Nhiều sinh viên ngồi chơi trong giờ học bóng chuyền ở ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Đ.T. |
Mỗi tối các ngày thứ hai, tư, sáu trong tuần, các khoảnh sân ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM lại trở nên nhộn nhịp với các lớp võ cổ truyền, vovinam, taekwondo...
Đây là những lớp học thuộc CLB võ thuật do các bạn sinh viên trong ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM thành lập. Được gầy dựng bởi các bạn sinh viên, phụ trách đứng lớp cũng là các sinh viên nhưng lớp võ vẫn rất quy củ, còn phối hợp với các liên đoàn võ thuật tổ chức những kỳ thi lên đai.
“Nếu nhà trường không có sân bãi chơi thể thao thì hủy luôn giờ học thể dục cho rồi để bọn tôi đi kiếm sân chơi khác bên ngoài |
Những lớp võ “nghe tiếng gió”
Các lớp võ bắt đầu vào lúc 6g chiều, khó có thể sớm hơn được bởi gần 5g30 chiều mới là giờ tan học của các trường ĐH. Khi các học viên tề tựu đông đủ thì trời đã nhá nhem tối, đến khi xong các bài tập khởi động, làm nóng thì trời đã tối hẳn.
Lúc này, lớp võ trông chẳng khác gì một “lớp học thôn quê” tối mịt mù. Trong khu đất tập luyện rộng chừng 100m2 của các võ sinh lớp võ cổ truyền, ánh sáng duy nhất đến từ một bóng đèn vàng leo lét.
Điều kiện thiếu ánh sáng gây ra không ít khó khăn cho việc tập luyện. Nguyễn Văn Trúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và là võ sinh trong lớp võ cổ truyền nơi đây, nói: “Lớp võ tối đến mức nhiều lúc người đứng lớp thực hiện động tác mà chúng tôi chẳng thấy gì. Chủ yếu là tập nhiều rồi thành quen”.
Nhiều người thường đùa học trong điều kiện tối tăm này chẳng khác gì “hiệp sĩ mù nghe tiếng gió” để đoán định đường quyền, thế đánh.
Không chỉ thiếu thốn ánh sáng, việc phải tập trên sân ximăng quá cứng khiến các bài tập luyện của lớp cũng không thể đầy đủ so với những lớp võ cổ truyền khác.
Đã vậy, giờ tập luyện lại hay bị ngắt quãng mỗi khi có xe chạy ngang qua. Vì khoảnh đất tập của các lớp võ nằm trên mặt đường đi lại trong khuôn viên ký túc xá nên xe cộ thường qua lại.
Hồ Thị Quỳnh Phương (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn), một trong những võ sinh kỳ cựu của lớp võ cổ truyền, nói: “Điều kiện tập luyện ở ký túc xá chúng tôi còn rất nhiều khó khăn. Nhưng thật sự không mở lớp ở đây thì cũng không biết mở ở đâu. Trong làng ĐH, phần lớn các sân chơi thể thao là sân cỏ bóng đá nhân tạo, những lớp học thể thao khác rất ít, trong khi không phải ai cũng mê bóng đá”.
Các sinh viên học trong khu vực nội thành càng khan hiếm cơ hội tập luyện thể thao hơn khi ở TP.HCM, số trường ĐH có được nhà thi đấu, thậm chí là đủ sân để tập thể dục, có thể đếm trên đầu ngón tay.
Đinh Ngọc Minh Quân, sinh viên ĐH Sài Gòn, cho biết khoảnh sân thể thao của trường tuy có thể học đủ các môn như cầu lông, bóng rổ, bóng đá... nhưng lại quá nhỏ, chỉ vừa đủ để phục vụ cho các giờ học thể dục trải dài từ sáng đến chiều của trường.
Vì thế sinh viên ĐH Sài Gòn cũng không thể sử dụng sân chơi nơi đây để chơi thể thao ngoài giờ. Nhiều trường ĐH khác trong TP.HCM thậm chí phải đi thuê sân bãi nơi khác để sinh viên học thể dục, một sinh viên Trường ĐH Hutech cho biết trường của bạn ở Q.Bình Thạnh nhưng nơi tập thể dục lại ở... Q.4.
Có sân cũng như không
So với các trường học trong nội thành, các ĐH có cơ sở ở làng ĐH (Linh Trung, Q.Thủ Đức) đầy đủ hơn về điều kiện tập luyện thể thao cho sinh viên. Điển hình như ĐH Khoa học xã hội và nhân văn hay ĐH Bách khoa TP.HCM đều có nhà thi đấu khá lớn. Nhưng có thể đáp ứng nhu cầu chơi thể thao cho sinh viên hay không lại là chuyện khác.
Một sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cho biết: “Ngoài các giờ học thể dục, sân bóng đá của nhà thi đấu lại đem cho thuê và người ngoài cũng có thể thuê”.
Hằng đêm, nhiều sân bóng đá của các ký túc xá vẫn đông đúc người chơi. Sở dĩ như vậy là bởi nhu cầu chơi thể thao của quá đông sinh viên nhưng số lượng sân bóng thì không đủ. Anh Khoa, một sinh viên trong nhóm thường chơi bóng vào lúc khuya, cho biết nhóm của bạn thường thuê sân vào lúc 12g khuya vì trước đó không thể nào đặt sân được, trong khi các sinh viên cũng không muốn thuê sân bên ngoài vào giờ khuya khoắt này vì sợ nguy hiểm.
Điều kiện chơi thể thao ngoài giờ khó khăn, việc rèn luyện thể chất của phần đông sinh viên chỉ có thể trông vào giờ học thể dục, nhưng chất lượng của các giờ thể dục cũng không khiến sinh viên hài lòng.
Minh Quân, sinh viên ĐH Sài Gòn, cho biết: “Trong chương trình học ở trường có năm học phần giáo dục thể chất, nhưng chỉ có hai học phần sau cùng là chúng tôi được tập luyện các môn thể thao thật sự. Còn ba học phần đầu tiên toàn học những thứ không cần thiết như các động tác thể dục tay chân, nhảy lò cò...”.
Nhiều trường ĐH khác cũng tương tự ĐH Sài Gòn, có ít nhất một học phần giáo dục thể chất là học các động tác thể dục tay chân. Nhiều sinh viên, đặc biệt là các bạn nam, tỏ ra vô cùng bức xúc nói: “Mấy động tác thể dục nhịp điệu này ngay cả học sinh tiểu học còn chê chán. Nếu nhà trường không có sân bãi chơi thể thao thì hủy luôn giờ học thể dục cho rồi, để bọn tôi đi kiếm sân chơi khác bên ngoài, chứ tập tành cho có kiểu này chỉ phí thời gian”.
Ngay cả các giờ học thể thao thật sự cũng không đáp ứng được nhu cầu chơi thể thao của tất cả. Ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, một trong những ĐH có sân chơi thể thao khá rộng ở TP.HCM, sinh viên được tham gia nhiều môn thể thao, phổ biến là bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền. Nhưng đó chỉ là với một nhóm nhỏ trong lớp. Chẳng hạn như giờ học bóng chuyền có khoảng 40 sinh viên trong một lớp học, nhưng lại chỉ có một sân bóng. Điều này khiến hầu như giờ học bóng chuyền của lớp chỉ thật sự diễn ra với hơn 10 sinh viên nam. Phần đông các sinh viên còn lại chỉ biết ngồi... tán dóc cho hết giờ. Chúng tôi thắc mắc thì một bạn trả lời: “Chỉ có một sân nên chủ yếu mấy bạn nào biết chơi, chơi hay thì chơi, còn mình chơi dở nên ngại lắm”.
Không kinh doanh sân trong trường Ở Singapore, các trường ĐH có cơ sở vật chất thể thao rất rộng lớn. Điển hình như Trường ĐH Bách khoa Nanyang, một trong những nơi được Singapore sử dụng làm sân tập cho các đội tuyển ở SEA Games 28, có đến hàng chục sân bóng (gồm nhiều môn bóng đá, bóng rổ, hockey, quần vợt...), hồ bơi, đường chạy điền kinh, phòng tập thể hình... ước tính đủ chỗ cho khoảng 500 - 600 người cùng chơi thể thao một lúc. Những sân chơi này đều tuyệt đối dành riêng cho sinh viên. Ông Gury Oly, người quản lý giáo dục thể chất của Trường Nanyang, nói: “Người ngoài chỉ có thể vào đây chơi trong trường hợp họ được các sinh viên trong trường dẫn vào và giới thiệu chơi chung. Chúng tôi xây trường, sân bãi để phục vụ sinh viên chứ không phải kinh doanh”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận