết và thực hành, nhưng do thiếu thiết bị nên sinh viên chỉ làm trên mô hình ảo, phần mềm giả lập. Có làm thực tế mới tiếp xúc nhiều trường hợp cụ thể, mỗi công ty, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng thiết bị khác nhau, khi về trường học thì nắm thêm cái nhìn tổng quan cơ bản |
Sinh viên DƯƠNG THỊ KIM NGÂN |
Bài học từ cuộc sống
Một thiếu nữ ở vùng đất Tây nguyên xuống Sài Gòn trọ học nhưng lại mạnh dạn đi nhận trang trí các quán cà phê, cửa hiệu thời trang. Từ chỗ trang trí, nữ sinh viên này còn lập các nhóm sinh viên để thiết kế, thi công phần nội thất các cửa hiệu để vừa học nghề lại vừa có thêm thu nhập.
Cô gái lanh lợi đó là Lê Nguyễn Huyền Trang, thủ khoa ngành thiết kế công nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Trang hiện đang học thêm văn bằng hai ngành thiết kế nội thất.
“Có những bài học không đến từ sách vở mà ở ngay trong thực tiễn khi mình bắt tay thực hiện các dự án, vấp đến đâu là học thêm ngay đến đó” - Trang kể.
Ngay từ năm nhất, Trang đã theo các anh chị khóa trên đi trang trí mùa Noel để kiếm tiền. Đến gần tết, Trang lại nhận thiết kế thiệp tết dành riêng cho người nước ngoài. Đến hè năm hai, nữ sinh viên này bắt đầu nhận thiết kế và tự mình thi công cửa hàng thời trang.
“Tất cả mọi thứ mình phải bắt đầu từ con số 0. Tôi phải đi tìm thợ thi công giá rẻ, tìm nguyên liệu rẻ, tìm nhà xưởng, mối gia công rồi phải tính toán nhân công. Dù công trình này không có lời nhưng tôi bắt đầu học được những cái rất thực tế mà bài học đầu tiên là cách làm việc với chủ đầu tư” - Trang kể.
Để hoàn thành đúng tiến độ những công trình tiếp theo, Trang tìm thêm bạn cùng trường và học cách quản lý nhóm hiệu quả. Nhưng không chỉ làm việc bằng đam mê là suôn sẻ mọi thứ, có những lúc Trang phải đứng giữa lằn ranh tiếp tục hay bỏ cuộc.
“Tôi không xem các công trình là việc làm để kiếm tiền mà nó như một đồ án, một bài học. Có những khó khăn như bất đồng quan điểm, mâu thuẫn với chủ đầu tư thì tôi phải đi tìm nguyên nhân và làm lại, cái gì chưa biết thì đi hỏi. Mỗi công trình như một “đứa con” của đam mê, tôi không thể đem con bỏ chợ được” - Trang nói.
Số tiền kiếm được sau mỗi công trình Trang lại đầu tư vào các đồ án để thử nghiệm những vật liệu mới, chỉn chu hơn. Thành tích học tập tốt lại có nhiều kinh nghiệm, Trang được một công ty thời trang nước ngoài nhận làm việc với mức lương cao.
“Làm thêm giúp cho tôi có cả “kho” kinh nghiệm, làm quen với áp lực công việc để sau này ra trường bắt nhịp tốt và không bị bỡ ngỡ trước thực tế” - Trang nói.
Nữ sinh viên làm trưởng nhóm kỹ thuật Chỉ sau một năm làm việc cho một startup về ứng dụng viễn thông toàn cầu, Dương Thị Kim Ngân đã trở thành trưởng nhóm kỹ thuật (CTO) của dự án này. Ngân hiện là sinh viên năm cuối khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM. Kết thúc năm hai, Ngân quyết định “ra ngoài” để biết công việc cần gì ở người học và học hỏi những kỹ năng cần thiết trước khi ra trường. Ban đầu Ngân học việc bằng cách thiết kế giao diện website cho startup. Sáu tháng tiếp theo, Ngân làm việc bán thời gian, tiếp tục gắn bó với startup qua những phần việc liên quan hơn đến sản phẩm như máy chủ, bảo trì hệ thống… Cũng nhờ công việc bán thời gian này mà Ngân đã tự lo được chi phí sinh hoạt và phân nửa học phí. Lên năm cuối, việc học tương đối nhàn rỗi nên Ngân dành khoảng tám tiếng/ngày để làm ở công ty và 3-4 tiếng/ngày cho việc học. Nữ sinh viên này cho biết việc làm thêm đúng chuyên ngành bổ trợ rất nhiều cho việc học tập ở trường và là nền tảng để sinh viên tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi ra trường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận